Người trẻ và văn hóa giao thông

Hội thảo về xây dựng văn hóa giao thông cho người trẻ vừa được tổ chức tại TP.HCM.

Hội thảo về xây dựng văn hóa giao thông cho người trẻ vừa được tổ chức tại TP.HCM.

Đưa giáo dục an toàn giao thông vào sân chơi cho trẻ

Một tình huống va chạm trên đường trong tiết học về an toàn giao thông của các bạn học sinh Trường THCS Bình Đông, Q.8, TP.HCM.
Một tình huống va chạm trên đường trong tiết học về an toàn giao thông của các bạn học sinh Trường THCS Bình Đông, Q.8, TP.HCM.

Với ý tưởng đột phá, ông Lê Văn Minh - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành Đoàn - đưa ra ý kiến “Quan điểm của Thành Đoàn về giáo dục văn hóa giao thông là phải giáo dục từ tuổi thiếu nhi, tuổi bắt đầu hình thành nhân cách. Vì vậy Thành Đoàn rất cần Sở GD-ĐT TP.HCM, Ban ATGT phối hợp với Thành Đoàn xây dựng giáo trình phù hợp để tuyên truyền, giáo dục các em thanh, thiếu nhi...”.

Ngoài ra, ông Minh cũng đề nghị xây dựng các đội hình tuyên truyền viên khu phố, tuyên truyền theo từng nhóm nhỏ; ngành công an có thể phối hợp với đài truyền hình xây dựng chương trình “Tôi là chiến sĩ cảnh sát giao thông” chẳng hạn...

Thạc sĩ Nguyễn Hải Nguyên - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - cho biết một nghiên cứu nhỏ của ông với 172 sinh viên khóa học 2010-2014 tại trường cho thấy: 59% sinh viên trong mẫu nghiên cứu đề xuất cần có sân chơi cho sinh viên học sinh về an toàn giao thông; tổ chức diễn đàn về giao thông giữa thanh niên, sinh viên và các cơ quan chức năng; 61% ý kiến cho rằng cần thành lập đội tình nguyện viên là học sinh, sinh viên hướng dẫn giao thông.

Thạc sĩ Nguyên cho rằng nếu thực hiện phương châm “mỗi sinh viên là một tuyên truyền viên giao thông” thì có thể trong tương lai gần, bức tranh về giao thông TP.HCM sẽ không còn ảm đạm như hiện nay.

Xây dựng văn hóa giao thông từ gia đình

Đại diện phòng công tác sinh viên học sinh - Sở GD-ĐT thật sự bức xúc khi cho biết đôi lúc cha mẹ tạo điều kiện, tiếp tay cho con cái vi phạm luật giao thông. Phụ huynh không những cho học sinh trung học đi xe máy mà còn cho con sử dụng cả xe máy phân khối lớn làm phương tiện lưu thông.

Tương đồng ý kiến này, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa - Trường đại học Cảnh sát nhân dân, khẳng định cốt lõi của xây dựng văn hóa giao thông phải bắt đầu từ công tác giáo dục, từ gia đình, nhà trường và tổ chức đoàn thể.

Cần thay đổi phương pháp giáo dục bằng trực quan. Như xử lý vụ đua xe trái phép, cơ quan chức năng công khai ghi hình, chuyển thành băng đĩa chiếu trong trường học; trình chiếu các vụ tai nạn giao thông, những ca mổ tai nạn giao thông hay những mảnh đời bất hạnh do di chứng tai nạn giao thông để lại để thanh thiếu niên xem và suy ngẫm...

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đưa ra một số giải pháp mang tính định hướng như cần giáo dục có trọng điểm và đúng đối tượng hơn nữa, các hoạt động tuyên truyền cần hướng đến đối tượng thanh thiếu niên vì họ là những người thuộc nhóm có nguy cơ vi phạm luật giao thông cao nhất.

Phó giáo sư Hòa cũng nhấn mạnh nên thay đổi tuyên truyền với hình thức phong phú, đa dạng hơn, mang tính đột phá, sáng tạo. Nghiêm minh trong hình thức xử phạt, chế tài và cần có những quy định thành luật như không bán hoặc hạn chế bán rượu bia cho thanh niên dưới 20 tuổi, cho người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Công tác giáo dục về an toàn giao thông tại trường học, đối tượng mẫu giáo và tiểu học cần sự quan tâm đặc biệt.

Những giải pháp (của các đại biểu tham dự hội thảo) ngăn ngừa, nâng cao ý thức, xây dựng kỹ năng giao tiếp - ứng xử và các giải pháp phòng chống đua xe đã được Ban ATGT TP.HCM ghi nhận, ông Nguyễn Ngọc Tường - phó Ban ATGT TP - cho biết Ban ATGT sẽ có đề xuất cụ thể với UBND TP về những vấn đề các đại biểu kiến nghị.

Trước mắt, Ban ATGT sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT, Thành đoàn TP.HCM tổ chức các chương trình tuyên truyền có chiều sâu.

Theo Tuổi Trẻ

Đọc thêm