Người “thổi hồn” di sản qua lễ hội truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lê Quý Dương là người sáng tạo ý tưởng, viết kịch bản và tổng đạo diễn dàn dựng gần 60 chương trình lễ hội, sự kiện lớn trên cả nước. Các chương trình đều mang đậm dấu ấn kết hợp giá trị văn hóa truyền thống với sáng tạo hiện đại độc đáo, để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả.
Người “thổi hồn” di sản qua lễ hội truyền thống

“Phù thủy” của các lễ hội

Đạo diễn Lê Quý Dương sinh năm1968 tại Hà Nội, trong một gia đình nghệ sỹ, trí thức. Ông đỗ thủ khoa Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội khóa 1985 - 1990, chuyên ngành Lý luận Phê bình Sân khấu.

Lê Quý Dương đã mở một hướng đi mới bảo tồn di sản bằng việc sáng tạo và dàn dựng hàng loạt các lễ hội và sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch trên sân khấu quảng diễn, kết hợp chặt chẽ giữa các giá trị văn hóa truyền thống bản địa với những sáng tạo hiện đại. Ông cũng là người tiên phong tìm hiểu, nghiên cứu, lập đề án phát triển thành thương hiệu bền vững cho nhiều dự án văn hóa lớn mang dấu ấn riêng cho các tỉnh, thành trên cả nước, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.

Ông được giới chuyên môn và truyền thông mệnh danh là “phù thủy” của các lễ hội, đặc biệt là người góp phần to lớn định hình thương hiệu Festival Huế với hàng loạt chương trình như “Đêm Hoàng cung”, “Huyền thoại sông Hương”, “Hành trình mở cõi”, “Thiên hạ thái bình”.

Cùng với Festival Huế, Lê Quý Dương là người sáng tạo ý tưởng, viết kịch bản và tổng đạo diễn dàn dựng cho gần 60 chương trình lễ hội và sự kiện lớn trên khắp cả nước như: Lễ hội Dừa Bến Tre, Festival Gốm sứ Bình Dương, Festival Võ cổ truyền Quốc tế (Bình Định), Festival Dừa (Bến Tre), Festival Gốm (Bình Dương), Festival Cà phê (Đắk Lắk), Festival Lúa gạo (Sóc Trăng), Festival Đờn ca tài tử (Bạc Liêu), Festival Biển (Nha Trang), Festival Di sản Đông Dương (Quảng Nam)...

Từng là người viết kịch bản và tổng đạo diễn chương trình Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt năm 2018 và gần đây nhất là Lễ hội Hoa Lư đầu năm 2022, ý tưởng cho một Festival Di sản Ninh Bình đã được đạo diễn Lê Quý Dương nghĩ tới. Và ý tưởng đó đã thành hiện thực. “Festival Tràng An Kết nối Di sản” lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình từ ngày 17 - 19/11/2022. Đạo diễn Lê Quý Dương xây dựng kịch bản tổng thể với 5 chương trình tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc thù của từng vùng đất, khai thác thế mạnh về danh thắng, di tích và các giá trị di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn phát triển Ninh Bình thực sự trở thành điểm đến của Festival di sản tại Việt Nam, khu vực và quốc tế trong trương lai.

Đau đáu bảo tồn và phát triển di sản

Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ, đối với ông, lịch sử dân tộc, di sản văn hóa luôn là một kho tàng vô tận đem tới năng lượng và niềm cảm hứng cho sáng tạo hiện đại, bao gồm cả nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác. Làm thế nào để bảo tồn và phát triển di sản luôn là vấn đề khiến ông đau đáu.

Theo ông, có ba cách để bảo tồn, phát huy và cách tân các giá trị di sản. Cách thứ nhất là bảo tồn di sản nguyên bản 100% tại chính nơi mà di sản ấy đã được sinh ra. Cách thứ hai là giới thiệu di sản một cách nguyên bản và cốt lõi nhất có thể, trong những không gian mới. Cách thứ ba là chắt lọc những tinh hoa độc đáo nhất của di sản để sáng tạo mới và “thổi hồn” cho di sản theo nhịp sống đương đại. Với đạo diễn Lê Quý Dương, cả ba cách trên đều rất tốt và cần thiết cho quá trình bảo tồn, phát huy và kế thừa các giá trị di sản truyền thống, tuy nhiên phải đúng nơi, đúng lúc và đúng hoàn cảnh.

Là đạo diễn của nhiều lễ hội lớn, Lê Quý Dương rất sợ “lặp lại chính mình”. Bởi vậy, trước khi nhận lời viết kịch bản và làm tổng đạo diễn, ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu cặn kẽ văn hóa lịch sử, di sản từng nơi, để mỗi lễ hội lại mang màu sắc riêng, tái hiện lịch sử sinh động và di sản không thể trộn lẫn.

Là một đạo diễn lễ hội nổi tiếng nhưng Lê Quý Dương luôn duy trì nhịp sống lặng lẽ. Sau mỗi chương trình, ông thường thích ngồi một mình nhâm nhi những vần thơ dung dị. Tất cả những vui buồn được ông lắng đọng lại để nuôi dưỡng những sáng tạo nghệ thuật, “thổi hồn” vào các giá trị di sản văn hóa một cách sống động, mang tính ứng dụng cao trong thời đại công nghiệp văn hóa 4.0.