Độc đáo hệ thống tín hiệu báo động tàu giặc triều Nguyễn

(PLO) - Mặc dù việc dùng cờ hiệu giúp nhận biết tương đối chính xác, kịp thời song lại bộc lộ hạn chế. Hệ thống tín hiệu này không dùng được vào buổi tối hoặc những lúc thời tiết xấu thường gây nhầm lẫn, do đó triều Nguyễn sử dụng các đài hỏa phong, bắn đại bác hay pháo làm hệ thống tín hiệu liên lạc hỗ trợ cho việc dùng các loại cờ hiệu.
Theo quy định nhà Nguyễn, thuyền nước ngoài nếu muốn lên chợ ở trên bờ, chỉ cho đi trong số 10 người, không mang binh khí. Hình chụp tại Đà Nẵng khoảng cuối thế kỷ 19
Theo quy định nhà Nguyễn, thuyền nước ngoài nếu muốn lên chợ ở trên bờ, chỉ cho đi trong số 10 người, không mang binh khí. Hình chụp tại Đà Nẵng khoảng cuối thế kỷ 19

Đối với mỗi loại tàu thuyền, các tín hiệu được quy định rất chặt chẽ. Ví như, năm Minh Mạng thứ 9 (1828) quy định, khi phát hiện giặc ngoài bờ biển thì “ban ngày bắn ba phát đại bác, ban đêm cũng bắn ba phát đại bác và năm chiếc pháo thăng thiên làm hiệu. Phàm xa gần nghe thấy thì lập tức khẩn cấp tiếp viện. Nếu thuyền giặc bỏ chạy thì lấy thuyền nhanh nhẹ mà đuổi theo”.

“Không thể một ngày không phòng bị”

Khi lên cầm quyền, các vị vua đầu triều Nguyễn đều chủ trương tăng cường khả năng phòng bị của đất nước, với quan điểm: “Việc binh có thể 100 năm không dùng đến nhưng không thể một ngày không phòng bị”.

Trong phòng bị đất nước, không chỉ tăng cường phòng thủ biển đảo, mà mục tiêu hàng đầu là tổ chức, trang bị cho quân đội với mong muốn xây dựng một lực lượng thủy quân hùng mạnh: “Dựng nước trong vùng khí hậu nóng, phần lớn đất đai ven biển, thủy quân là quan trọng nhất, nên luyện tập để thuộc việc hàng hải, khi có việc mới tiện sử dụng”.

Vì thế, tổ chức và trang bị quân đội trở thành phương thức hữu hiệu trong phòng thủ biển đảo dưới triều Nguyễn.

Không ngừng tổ chức, huấn luyện và xây dựng lực lượng thủy quân là quan điểm xuyên suốt triều Nguyễn: “Địa thế nước ta ở ven biển, vốn lấy thủy quân làm món sở trường. Nhà Lê xưa không phòng thủy chiến, đến nỗi bại vong. Tây Sơn cũng coi khinh, thường không chịu thao luyện cho tinh… Nay tuy gặp buổi thanh bình, thủy quân càng không thể coi thường được. Nay bắt thao diễn luôn để ngày đêm tinh thục rồi cho tuần xét ngoài mặt biển để dẹp yên giặc biển, thế cũng là làm một việc được hai”. 

Căn cứ vào vị thế chiến lược quân sự của từng cửa biển, vùng biển, triều Nguyễn cho xây dựng, thiết lập hệ thống phòng thủ riêng. Hình chụp tại khu vực biển Hải Phòng
Căn cứ vào vị thế chiến lược quân sự của từng cửa biển, vùng biển, triều Nguyễn cho xây dựng, thiết lập hệ thống phòng thủ riêng. Hình chụp tại khu vực biển Hải Phòng

Hơn nữa, triều Nguyễn còn chủ trương cải tiến việc trang bị phương tiện cho lực lượng thủy quân, trong đó tàu thuyền đi lại phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trên biển được ưu tiên hàng đầu. Các thuyền bọc đồng, thuyền đại dịch và các loại thuyền tuần dương khác được triều Nguyễn chủ trương đóng và đem vào sử dụng phổ biến trong thực thi nhiệm vụ phòng thủ:

“Chuẩn cho Bộ Công suy tính để đóng các thuyền đi lại tuần như thế nào cho được nhẹ nhàng thuận tiện, rồi tâu lên ngự lãm… Ở kinh đô làm thuyền khóa đồng (bọc đồng) đi tuần ngoài bể, thuyền ấy dài 4 trượng 4 thước 1 tấc, có sàn ngồi để đánh nhau.

Các tỉnh dọc theo bờ bể thời làm theo hình dáng thuyền “đại dịch”, mỗi tỉnh hai chiếc, mà tỉnh nào mặt bể rộng mông mênh, thời làm ba bốn chiếc, đều gọi là thuyền tuần dương”.

Cùng với trang bị các loại tàu thuyền tuần dương có đủ khả năng đi lại và tác chiến trên biển, thủy quân và lực lượng tham gia vào phòng thủ biển đảo cũng được trang bị thêm vũ khí nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tại các pháo đài trấn thủ ở cửa biển, triều Nguyễn cho sắp đặt các loại đại bác, vũ khí có thể đủ sức đối phó lúc cần thiết: “Vua dự bảo Bộ Binh rằng: Pháo đài Trấn Hải ở Kinh sư, pháo đài Điện Hải ở tỉnh Quảng Nam đều là chỗ xung yếu, nên dù lúc vô sự, việc canh phòng cũng không thể bỏ qua. Bộ ấy nên truyền bảo quan binh bố phòng ở hai pháo đài ấy hết thảy súng đạn, khí giới, quân nhu lúc nào cũng chuẩn bị đầy đủ để đề phòng lúc bất ngờ”.

Đối với những pháo đài, cửa bể quan trọng khác, lực lượng phòng thủ ở đó cũng được trang bị chu đáo về thuyền tuần tra, đại bác và số lính trong mỗi pháo đài nhằm đảm bảo vững chãi trong phòng thủ.

Hệ thống phòng thủ các cửa biển

Đối với triều Nguyễn, phòng thủ biển đảo là một trong những vấn đề trọng sự của quốc gia. Phòng thủ từ xa là phương thức phòng bị để đảm bảo cho sự vững bền của triều đại, Vua Minh Mạng từng khẳng định:

“Trị nước phải biết lo xa. Trẫm từ khi thân chinh đến nay lo sách lược xây dựng nhà nước lâu dài, sửa đắp trường thành ở Quảng Bình, xây cửa Hùng Quang ở Hải Vân; những chỗ xung yếu dọc biển như Thuận An, Tư Dung, chỗ nào cũng lập pháo đài; nhân chỗ hiểm trở của núi sông để mạnh thêm sự bảo vệ đất nước”. 

Căn cứ vào vị thế chiến lược quân sự của từng cửa biển, vùng biển, các vua triều Nguyễn đã cho xây dựng, thiết lập hệ thống phòng thủ nhằm đảm bảo an ninh biển đảo, bảo vệ độc lập dân tộc.

Một tàu nước ngoài cập cảng Đà Nẵng đầu thế kỷ 20
Một tàu nước ngoài cập cảng Đà Nẵng đầu thế kỷ 20

Trong hệ thống các cửa biển, Thuận An được xem là quan trọng nhất. Vào năm 1813, vua Gia Long đã cho xây dựng ở đây pháo đài Trấn Hải và đã đặt ra định lệ việc phòng thủ ở pháo đài Trấn Hải như sau: “Quan trấn giữ mỗi tháng phải đổi một lần… Đổi phái biển binh hàng năm từ ngày 1/4 đến cuối tháng 7…”.

Nằm liền kề kinh đô, cửa biển Đà Nẵng có địa thế kinh tế, quân sự quan trọng cũng được triều Nguyễn hết sức quan tâm, đã tập trung một khối lượng sức tài vật lực phục vụ xây dựng các pháo đài lớn như: Điện Hải, An Hải, Phong Hải, Định Hải... xung quanh phục vụ công tác phòng thủ.

Ngoài các căn cứ quân sự được thiết đặt ở hai cửa biển quan trọng gần kề với Kinh đô, thì hệ thống phòng thủ cũng được lập ở các tỉnh khác trong cả nước thông qua xây dựng các pháo đài hoặc các đồn binh ở những chỗ xung yếu. Các cửa biển dưới triều Nguyễn đã thiết đặt các pháo đài có thể kể đến hai trấn Bắc Thành, Gia Định và các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... 

Tại các cửa biển này, các pháo đài, đồn binh cũng được sự quan tâm của triều đại rất đáng kể dựa vào việc chọn địa điểm, bố trí vũ khí, quy định số binh lính, nguyên tắc trong quá trình phòng thủ. Ở một số tỉnh ven biển ngoài khơi có các đảo, triều đình cho mộ dân hoặc sắc dụ yêu cầu thiết lập các đồn binh để đảm bảo an ninh vùng biển thuộc đảo này, đảm bảo cho nhân dân trong giao thông đi lại và khai thác nguồn lợi kinh tế ở các vùng biển gần. 

Ví dụ như ở các tỉnh BìnhThuận, Khánh Hòa: “Sai quan tỉnh Bình Thuận, tỉnh Khánh Hòa mộ dân để thành lập hai đội thuộc lệ, mỗi đội 50 người chia đóng đồn binh nguyên ở cửa bể Cam Ranh, Yên Cương”. 

Xác lập cứ liệu pháp lý 

Triều Nguyễn lên cầm quyền khi mà lịch sử dân tộc vừa trải qua thời kỳ tranh chấp quyết liệt giữa các tập đoàn phong kiến. Nhân tố đó cùng với quá trình mở rộng lãnh thổ về phương Nam, đòi hỏi triều Nguyễn phải không ngừng nỗ lực để xác định quyền làm chủ của mình trên các vùng đất mới.

Cùng với xác lập chủ quyền trên bộ, triều Nguyễn cũng đồng thời phải xác lập chủ quyền biển đảo. Đó là xây dựng hệ thống bản đồ biển đảo, phát triển hệ thống thông tin liên lạc giữa các pháo đài, cửa biển để tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ và làm chủ biển đảo của triều đại.

Đối với các đảo, vùng biển ven bờ, triều Nguyễn chủ trương tiến hành vẽ các hải đồ làm cứ liệu để phục vụ đi biển, quản lý và phòng thủ biển đảo, đồng thời đó cũng là môt căn cứ, tiêu chí để triều Nguyễn thông qua đó khẳng định chủ quyền của mình.

Bản đồ Đà Nẵng xưa tìm được trong nhà viên quan năm 1859, trong bản đồ ghi rõ những địa điểm trọng yếu trong phòng thủ đường thủy
Bản đồ Đà Nẵng xưa tìm được trong nhà viên quan năm 1859, trong bản đồ ghi rõ những địa điểm trọng yếu trong phòng thủ đường thủy

Một chỉ dụ viết: “Triển chỉ cho các quan địa phương  ra lệnh cho các viên coi đồn cửa bể trong hạt, bắt đầu từ năm nay phàm những cửa biển sở tại, rộng , hẹp, nông, sâu thế nào phải xem xét đo đạc cho tường tận hơn những cửa ven biển gần bờ, nếu có đống đá, ghềnh đá, bãi cát nông, bãi cát ngầm, mà thuyền bè cần phải tránh, đều phải chia rõ là cách bờ bao nhiêu trượng, thước; nếu cách bờ xa, khó xem xét đo đạc, cũng phải ước lượng xa gần mấy dặm, đi bộ mấy giờ, mấy khắc thì vào đến bờ và ở chỗ ấy trông lên núi thế trên bờ xem hình nó lớn hay nhỏ, hình giống cái gì, nhất nhất phải biên hết cả ra, để cho dễ nhận”.

Ba vấn đề được các vị vua đầu triều Nguyễn quan tâm trong xác lập chủ quyền trên các đảo là đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc đối với những đảo có vị trí quan yếu nhưng xa với đất liền, trong đó quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được triều đại quan tâm hàng đầu. Ngay từ buổi đầu lên ngôi, vua Gia Long đã thông qua đội Hoàng Sa để xem xét, vẽ thủy trình đối với Hoàng Sa vào các năm 1815, 1816. 

Sang thời Minh Mạng đã sai lực lượng thủy quân với sự hướng dẫn của các ngư dân để ra khảo sát Hoàng Sa: “Xem từ nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chọn phái thủy quân biển binh và giám thành đáp một chiếc thuyền ô nhằm thượng tuần tháng Hai thì đến Quảng Ngãi, giao cho hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, thuê bốn chiếc tàu của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa”. 

Thực tế cho thấy, dưới triều Minh Mạng trong hai năm 1837 và 1838 đã tiến hành đo đạc và vẽ được 14 tấm bản đồ trong đó có một bức vẽ chung về Hoàng Sa.  

Liên lạc bằng cờ hiệu, bắn súng, treo đèn…

Việc phòng thủ biển đảo muốn hiệu quả đòi hỏi phải kịp thời, nhanh chóng, chính xác trong đảm bảo thông tin liên lạc. Việc này được triều Nguyễn phát triển ở hầu hết pháo đài của các cửa bể quan trọng.

Nhằm nắm được thông tin về tàu thuyền vào các cửa biển phục vụ cho công tác phòng thủ, triều Nguyễn đã có những định chế cụ thể về tín hiệu nhận dạng thông qua hệ thống cờ hiệu, được quy định cụ thể là: “Thuyền binh của các nước Tây Dương thả neo ở ngoài biển, thì dùng cờ hiệu “Đinh tam”. Thuyền nước ngoài gặp nạn thả neo ở ngoài biển thì dùng cờ hiệu “Đinh ngũ”.

Thấy thuyền kiểu giặc nước láng giềng lảng vảng qua lại ở ngoài biển thì dùng cờ hiệu “Mâu tứ”. Thấy kiểu thuyền giặc phương Tây l qua lại ở ngoài biển thì dùng cờ hiệu “Mâu ngũ”. Thấy rất nhiều thuyền binh, hoặc có chiếc phất cờ, đánh trống, bắn súng, như có tình hình hung ác, thì dùng cờ hiệu “Mâu thất”.

Thấy có nhiều thuyền binh kiểu lạ, không phải là thuyền công, thuyền vận tải, thuyền buôn của triều đình ta thì dùng cờ hiệu “Mâu bát”. Thuyền ở ngoài xa, chưa phân biệt được thì dùng thuyền hiệu “Mâu cửu”.

Binh lính thời nhà Nguyễn
Binh lính thời nhà Nguyễn

Mặc dù việc dùng cờ hiệu giúp nhận biết tương đối chính xác, kịp thời song lại bộc lộ hạn chế. Hệ thống tín hiệu này không dùng được vào buổi tối hoặc những lúc thời tiết xấu thường gây nhầm lẫn, do đó triều Nguyễn buộc phải sử dụng các đài hỏa phong, bắn đại bác hay pháo làm hệ thống tín hiệu liên lạc hỗ trợ cho việc dùng các loại cờ hiệu.

Đối với mỗi loại tàu thuyền, các tín hiệu được quy định rất chặt chẽ. Ví như, năm Minh Mạng thứ 9 (1828) quy định, khi phát hiện giặc ngoài bờ biển thì “ban ngày bắn ba phát đại bác, ban đêm cũng bắn ba phát đại bác và năm chiếc pháo thăng thiên làm hiệu. Phàm xa gần nghe thấy thì lập tức khẩn cấp tiếp viện. Nếu thuyền giặc bỏ chạy thì lấy thuyền nhanh nhẹ mà đuổi theo”.

Để đảm bảo liên lạc giữa các cửa bể liền cạnh nhau, ban đầu triều Nguyễn sử dụng hệ thống đài hỏa phong. Tuy nhiên, phương pháp này thường dễ sinh nhầm lẫn dẫn đến hiệu quả của công tác phòng thủ theo đó cũng bị hạn chế, nên triều đình sử dụng phương pháp chạy trạm trên bộ:

“Trước đây cửa bể Tư Dung và cửa bể Chu Mãi thuộc tỉnh Thừa Thiên, cửa bể Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam đều có đài hỏa phong. Nay vua ngự đến cửa bể Tư Dung bảo rằng: Những bến ở vùng bể, nếu đặt nhiều chỗ tuần phòng gặp việc khẩn cấp thời cho trạm đi nhanh như bay khó gì không đến ngay được. Như thế với đài hỏa phong lại không hơn hay sao”.

Ngoài ra, để nhận diện được từ xa, nắm bắt tình hình tàu thuyền đi lại trên biển được hiệu quả, dưới triều Minh Mạng, nhà nước còn chủ trương trang bị kính thiên lý tại các pháo đài, treo đèn lồng vào các buổi tối với các màu khác nhau và nắm bắt thông tin từ các tàu thuyền đi lại trên biển nhằm đảm bảo cho việc nhận diện đúng cửa bể trong công tác phòng thủ.

Tàu thuyền từ trong nước và nước ngoài đều được kiểm soát thông qua hình thúc treo cờ và bắn súng là chính. Sách Đại Nam thực lục chép: “Sai bọn Cai cơ Hồ Văn Khuê chia ngồi các thuyền hiệu Bình dương, Định dương, Bình ba, An ba đi việc công ở Hạ Châu và Giang Lưu Ba. Bèn chuẩn định rằng từ nay những thuyền lớn như Thụy long, Bình dương đi đến cửa biển Đà Nẵng, thì lúc mới đến treo cờ vàng, bắn ba phát súng, đài Điện Hải cũng treo cờ vàng bắn bảy phát súng; khi đến ngoài cửa Thuận An thì thuyền và đài Trấn Hải đều treo cờ vàng, bắn ba phát súng”.  

Cùng với hiệu lệnh, việc kiểm soát tàu thuyền theo hình thức phân loại thuyền buôn hay thuyền chiến cũng được thực hiện. Ở các cửa biển, khi tàu thuyền cập cảng: “Nếu là thuyền buôn thì theo lệ thường mà làm; nếu là thuyền chiến thì một mặt phi tấu, một mặt sai phái binh thuyền canh phòng nghiêm ngặt cho tỉnh láng giềng phòng bị. Thuyền ấy đi ngày nào, hoặc vẫn đóng lại làm việc gì, cũng cho phép tiếp tục tâu lên để biết rõ tình trạng”.

Tháng Hai hàng năm cử thuyền đi tuần biển

Triều Nguyễn còn chú trọng thành lập các đội tuần tra, đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát và thanh tra nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, chấn chỉnh những hạn chế, sai sót trong việc phòng thủ biển đảo. Nhờ đó, việc kiểm soát tàu thuyền hoạt động trên biển đảo của triều đình được chặt chẽ, rộng khắp.

Đối với tàu thuyền đến từ phương Tây, việc kiểm soát nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn việc dò la tin tức, vẽ bản đồ, truyền giáo, thậm chí là các hoạt động gián điệp hay quân sự. Các tàu thuyền này khi đến các cửa biển sau khi hồi báo lên triều đình và các địa phương phụ cận sẽ xét hỏi về quân số, khảo xét việc đi lại, đối tượng tiếp xúc, mua bán nhằm mục đích kiểm soát tình hình và tránh trao đổi, dò la tin tức liên quan đến nội tình quốc gia. 

Một xưởng đóng thuyền ở miền Trung khoảng những năm 1880
 Một xưởng đóng thuyền ở miền Trung khoảng những năm 1880

Năm 1835, vua Minh Mạng chỉ dụ quy định về kiểm soát tàu thuyền phương Tây đến buôn bán: “Khi đến đậu phải xét hỏi trong tàu có bao nhiêu người, đăng ký rõ ràng, bẩm lên thượng ty, mới cho lên bờ mua bán với các cửa hàng chợ búa gần đó. Nhưng phải nghiêm việc phòng bị, không cho ở tản mát nhà dân, mua bán xong rồi lại điểm đủ số người, đuổi ra biển không cho một người ở lại”. 

Đối với một số cửa biển quan trọng như Đà Nẵng thì việc kiểm soát còn gắt gao hơn: “Sau khi thuyền nước ngoài đậu lại, nếu chỉ lấy củi lấy nước thì cho vào lấy ở nơi gần bờ, lấy củi thì phải lấy ở núi Sơn Trà, gánh nước thì phải gánh ở chợ Hàn.

Không được di tản vào làng xóm. Một hai ngày lấy xong thì chở đi, không được ở lâu để gây việc. Thuyền nước ngoài nếu muốn lên chợ ở trên bờ, tìm mua thức ăn thì cũng không cấm, nhưng chỉ cho đi trong số 10 người. Không được đi quá nhiều và không mang theo binh khí, súng trường lên bờ để bắn càn”.

Song hành với việc kiểm soát ven các cửa biển là việc tuần tra ngoài khơi. Việc tuần tra ngoài khơi sẽ góp phần quan trọng trong duy trì chủ quyền trên các đảo, bảo vệ thương nhân buôn bán, ngư dân khai thác nguồn lợi kinh tế biển và việc đi lại trên biển… Để việc tuần tra có hiệu quả, triều vua Nguyễn đã đặt ra định lệ, quy chế thực hiện: “Định thêm chương trình đi tuần ngoài bể và quy chế của binh thuyền đi tuần”.

Theo đó, cứ vào tháng Hai hàng năm các tỉnh cử binh thuyền đi tuần phòng, cũng tùy vào thời tiết hay hoạt động của “giặc biển” mà định lệ có thể linh hoạt là sớm hay muộn hơn: “Vua dụ bảo Bộ Binh rằng: “Trước đây trẫm đã giáng lời dụ, hàng năm binh thuyền đi tuần ngoài bể, cứ tháng Hai ra đi. Nay tháng Giêng trời đã sáng tỏ mà đường đi thuận tiện, chính là thời kỳ thuyền buôn đi về, thời nên phái đi tuần tiễu ngay để yên vùng bể”.

Lấy kinh đô Phú Xuân làm trung tâm để chia việc tuần phòng thành hai cánh Nam Bắc. Phía Bắc tuần đến cửa biển tỉnh Quảng Yên, phía Nam đến cửa biển tỉnh Bình Thuận. “Vua sai lính ở kinh và bốn cơ quân thủy, bộ, quản, vệ hơn 500 người, đi 10 chiếc thuyền Thanh Hải, Định Hải, Tuần Hải, ô thuyền chia làm hai đạo, một đạo từ tỉnh Thừa Thiên đi sang đàng Nam đến tỉnh Bình Thuận, một đạo từ tỉnh Thừa Thiên đi sang đàng Bắc đến tỉnh Quảng Yên để tuần tiễu giặc bể”. 

Tuy nhiên, căn cứ theo tình hình cụ thể trên biển mà có thể tăng cường lực lượng tuần phòng chứ không cứ theo định lệ có sẵn, miễn sao việc tuần phòng đạt hiệu quả cao nhất: “Năm ngoái ở Thanh Hoa có giặc biển, sai thành thần điều Thủy quân và lính đội Uy chấn hơn 100 người cùng năm chiếc thuyền đi tuần xét, đến bấy giờ mặt biển hơi yên nên rút về”.

Đôi lúc, việc tuần tra mang tính phòng trợ từ xa: “Nay nghe nước Anh Cát Lợi gây hấn với nước Thanh, có thể xảy ra chinh chiến. Nước ta giáp với nước Thanh, mà vùng Trà Sơn ở cửa bể Đà Nẵng trước đây tàu thuyền nước ngoài thường tạm đóng, nay cần phải dò xét tuần phòng để vững chỗ bể”. 

Ở một mức độ nhất định, các biện pháp tuần tra góp phần giữ vững yên mặt biển, giúp hoạt động đi lại được thuận lợi, ngăn chặn các hoạt động xâm nhập từ bên ngoài.

Một hoạt động khá quan trọng khác là chống cướp biển, các vua nhà Nguyễn cũng làm khá tốt. Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.

(Còn tiếp)

Đọc thêm