Người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam

(PLO) - Là một trong những thành viên tích cực nhất sáng lập ra tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục (tháng 3/1907), Lương Văn Can, với tư cách là Thục trưởng (tức Hiệu trưởng) và các nhân sĩ tri thức tiến bộ đầu thế kỷ XIX đã chủ trương “chấn hưng dân khí, khai thông dân khí, mở rộng nhân quyền, cải thiện dân sinh”, Để truyền bá tư tưởng duy tân, nhà Trường đã biên soạn và phát hành nhiều sách giáo khoa 
Cảnh buôn bán tấp nập tại Hà Nội những năm 1920
Cảnh buôn bán tấp nập tại Hà Nội những năm 1920

Lương Văn Can (1854 – 1927) sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội) địa linh nhân kiệt, nơi gần 500 năm trước đã sinh ra vị anh hùng dân tộc, doanh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380 – 1442).

Cả hai nhân vật trên đã làm rạng danh non sông đất Việt bởi những hoài bão, tư tưởng “nhân nghĩa” của mình. Nếu như Nguyễn Trãi coi “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” thì Lương Văn Can đề xuất và thực hành triết lý “kinh doanh phải hiếu nghĩa và trung thực”.

Là một trong những thành viên tích cực nhất sáng lập ra tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục (tháng 3/1907), Lương Văn Can, với tư cách là Thục trưởng (tức Hiệu trưởng) và các nhân sĩ tri thức tiến bộ đầu thế kỷ XIX đã chủ trương “chấn hưng dân khí, khai thông dân khí, mở rộng nhân quyền, cải thiện dân sinh”,

Để truyền bá tư tưởng duy tân, nhà Trường đã biên soạn và phát hành nhiều sách giáo khoa như Tâm đính luân lý giáo khoa thư, Văn minh Tân học sinh, Quốc dân độc bản, Nam quốc địa dư, Cải lương môn học Quốc sử giáo khoa thư...

Hoạt động kinh doanh, buôn bán cũng được nhà Trường quan tâm, phần để có kinh phí hoạt động, phần quan trọng hơn là nhằm mục tiêu “chấn hưng thực nghiệp”. Do đó, nhiều tiệm buôn ở Hà Nội (như Đông Lợi Tế, Tụy Phương, Hồng Tân Hưng, Đông Thành Xương) và các địa phương lân cận (như Phú Yên, Việt Trì, Hưng Yên...) được mở ra.

Bản thân Lương Văn Can cùng các con cũng trực tiếp mở hiện buôn Đại Thanh (trên đường An Dương, Nam Vang, Campuchia) và Hưng Thạnh (trên đường Quai Piquet) làm đại lý trung chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang. Công việc kinh doanh xuyên quốc gia của ông rất thành công vì đã đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường (do đang khan hiếm hàng hóa).

Đặc biệt, để tuyên truyền, phổ biến tư tưởng kinh doanh đối với quốc dân đồng bào, nhất là tầng lớp tư tưởng dân tộc khi đó, Lương Văn Can đã biên soạn hai cuốn sách Thương hợp phương châm và Kim cổ cách ngôn.

Về bố cục, Thương học phương châm bao gồm các mục: Tựa, Tư bản, Tổ chức sự buôn, Tính toán, Sổ sách, Thư từ, Thương hiệu, Thương tiêu, Thương địa, Thương điểm... Nội dung tổng quát của sách là bàn về vai trò của thương mại đối với sự phát triển kinh tế đất nước: “Cổ nhân thường khinh sự buôn bán là mạt nghệ, bởi vì người đời xưa trọng đạo đức mà khinh công lợi...

Cảnh buôn bán tấp nập tại Hà Nội những năm 1920
Cảnh buôn bán tấp nập tại Hà Nội những năm 1920

Bấy giờ các đại quốc do thông thương mà làm được phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà phú gia địch quốc, thế thì sự buôn cũng chẳng nên câu nệ như xưa mà chẳng lưu tâm nghiên cứu”; về 10 nguyên nhân khiến sự buôn bán của nước ta chưa phát triển:

1. Người mình không có thương phẩm.

2. Không có thương hội: cách thức lập hội chưa thạo, kẻ gian quyệt mượn tiếng lập hộ làm kế vơ vét, thành ra thương hiệu chưa lập đã vỡ, cổ phần chưa họp đã tan.

3. Không có chữ tín: cái ám muội của nhà buôn ta không thể nào tả hết được, chỉ xem ngạn ngữ ta rằng “thực thà cũng thế lái buôn” thời đủ biết đức tính của nhà buôn vậy. Chính bởi cái lòng không tín thực ấy mà làm cho hàng hóa ta không thể bán mạnh bằng hàng hóa các nước được.

4. Không có kiên tâm.

5. Không có nghị lực: chí khí đã nhút nhát, tư tưởng lại hẹp hòi.

6. Không biết trọng nghề.

7. Không có thương học: không có kế đào tạo cho các học sinh có đủ tư cách làm nghề buôn.

8. Kém đường dao tiệp: xem như nhiều nước đều có học tiếng Anh là tiếng nói vạn quốc thông dụng để đi đến nước nào nói năng cũng được tiện lợi và in những sách chiêu hàng phân phát cho người tiêu dùng...

9. Không biết tiết kiệm: làm ít tiêu nhiều, dư dật được tí nào đều bị cái phong trào xa xỉ nó cuốn đi cả. Bởi thế nên nhiều người tháng sau cáo cùng mà tháng trước vẫn diện ô tô song mã, lắm nhà ngày mai tích ký mà vẫn bày châu báu ngọc ngà, thật là chỉ choáng bề ngoài mà xấu bề trong, tốt bộ vỏ mà không có ruột. Trách nào vốn liếng mỗi ngày chẳng kém, sinh kế ngày càng quẫn bách.

10. Khinh nội hóa: Khiến cho quyền lợi mất cả ra ngoài, trách nào nghề buôn mình chả  kém các nước.

Trong khi đó, sách kim cổ cách ngôn lại đề cập tới các yếu tố mà nay chúng ta gọi là đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh với những câu cách ngôn của phương Đông và phương xưa nay: Ai cũng cần của cải, nhưng của cái phải trong sáng, phải được làm ra một cách trung thực của cải đã trong sáng rồi thì phải được sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm.

Đó không những là đạo đức chung cho tất cả mọi người mà còn là đạo làm giàu của doanh nhân. Một nhà sử học đánh giá: Kim cổ cách ngôn là một thứ sách giáo khoa bàn về cách làm giàu và bàn về của cải để mong tìm ra một “đạo làm giàu” của người Việt Nam mà không bị cuốn vào cơn lốc làm giàu của xã hội thời thuộc địa.

Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vấn đề kinh doanh, buôn bán được trình bày, bàn luận một cách chuyên sâu, thấu đáo, và những ý kiến sắc sảo nêu ra trong hai cuốn sách Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn đã được nhiều nhà sử học và nhà kinh doanh đánh giá rất cao vì những giá trị thiết thực của nó đối với sự nghiệp đổi mới đất nước ta hiện nay.

Một chuyên gia kinh tế cũng nhận định: “Những nội dung trong đó những lập luận xác đáng, nhận xét tinh vi, phê phán sắc sảo, thể hiện đổi mới tư duy cho đến thời điểm hiện nay vẫn còn nguyên giá trị”.

Đọc thêm