Người thực sự nghèo chưa thể mua nhà ở xã hội!

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam trao đổi với PLVN Online xung quanh cơ chế giám sát cũng như vấn đề pháp lý về nhà ở cho người thu nhập thấp.

Pháp Luật Việt Nam phỏng vấn ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, liên quan đến cơ chế giám sát cũng như vấn đề pháp lý về nhà ở cho người thu nhập thấp.

  [links()]

Thưa ông, có thời điểm 70% hồ sơ bị chủ đầu tư (Vinaconex Xuân Mai) trả lại, thủ tục như vậy có phiền hà quá không?

Theo tôi thì thủ tục như vậy không đến mức quá phức tạp. Ở thời kỳ đầu thì mọi người chưa quen, làm thủ tục chưa đầy đủ, cũng giống như trước kia chúng ta đi xin giấy phép xây dựng, làm sổ đỏ. Về mặt thủ tục thì những thứ đó cũng không khó khăn lắm, chỉ có điều khách hàng cần kiểm tra thủ tục lại trước khi nộp hồ sơ.

Theo ông, Bộ Xây dựng có nên ban hành một chuẩn chung về thủ tục mua nhà thu nhập thấp?

Bộ Xây dựng cũng đang hướng dẫn rồi, theo tôi thì cũng đừng nên sốt ruột quá, vì đây là thời kỳ đầu nên cần phải có những bổ sung hợp lý.

Dư luận lo ngại nhà thu nhập thấp không đến đúng đối tượng?

Chắc điều này khó tránh khỏi được 100%. Rõ ràng có những người trông bên ngoài có vẻ rất khó nhưng đang có tiền đầu tư vào chỗ nào đó thì chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát được. Quan trọng nhất là các UBND xã, phường và người ở cơ quan phải nắm thật chặt thì sẽ đỡ hơn, tuy nhiên để khẳng định “kiểm soát” 100%  bán nhà đúng đối tượng thì hơi khó.

Nhưng, cơ chế hiện nay là giao cho chủ đầu tư thẩm định hồ sơ, sau đó mới đến cơ quan chức năng rà soát lại, liệu đây có phải là “kẻ hở” để nhà bán sai đối tượng?

Đông đảo người dân đăng ký mua nhà thu nhập thấp tại Vinaconex Xuân Mai.

Đây là cách chuyển bớt phí xét duyệt, thủ tục sang chủ đầu tư. Đúng ra thì phải tập trung lại một đầu mối, như Sở Lao động – Thương binh – Xã hội, nhưng bây giờ  cơ quan Nhà nước muốn chuyển cho chủ đầu tư, tôi cho rằng như thế cũng được. Tuy nhiên, vấn đề là các thủ tục phải được thực hiện làm sao cho đơn giản, thuận tiện và hợp lý với người mua nhà.

Đối với các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì đây là cơ hội quảng bá thương hiệu, chứ cũng chẳng có doanh nghiệp nào “say sưa” đâu.

Tôi thì nghĩ tập trung làm sao doanh nghiệp nào xây dựng nhà để cho thuê thì mới mừng. Bán nhà thu nhập thấp như vừa rồi bằng cách trả dần, trả góp được, nhưng người thực sự nghèo thì chưa thể mua nổi nhà theo nguyện vọng của mình.

Nói đến câu chuyện giá cả, hiện nay chủ đầu tư được ưu đãi nhiều mặt khi thực hiện những dự án như vậy, nhưng giá mỗi căn hộ đến tay người tiêu dùng liệu có quá sức với khách hàng không, thưa ông?

Có một phụ thuộc rất quan trọng để giá nhà không cao khi quyết định đầu tư vào vị trí  đất của khu vực đó. Nếu chuyển lên Bắc Giang, Bắc Ninh thì giá sẽ rẻ ngay. Chính vì thế giá trị đất thời kỳ đầu bị phân bổ nhiều. Nếu thấp quá thì không phải là hay.

Hiện nay, tôi cũng chưa thực sự yên tâm lắm vì có cơ chế hai giá thì sẽ có cơ chế xin cho, điều này không tránh được tiêu cực. Tôi thì ủng hộ chuyển tiền đó sang cho người thuê, người mua. Còn cơ chế thị trường ở các nước là chuyển sang giá như nhau, một giá. Bây giờ đang thí điểm, chúng ta cứ chờ một vài năm để thấy điều gì còn khiếm khuyết mà còn bổ sung cơ chế chính sách. Tôi muốn cơ chế một giá, và Nhà nước bù cho người mua chứ không phải “ủng hộ” nhà đầu tư.

Với mặt bằng thu nhập thấp, ở các nước thì ưu tiên số một vẫn là đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê. Rất tiếc hiện nay là các dự án nhà ở xã hội chưa thấy nơi nào cho thuê cả.

Để đảm báo tính minh bạch, chủ đầu tư có nên công khai khách hàng được mua nhà không, thưa ông?

Tôi nghĩ là cần thiết, điều này giúp chúng ta kiểm soát lẫn nhau.

Xin cảm ơn ông!

Việt Hưng (thực hiện)

Đọc thêm