Câu chuyện người đàn ông trung niên ở Quảng Trị va chạm giao thông, thấy thiếu niên 16 tuổi vượt đèn đỏ nên nhắc nhở, sau đó bị thiếu niên này rút dao đâm chết đã khiến dư luận phẫn nộ vì hành vi côn đồ, hung ác của một người còn chưa đến tuổi thành niên. Nhiều người khác thì buồn, lo, vì giờ đây, muốn làm người tốt sao khó quá. Người tốt rất có thể sẽ vong mạng từ những kẻ hung ác, chỉ vì vài lời nói, hành động tích cực của mình nhưng không vừa lòng đối tượng.
Một thành viên ban quản trị chung cư tại Hà Nội, chỉ vì trách nhiệm chung, cương quyết không cho người thuê nhà vi phạm quy định về an ninh, an toàn chung cư, bảo vệ quyền lợi cho cư dân mà bị một nhóm người đánh “hội đồng” phải nhập viện.
Những vụ việc làm người tốt để rồi mang họa vào thân dường như không còn hiếm nữa. Một thanh niên ở Nghệ An, vì thấy hai người hàng xóm đánh nhau, vào can ngăn và bị đâm chết. Một thanh niên khác ở TP HCM cứu người tai nạn giữa đường, mang vào bệnh viện, bị người nhà nạn nhân quây lại đánh cho một trận vì tưởng là người gây tai nạn.
Không chỉ những hành xử bộc phát, hung hãn, tàn ác của người với người khiến cho người tốt chịu tổn thương. Cả những hành vi lợi dụng lòng tốt để lừa đảo nhan nhản cũng đang ngày một mài mòn niềm tin con người, khiến có khi người ta muốn tốt mà không dám tốt. Một tài xế lái xe bus, thấy bà bầu trên xe sắp trở dạ, vội gom tiền đưa vào bệnh viện, để rồi sau đó người phụ nữ này nhận tiền và trốn mất với cái thai giả, còn người tài xế có nguy cơ chịu kỷ luật vì tự ý thay đổi lộ trình xe.
Một nữ sinh thấy đứa trẻ đứng bên đường khóc, nên dừng xe hỏi thăm để đưa về. Ai ngờ những kẻ dàn cảnh phục sẵn ùa ra, vu vạ bắt cóc con nít rồi thừa cơ cướp xe. Những ông bà cụ, người lạc đường, xin tiền đi xe về nhà, hóa ra ngày nào cũng “lạc”… Giờ để làm người tốt, có lẽ phải cần đến cái tâm trong sáng và kiên định lắm. Bởi vì, hễ định làm điều tốt, những lo ngại sợ hãi lại ập đến.
Giờ đây, người ta có thể tích cực hành động trên mạng xã hội bằng cách lên tiếng, vẽ tranh, chế ảnh… để lôi những kẻ ấu dâm ra ánh sáng. Dư luận mạnh mẽ còn khiến những người sai trái, ngoan cố phải nhận lỗi, quỳ gối xin lỗi. Số đông có thể ủng hộ một cậu bé nghèo vượt khó hàng trăm triệu đồng chỉ trong vài ngày, khi câu chuyện được đưa lên mạng… Nhưng ở đời thực, cũng những người viết lên bàn phím những câu chữ quyết liệt ấy, có khi phải quay mặt đi trước một hành vi sai trái, hay một hoàn cảnh thương tâm ngay trước mắt mình. Biết phải trách ai?