Người Việt vẫn ngơ ngác với độc chất làm lợn siêu nạc

Sáng 28-1, dạo quanh các khu chợ trung tâm của Hà Nội, những người bán thịt lợn tại đây khi được hỏi về thịt có chứ chất clenbuterol tuyệt nhiên không biết gì về chất độc hại trên.

Sáng 28-1, dạo quanh các khu chợ trung tâm của Hà Nội, những người bán thịt lợn tại đây khi được hỏi về thịt có chứ chất clenbuterol tuyệt nhiên không biết gì về chất độc hại trên. >> Việt Nam có thịt lợn nhiễm "bột thịt nạc"
Việc ngành chức năng Trung Quốc phát hiện chất clenbuterol độc hại trong vật nuôi (lợn) đã làm người tiêu dùng lo lắng. Về phía Việt Nam, theo ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay vẫn rất khó kiểm soát triệt để chất này.

Nhức nhối lợn siêu nạc độc hại

Thời gian gần đây người tiêu dùng đang hoang mang cực độ trước thông tin các hộ nuôi gia súc ở Trung Quốc (TQ) đã sử dụng chất clenbuterol độc hại trộn với thức ăn cho lợn ăn khiến nhiều người tiêu dùng phải nhập viện vì đau bụng hoặc tim đập loạn nhịp.
 
Chất clenbuterol (thường được gọi đơn giản là "bột làm nạc thịt") là một loại thuốc nguy hiểm đã bị cấm sử dụng tại TQ. Song nhiều người chăn nuôi vì lợi nhuận vẫn trộn chất này vào thức ăn gia súc để tạo ra lợn siêu nạc. TQ đã cấm sử dụng chất clenbuterol từ những năm 1990 vì nó đã gây ra hàng trăm ca ngộ độc do ăn phải thịt lợn chứa clenbuterol, thế nhưng có những người hám lợi vẫn bí mật trộn chất này vào thức ăn của lợn.

Việc thêm clenbuterol vào thức ăn khiến lợn lớn nhanh hơn bình thường. Thuốc cũng khiến con lợn giảm tối đa lượng mỡ hình thành trong cơ thể, chỉ để lại một lớp rất mỏng. Ngoài ra, miếng thịt lợn sau khi được pha ra có màu hồng tươi ngon. Màu sắc này giữ được rất lâu so với thịt không nhiễm hóa chất.

Khó kiểm soát triệt để chất clenbuterol sử dụng trong chăn nuôi tại các hộ nuôi, các nhà máy chế biến thức ăn. (Ảnh minh họa)
Khó kiểm soát triệt để chất clenbuterol sử dụng trong chăn nuôi tại các hộ nuôi, các nhà máy chế biến thức ăn. (Ảnh minh họa)

Sáng 28-1, dạo quanh các khu chợ trung tâm của Hà Nội như chợ Bưởi, Ngọc Hà, Thành Công, Cầu Giấy... những người bán thịt lợn tại đây khi được hỏi về thịt có chứa chất clenbuterol tuyệt nhiên không biết gì về chất độc hại trên.

Chị Hồng, chủ quầy bán thịt tại khu chợ Ngọc Hà thản nhiên: “Từ bé tới giờ tôi chưa hề nghe đến chất clenbuterol. Tôi hành nghề đã lâu nhưng cũng không thấy dân buôn bán, thậm chí dân giết mổ nhắc đến chất này”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương ở phường Nghĩa Tân (Hà Nội) cho hay: “Thú thật là sau khi đài báo rầm rộ đưa tin về người dân TQ nhập viện vì ngộ độc do ăn phải thịt lợn chứa clenbuterol tôi mới biết. Nếu mình cũng có loại thịt đó thì nguy hiểm quá!”.

Khó kiểm soát triệt để

Năm 2006-2007 khoảng 10% số doanh nghiệp, các hộ nuôi Việt Nam có sử dụng chất clenbuterol. Sau này chỉ còn khoảng 1-2% thôi.

Trao đổi với báo giới, ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Vấn đề sử dụng chất clenbuterol trong chăn nuôi lợn siêu nạc đã gây nhức nhối tại VN từ những năm 2006.

Thời điểm Tết năm 2006 chúng tôi đã thành lập rất nhiều đoàn đi kiểm tra các doanh nghiệp, hộ nuôi, các cơ sở chế biến cũng như các khu chợ. Thời điểm đó, chúng tôi phát hiện 6 công ty sử dụng chất độc hại clenbuterol.

Cả 6 công ty này đều bị cảnh cáo và xử phạt hành chính. Có thể khẳng định rằng thời điểm năm 2006-2007 khoảng 10% số doanh nghiệp, các hộ nuôi VN có sử dụng chất clenbuterol và dần dần về sau này chỉ còn khoảng 1-2% thôi”.

Cũng theo ông Giao, từ năm 2010 đến nay, Bộ NN&PTNT đã cử rất nhiều đoàn đi kiểm tra khắp các tỉnh trọng điểm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, lấy mẫu phân tích và tất cả các mẫu đều được đi xét nghiệm đều không thấy có chất clenbuterol.

Từ giữa năm 2010 Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn về kiểm tra việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trong đó có cả chất độc hại clenbuterol.

Ông Giao cho hay, thời gian gần đây liên tục đi kiểm tra đã không phát hiện chất độc hại trên. Tuy nhiên đề cập đến việc kiểm soát triệt để việc sử dụng clenbuterol tại các hộ nuôi, các công ty, doanh nghiệp nuôi thì ông Giao khẳng định là không thể.
Chúng tôi chỉ có 5 người làm việc đó trên toàn quốc thôi. Chỉ riêng việc kiểm tra 241 nhà máy chế biến thức ăn đã vô cùng khó khăn rồi. Mà nếu có kiểm tra thì cũng chỉ ở một thời điểm nhất định, trong khi hoạt động chăn nuôi giết mổ diễn ra cả năm. Vấn đề là các hộ nuôi tự nâng cao nhận thức, các cơ quan chế biến thức ăn gia súc phải chịu trách nhiệm trước chất lượng sản phẩm của họ” - ông Giao cho biết.

Theo
Đình Thắng
Dân Việt

Đọc thêm