Người tiêu dùng thông thái sống sao khi nhà sản xuất kinh doanh ác độc?

(PLO) - Khi bàn về câu chuyện an toàn thực phẩm (ATTP), nhiều ĐB đã kêu gọi người tiêu dùng cần phải thông thái để lựa chọn thực phẩm sạch, nhưng cũng có đại biểu đã phải thốt lên bất lực: Thông thái đến cỡ nào khi xung quanh chúng ta len lỏi những người sản xuất kinh doanh rất "ác độc"”
ĐBQH Thái Trường Giang - tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016
ĐBQH Thái Trường Giang - tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016

ĐB Lưu Bình Nhưỡng - Bến Tre và nhiều ĐB khác trong phiên thảo luận về vấn đề ATTP tại kỳ họp thứ 3, QH khóa XIV, đã cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong quản lý nhà nước hiện nay đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm là phải xây dựng một xã hội với những người tiêu dùng thông thái. 

Theo phân tích của các ĐB, người tiêu dùng đồng thời là những người lao động, sản xuất ra hàng hóa sản phẩm. Hơn ai hết, họ là người hiểu rõ những vấn đề luân lý trong từng cây rau, con lợn, con gà, kể cả sản xuất công nghiệp, họ cũng hiểu những vấn đề đó. 

Do vậy, ĐB cho rằng biện pháp quan trọng nhất lúc này là phải tuyên truyền cho người dân tự giác hiểu được, Nhà nước là Chính phủ kiến tạo nhưng người dân có quyền tự định đoạt trong mối quan hệ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm, các nông phẩm. 

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, không thể dự vào việc "cấp giấy" để mong có thực phẩm sạch. “Nhiều người dựa vào giấy chứng nhận này để làm khiên che đỡ cho các hành vi vi phạm. Vừa qua Hưng Yên đã phát hiện ra một loạt giấy chứng nhận giả, tôi cho rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, không phải đẩy mạnh việc cấp giấy”.

Trước những ý kiến về "người tiêu dùng thông thái", ĐB Thái Trường Giang - Cà Mau - bức xúc: “Tôi không hiểu khái niệm thông minh, thông thái đến cỡ nào khi xung quanh chúng ta len lỏi những người sản xuất kinh doanh rất "ác độc". Cho nên theo đại biểu, phải tăng nặng hình phạt về tội danh này trong luật hình sự. 

“Có thể ý kiến của tôi chỉ là thiểu số đối với một số đại biểu có cùng quan điểm. Nhưng xin Quốc hội hãy xem điều này rất là nghiêm trọng. Qua báo cáo giám sát cho thấy giai đoạn 2011-2016 chỉ xử lý được 1 vụ hình sự cho 3 bị can trong 90 vụ, 148 bị cáo hành vi phạm tội về an toàn thực phẩm đưa ra xử lý. Tôi thấy con số này thực sự rất ít”, ông nói.

ĐB Nguyễn Thái Học - Phú Yên đồng quan điểm với ĐB Thái Trường Giang, ông cho rằng đòi hỏi người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông thái, người tiêu dùng thông minh, người dân nghe cảm thấy rất buồn và không đồng tình. 

Bởi vì, tiêu dùng thông thái, thông minh tùy thuộc vào các điều kiện, các hoàn cảnh nhất định, người nông dân đói phải ăn, khát phải uống mà không có sự lựa chọn nào khác, bây giờ chúng ta đòi hỏi người tiêu dùng thông minh, thông thái thì lựa chọn như thế nào?.

“Vấn đề đặt ra ở đây tôi nghĩ rằng công tác quản lý nhà nước của chúng ta trong thời gian qua tốt chưa? Vì sao có một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức đến vấn đề an toàn thực phẩm? Vì sao công tác thanh tra, kiểm tra của chúng ta vẫn còn thụ động.

Tôi đặt vấn đề là vì sao công tác thanh tra, kiểm tra của chúng ta thụ động? Khi chúng ta thụ động như thế thì chúng ta không thể phát hiện ra thực phẩm của chúng ta tốt hay không tốt?. Vấn đề đặt ra nữa là vì sao việc xử lý của chúng ta không nghiêm?. Chỉ có 20% phát hiện có sai phạm nhưng xử lý có 20%. Như vậy, khi chúng ta làm chưa tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thì chúng ta đòi hỏi người tiêu dùng phải thông minh, thông thái là không thể đáp ứng được”, ĐB nói.

ĐB Quách Thế Tản - Hoà Bình - đưa ý kiến: Bên cạnh "hãy là người tiêu dùng thông thái’, cần có thêm  khẩu hiệu "hãy là người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có lương tâm" để nhắc nhở, cảnh báo, kêu gọi những người sản xuất có lương tâm đối với cộng đồng, đối với xã hội.

Đọc thêm