Tiếp cận theo cách riêng
Những ngày đầu năm, hình ảnh cổ phục Việt xuất hiện đầy ấn tượng lan toả trên khắp các trang mạng xã hội và cả truyền hình đã khiến nhiều người thích thú xen lẫn tò mò. Không biết từ bao giờ, trong chuyến du xuân của các bạn trẻ hay những bức hình kỷ yếu, chiếc áo dài tân thời không còn là trang phục truyền thống duy nhất được lựa chọn. Những bộ cổ phục dần len lỏi rồi trở thành trào lưu ngày càng lan rộng trong giới trẻ, cho thấy một di sản xưa cũ đang hiện diện nhiều hơn trong đời sống hôm nay.
Đây là kết quả đẹp cho một hành trình dài nỗ lực của các bạn trẻ có niềm đam mê với trang phục của người Việt xưa. Nhắc đến cổ phục, Đại Việt Cổ Phong là cái tên được nhiều người nghĩ đến nhất, đây có lẽ là hội nhóm về cổ phục đầu tiên được thành lập vào năm 2014. Nhóm gồm các bạn trẻ đam mê tìm hiểu về văn hóa cổ Việt Nam, mong ước tái hiện văn vật của nước Việt xưa.
Nhóm có hai mục tiêu chính, thứ nhất là nghiên cứu và phổ biến văn hoá xác thực của Việt Nam từ triều Nguyễn về trước. Để đạt mục tiêu, nhóm đã lập ra các diễn đàn làm nơi trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu, kiến thức về lịch sử văn hoá Việt Nam. Cho đến nay, số lượng thành viên nhóm Đại Việt Cổ Phong đã lên tới hơn 177.000 người. Đây là minh chứng cho thấy sự quan tâm nhất định của giới trẻ với cổ phục nói riêng và văn hoá dân tộc nói chung.
Mục tiêu thứ hai là phỏng dựng, phục dựng văn vật của Việt Nam từ triều Nguyễn về trước qua nhiều phương tiện như tranh vẽ, mô hình, phim ảnh, trang phục… để người ngày nay có thể hình dung được về người Việt xưa. Về các dự án trang phục, nhóm đã có nhiều hoạt động ấn tượng có thể kể đến như dự án chiếc áo Giao Lĩnh thời Lê, dự án áo dài thời Nguyễn, dự án Việt Nam cổ phục... Nhóm Đại Việt Cổ Phong nhận thấy sau các hoạt động của nhóm, quan niệm của công chúng về trang phục cổ đã có sự thay đổi lớn, ngày càng có nhiều hội nhóm khác về văn hóa, lịch sử Việt Nam đã ra đời và đi theo con đường này.
Cùng với sự nở rộ của công nghệ, người trẻ tại khắp các địa phương trên cả nước đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa di sản, di tích góp phần phát huy giá trị lịch sử. Tại tỉnh Quảng Ngãi, các cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện công trình thanh niên “Số hóa di tích lịch sử, văn hóa”. Đây là hoạt động ý nghĩa của tuổi trẻ Quảng Ngãi nhằm cung cấp chính xác dữ liệu, hình ảnh, tài liệu liên quan đến các khu di tích, địa chỉ đỏ, danh lam thắng cảnh. Qua đó, tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Đến nay, dưới sự góp sức của các bạn trẻ, các cơ sở đoàn trong tỉnh đã thực hiện số hóa 12 di tích lịch sử, văn hóa tại các địa phương.
Tại Hà Nội, vào tháng 5/2023, sự kiện triển lãm “Bắc nhịp tang bồng” do các bạn trẻ yêu thích văn hóa dân tộc khởi xướng đã diễn ra hơn một tháng với các hoạt động trưng bày, triển lãm, toạ đàm về các loại hình nghệ thuật truyền thống. Không gian trải nghiệm mang đậm màu sắc dân gian với các sáng tác mới được lấy cảm hứng từ nghệ thuật đã trở nên gần gũi, dễ hiểu. Sự kiện thu hút sự quan tâm đông đảo của đông đảo người tham gia, trong đó phần lớn là các bạn trẻ.
Bên cạnh các sản phẩm mang tính truyền thống, “Bắc nhịp tang bồng” còn cho ra mắt phim 3D Visual Arts, một video ca nhạc kết hợp giữa các loại hình biểu diễn truyền thống và âm nhạc điện tử EDM, là sản phẩm ứng dụng số hóa đưa đến một cách tiếp cận mới về nghệ thuật biểu diễn truyền thống… Sự dẫn dắt người tham quan đi từ truyền thống đến hiện đại để chứng kiến sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật trình diễn truyền thống và ứng dụng công nghệ trong số hóa di sản đã giúp người trẻ có cách tiếp cận mới mẻ, riêng biệt với nghệ thuật biểu diễn, di sản phi vật thể nước nhà.
Lăng Tự Đức, Cố đô Huế được số hóa bằng công nghệ. (Ảnh: VR3D). |
“Dù đã vài tháng từ khi được trải nghiệm sự kiện triển lãm “Bắc nhịp tang bồng” nhưng ấn tượng của tôi về không gian nghệ thuật độc đáo nơi đây vẫn nguyên vẹn. Là một người trẻ nhiệt huyết, yêu văn hóa dân tộc tôi cảm thấy rất mãn nhãn cả phần nghe và nhìn trước các tác phẩm nơi đây. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong các tác phẩm đã tạo ra góc nhìn độc đáo giúp những người trẻ như tôi tiếp cận di sản một cách gần gũi, thân thuộc và thoải mái. Tôi mong rằng sẽ có ngày càng nhiều hoạt động số hóa di sản tương tự của thế hệ trẻ để giúp mỗi chúng ta hiểu sâu sắc hơn về những giá trị di sản và cả giá trị phi vật thể ông cha để lại”, bạn M.Châu (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Xu thế số hóa di sản
Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu với tất cả các lĩnh vực, di sản cũng không ngoại lệ. Thời đại 4.0 mang đến nhiều thử thách về nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội nếu biết tận dụng sức mạnh của công nghệ, kỹ thuật. Do đó, giới trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển văn hóa vì chính sự hiểu biết của họ về công nghệ cộng với sự năng động, sáng tạo đã tạo ra những chất liệu mới, sức sống mới cho các hiện tượng văn hóa và số hóa di sản là một trong những mục tiêu hàng đầu.
Ảnh minh họa. (Ảnh: BVHTTDL) |
Công nghệ là nền tảng cho một công cuộc có ý nghĩa to lớn với mọi quốc gia - số hóa di sản văn hóa, đặc biệt với một đất nước sở hữu lượng di tích, giá trị văn hóa đồ sộ và đa dạng như Việt Nam. Chuyển đổi số cũng chính là cầu nối hữu ích đưa các di sản đến gần hơn với cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa.
Dưới bàn tay của người trẻ và sự trợ giúp đắc lực của công nghệ, di sản chưa bao giờ trở nên hấp dẫn, sống động và thu hút thế hệ hôm nay đến vậy. Chúng ta thấy, nhiều tác phẩm ngày hôm nay, qua tài trí của người trẻ đã nhận được sự quan tâm rộng rãi hơn của người dân trong và ngoài nước. Đây vừa là xu thế vừa là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của một lớp người trẻ để “thổi hồn” giúp cho những báu vật ông cha ta để lại không còn “mù mờ” mà thực sự trở thành hồn cốt của dân tộc.
Không đơn thuần là cuộc dạo chơi, số hóa di sản đang thực sự trở thành một xu thế, những người trẻ tuổi đang phát huy sức sáng tạo, trí tuệ để tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Minh chứng là các điểm đến di sản đã và đang trở thành không gian đầy hứng khởi, thu hút công chúng. Ngày càng nhiều các bảo tàng, di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật,… đang đẩy mạnh số hóa, dùng công nghệ thay đổi cách trưng bày, dùng công nghệ thực tế ảo để người xem ở bất kì nơi nào có kết nối Internet đều có thể ngắm nhìn, khám phá, thậm chí tương tác gần như thực tế với các cảnh quan.
Số hóa di sản đang ngày càng khẳng định vai trò của một phương pháp bảo tồn, lưu giữ cũng như quảng bá di sản trong xã hội hiện nay. Trong đó, vai trò của người trẻ rất quan trọng bởi họ là những người biết xã hội ngày nay cần gì. Nhằm kết nối sợi dây từ quá khứ đến hiện tại, người trẻ không ngần ngại lựa chọn con đường khó để thể hiện tình yêu với di sản theo cách riêng của mình.
Tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”, nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Chương trình đặt mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2030: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% các di tích quốc gia đặc biệt, 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số (ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích). Cùng với đó, 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.