Người về bên kia sông Đuống

Kinh Bắc – nơi phát tích vương triều Lý, hình tượng dòng sông Quan họ vẫn miên trường chảy trong thẳm sâu tiềm thức như một ám ảnh khó lý giải.

Kinh Bắc – nơi phát tích vương triều Lý, hình tượng dòng sông Quan họ vẫn miên trường chảy trong thẳm sâu tiềm thức như một ám ảnh khó lý giải. Định mệnh chăng? – Không rõ! Chỉ biết rằng ngay từ thời mười ba, mười bốn tuổi, trái tim tôi đã bị cái thế giới hư ảnh, siêu thực của Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm chiếm trọn:
Luồn tay ôm say giấc bay lay đỉnh núi Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành Đùi chảy búp dài thon nhúm vội Bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh (Thi Đánh Đu) Thơ siêu thực chủ nghĩa do André Breton, người Pháp khai sáng, và châu tuần chung quanh ông là những vì tinh tú như Denos, Eluard, Aragon, Clevel, Pret… đã đưa thơ siêu thực phát triển qua ba thời kỳ: Thời kỳ Trực giác, thời kỳ Suy tư và thời kỳ Siêu hình. Đó là loại thơ không tả, không kể mà là gợi, là ám thị những trầm ẩn bên trong, trải lòng ra với những mộng tưởng, những hồi ức. Thế giới thơ nghiêng về siêu nghiệm, hiện thực mới được nhận ra, bí ẩn, bất ngờ và đầy ngẫu nhiên… Sự gặp gỡ giữa Hoàng Cầm với nhóm thơ siêu thực Pháp thực chất là ở lối triết mỹ nhuốm màu sắc huyền hoặc, mê sảng chứ không phải ở tầm ảnh hưởng lên nhau. Là con đẻ của tài hoa Kinh Bắc: Mẹ Hoàng Cầm, cô gái làng Bịu Xim nức trời nhan sắc óng ả, kiều diễm; Cha ông – một thầy đồ, vừa dạy chữ vừa bốc thuốc. Từ nhỏ Hoàng Cầm đã tắm mình trong bầu không khí lễ hội đình đám ở quê hương; lớn lên lại được di dưỡng bởi cái dư ba của nền văn hóa phồn thực rộn ràng sức sống nghìn năm nơi Hội Chen Nga Hoàng, nửa đêm đèn nến tắt trong một khắc, cho phép trai gái thỏa nguyện cái tình lớn lao, say mê vào bậc nhất đời sống con người. Đó là sự biệt đãi của số phận, để rồi về sau, khi hay tin quê hương bị giặc chiếm, trong tâm trạng đau buốt khôn nguôi, Hoàng Cầm đã sáng tạo nên con sông Đuống “nằm nghiêng nghiêng” trong tâm thức bao người dân Việt: Em ơi! Buồn làm chi Anh đưa em về bên kia sông Đuống Ngày xưa cát trắng phẳng lì Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ (Bên Kia Sông Đuống) Từ đó, địa vị của Hoàng Cầm trở nên sáng chói trên bầu trời văn học nước nhà. Nhưng với người thơ này, hạnh phúc cũng từ thơ mà ra, khổ đau cũng từ thơ mà ra. Thơ ca với ông là một định mệnh, không thể khác. Sau dư chấn Nhân văn – Giai phẩm, Hoàng Cầm đã thực hiện một cuộc trở về bằng tâm tưởng, đắm mình vào hoài niệm quê hương đằm thắm như một cứu cánh: Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc. Và tập thơ sáng giá nhất của Hoàng Cầm đã ra đời trong giấc mơ hồi cố đó – tập Về Kinh Bắc. Về Kinh Bắc dường như hội đủ cả ngôn thi, tâm thi và thần thi; cả ý thức, tâm thức lẫn vô thức với một thần lực Hoàng Cầm. Ở đó, ngập tràn một không gian mơ hồ, một thời gian phức hợp giữa quá khứ - hiện tại - vị lai, một ngôn ngữ nhòe mờ sáng láng. Cảnh thực và mộng hòa trộn, đan cài vào nhau, lại thêm nhuận sắc dưới ánh sáng kỳ ảo của vô thức, khiến thơ Hoàng Cầm như những bức tranh siêu thực, hồn vía câu chữ đầy ắp sắc thái biểu cảm, lung linh những ẩn dụ xa xăm: Ngủ lại giấc mơ dang dở Chũm cau căng nứt mạch tằm Yếm may ba ngày mẹ vá lại Khuya nghe buồng động bóng đêm rằm (Đêm Mộc) Bầu khí quyển và nhân quyển Kinh Bắc, với tất cả chiều kích của hội hè đình đám, hiện ra an ủi, ru vỗ, xoa dịu lòng ông trong những tháng ngày cam go, lầm lẫn, ngộ nhận: Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội Nuột nà cởi bỏ áo hoa khôi Em không buộc thắt lưng thon nữa Thả búp tròn… căng… nuột… ấy… ơi… Nguồn sống tuôn thơm nhựa ứa đầy Một chiều e sợ mấy chiều say Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết Những nếp xiêm hờ giả bộ ngây (Hội Yếm Bay) Một sự tung hê xả láng, vừa phóng túng hình hài vừa thông tục gần gũi, xa xôi và tươi nhuần. Thơ Hoàng Cầm đưa ta phiêu du tới miền ký ức ẩn ảo, duy mỹ, siêu thực. Nó chất chứa nhiều uẩn khúc, khổ đau và khát vọng không cùng: Em mười hai tuổi tìm theo Chị Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa Đi… ngày tháng lụi tìm không thấy Giải yếm lòng trai mải phất cờ Cách nhau ba bước vào vườn ổi Chị xoạc cành ngang Em gốc cây - Xin Chị một quả chín! - Quả chín.. quá tầm tay - Xin Chị một quả ương - Quả ương..  chim khoét thủng Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng (Quả Vườn Ổi) Trải đời nhiều. Đau khổ lắm. Vì thế mà thơ Hoàng Cầm có khi gầy mảnh, võ vàng; có khi cao vút, mê đắm. Nhưng tựu trung, vui ít buồn nhiều. Nhà thơ nghiêng về chiêm nghiệm trong một thi ảnh rất đẹp và gợi: Ta con phù du ao trời chật chội đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao uống nước mắt con vành khuyên nhớ tổ vừa rụng chiều nay dềnh mặt nước hương sen Ta soi Chỉ còn ta đạp lùi tinh tú Ngủ say rồi Đôi cá đòng đong (Về Với Ta) Thế giới nghệ thuật thơ Hoàng Cầm là thế giới của sử Việt, văn hóa Việt chảy loáng lai trong tình tự Kinh Bắc xưa xa, và được siêu thực hóa qua ảnh tượng cỏ Bồng Thi, cầu Bà Sấm, bến Cô Mưa, lá Diêu Bông… hay bay lượn những bóng hình giai nhân xứ Kinh Bắc phai mơ, những cuộc tình chập chờn ảo mộng nơi Mưa Thuận Thành. Tất cả đều mang một sắc thái riêng, một linh hồn riêng, qua ngữ điệu thoát thai từ dân ca Quan họ: Cỗ bài tam cúc mép cong cong Rút trộm rơm nhà đi trải ổ Chị gọi đôi cây Trầu cay má đỏ Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em …………………………………. …………………………………. Đứa được Chinh chuyền xủng xoẻng Đứa thua Đáo gỡ ngoài thềm Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em Năm sau giặc giã Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ Thả tịnh vàng cưới Chị Võng mây trôi Em đứng nhìn theo Em gọi đôi (Cây Tam Cúc) Thơ Hoàng Cầm là sự đã đầy của những nỗi đau. Cái đau của những thuyền tình không đến bến, những nguyện ước không thành, những mộng đẹp dễ tan. Hy vọng được nhen lên, hy vọng chợt biến mất. Sự khắc khoải nuối tiếc dai dẳng như một định phận từ tiền kiếp. Đó chính là đặc trưng phong cách thơ Hoàng Cầm: âm u, lóe sáng rồi mịt mùng, xa tắp như những huyền thoại thuở sơ khai: … Chị bảo Đứa nào tìm được lá Diêu Bông Từ nay ta gọi là chồng Hai ngày Em tìm thấy Lá Chị chau mày Đâu phải lá Diêu Bông Mùa đông sau Em tìm thấy Lá Chị lắc đầu Trông nắng vãn bên sông Ngày cưới Chị Em tìm thấy Lá Chị cười xe chỉ ấm trôn kim Chị ba con Em tìm thấy Lá Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn (Lá Diêu Bông) Hóa ra đời con người ta cũng chỉ có vậy! Loanh quanh và vô vọng. Hạnh phúc là một cái gì đó khó đạt được. Nhưng cái đáng yêu của Hoàng Cầm – con bê vàng lạc dáng chiều xanh, ở chỗ biết biến ẩn số hạnh phúc thành hạnh phúc; lấy sự nổi nênh của kiếp nhân sinh trên mê lộ làm “bảo bối” để đi tìm chân tính. Ông đưa thơ mình đi vào một đại lộ phong quang hơn, đánh thức những sự vật vốn câm lặng, hữu hình hóa cái vô hình, để tạo nên trong thơ những rung động tươi mươi, ánh ướt.  Và sắc dục, hương tình ủ trong từng con chữ: Hội Gióng dong chiêng Bé em về nằm khoanh lòng mẹ Nghe nghìn muôn năm sau xoa nắn đôi bầu vú lửa Sông dài sóng đôi Mượt mà gò nổi Cánh rừng rưng rưng say Hồng hoang hương ấm mấy chân trời (Nắng Phù Sa) Thực và mộng. Ẩn và hiện. Tất cả. Đó là thủ pháp cách tân nghệ thuật của một thần lực Hoàng Cầm. Ông trả lại vẻ trang kim cho ngôn từ mà trước đây vốn bị ý thức giam hãm, nay nhờ sự siêu thăng cảm thức trong mạch nguồn văn hóa Kinh Bắc, nên không hiếm những khoảnh khắc hồn thơ của thi nhân đã nhập vào cõi vô thức, vừa gần gũi chân thực, vừa rộng mở trường liên tưởng, khiến tác phẩm thơ Hoàng Cầm khó nắm bắt được trọn vẹn ngữ nghĩa mà ông đã tạo ra. Khả năng ma quái hóa ngôn ngữ của Hoàng Cầm đạt đến mức vi diệu: Ngày Chị bảo Em quên Tranh Tố Nữ long hồ gián nhấm Mất chân đi má đội tổ tò vò Cuốn chiếu xa rồi Thơ thẩn vách chiêm bao (Nước Sông Thương) Sinh thời Hoàng Cầm đã có một thi ảnh rất đẹp, thoát thai từ ảnh xạ ngựa Gióng của chàng trai làng Phù Đổng, trong bài Khói Yên Thế: Ngựa Ô truy lao Cầu Vồng Yên Thế Râu cắm rừng quanh ánh mắt sao bay Ngựa Ô tung phi một đêm đến cửa Bồ Đề Bờm nhả khói Đuôi dựng mây Hí lửa dài Vó chồm nguyên soái phủ Nắng nhe cười Trai Cầu Vồng Yên Thế đã ra đi. Thật sang trọng và hoành tráng. Phải chăng đấy cũng chính là cách thế ra đi của nhà thơ. Mỗi hồn thơ được thoát thai, tưới tắm bởi một cõi của mình. Kinh Bắc là cõi thơ Hoàng Cầm, với sông Đuống, sông Cầu lãng mạn, với bãi mía nương dâu phồn thực và trầm tích văn hóa rêu phong trong từng viên gạch, mái ngói của chùa chiền miếu mạo… đã được ánh xạ qua Đêm Thủy: “Chùa Phật Tích ruỗi trong màn lụa bạch/ Tượng Quan Âm má ửng bồ quân/ Chuông chiều cởi yếm/ Chuông sớm đội khăn/ Câu kinh tê tê mười ngón tay măng/ Mõ đêm hè cuốc lội/ Ao mưa dằng dịt lá trường sinh…”. Nhưng trên hết vẫn là bóng dáng những giai nhân Quan họ. Chính chị Vinh – giấc mơ tình ấu thời của Hoàng Cầm, đã đi lại, nói cười trong suốt đời thơ Hoàng Cầm, tạo nên hiệu ứng nhèo về cảm giác, ngôn từ. Mỗi ý nghĩ, mỗi hình ảnh cụ thể hay trừu tượng đều được nhà thơ cách điệu, làm cho lạ hơn, thơ hơn. Và nếu ta không bay bổng để cảm nhận thì khó mà nhập được vào cõi thơ Hoàng Cầm, rồi cho là khó hiểu. Ông là người đi đầu cách tân thơ bằng cách lược từ, ít bấu víu vào sự kiện; và là “chủ soái” của trường phái duy mỹ trong thơ Việt Nam đương đại. Vì thế, đọc thơ Hoàng Cầm hãy cảm trước, cắt nghĩa sau. Ông hiện đại hóa tư duy thơ, khác hẳn Lê Đạt chỉ chăm chăm vào hiện đại hóa hình thức thơ. Phải chăng, cái “hậu hiện đại” ta đang kiếm tìm đã được ông khai mở. Hoàng Cầm đã ra đi vào ngày 6 tháng 5 năm 2010, một cách vạc đã về trời mà hồn thơ còn neo đậu giữa cõi đời, cõi người Kinh Bắc. Thơ ông tươi ánh hồn quê Quan họ, tương thích với trực giác đang thăng hoa và trái tim đa đoan đang lên tiếng. Hoàng Cầm, nhà nghệ sĩ kỳ tài đã làm sống dậy cả một trời lễ hội Kinh Bắc xưa xa bằng thứ ngôn ngữ lấp lánh trang kim. Và, những người yêu sẽ còn nhớ mãi một người về Bên Kia Sông Đuống.
Trịnh Chu

Đọc thêm