Thông tư số 08 sẽ có hiệu lực từ ngày 4/8/2018 với nhiều quy định tạo thuận lợi trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, trong đó có nội dung không yêu cầu người yêu cầu đăng ký phải xuất trình giấy tờ chứng minh giao dịch.
Đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký được thực hiện dưới hình thức là đăng ký thông báo. Theo đó, cán bộ đăng ký không xác minh hay yêu cầu người yêu cầu đăng ký phải xuất trình giấy tờ chứng minh giao dịch mà chỉ căn cứ vào những nội dung thông tin được kê khai trên Phiếu yêu cầu đăng ký hoặc trên biểu mẫu điện tử tương tác. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác khi cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, Điều 9 của Thông tư đã quy định cụ thể hơn các tiêu chí kê khai thông tin về số giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm.
Đồng thời, nhằm hạn chế việc Trung tâm Đăng ký phải từ chối hoặc hủy kết quả đăng ký, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân, đảm bảo tính chính xác của các thông tin được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu, Thông tư đã quy định cụ thể việc kê khai các thông tin bắt buộc như bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, tài sản phải kê khai bằng tiếng Việt có dấu, đối với tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới thì phải kê khai chính xác số khung theo Giấy đăng ký xe hoặc Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (trừ phương tiện đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc tài sản hình thành trong tương lai)...
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho người yêu cầu đăng ký thực hiện kê khai các thông tin cần thiết khi có yêu cầu đăng ký, Thông tư số 08 đã thiết kế lại các biểu mẫu mới phù hợp với quy định tại Nghị định số 102/2017/NĐ-CP (20 biểu mẫu). Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết các tình huống phát sinh trong quá trình tiếp nhận hồ sơ và thực hiện đăng ký mà không đặt ra thủ tục hành chính mới, qua đó giúp cho người yêu cầu đăng ký và cơ quan đăng ký có cơ sở để thực hiện một cách thuận lợi, dễ dàng và quy định cụ thể hơn so với Nghị định số 102/2017/NĐ-CP.
Cụ thể là các trường hợp như người yêu cầu đăng ký đã gửi Phiếu yêu cầu đăng ký và đã được đăng ký, nhưng sau đó phát hiện Phiếu yêu cầu đăng ký đó trùng với Phiếu yêu cầu đã đăng ký; người yêu cầu đăng ký đã kê khai cụ thể số lượng hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc địa chỉ kho hàng trên Phiếu yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc trên biểu mẫu điện tử tương tác đã được đăng ký và số lượng hàng hoá tăng hoặc có thay đổi về địa chỉ kho hàng so với mô tả ban đầu; xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, mà thông tin về một trong các bên hoặc các bên tham gia biện pháp bảo đảm, hợp đồng tại thời điểm xóa đăng ký không phù hợp với thông tin được lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu.
Về mô tả tài sản bảo đảm, Thông tư đã hướng dẫn kê khai, mô tả đối với từng loại tài sản bảo đảm. Chẳng hạn, đối với tài sản là phương tiện giao thông cơ giới, Thông tư bổ sung quy định về phương tiện giao thông cơ giới chưa được đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản (trong trường hợp pháp luật quy định bắt buộc phải có đăng ký) thì người yêu cầu đăng ký mô tả số khung của phương tiện giao thông cơ giới theo phiếu xuất xưởng phương tiện hoặc tờ khai hải quan trong trường hợp nhập khẩu phương tiện. Với những trường hợp thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký, Thông tư cũng có những hướng dẫn cụ thể hơn để người yêu cầu đăng ký dễ thực hiện và đảm bảo các thông tin trong cơ sở dữ liệu rõ ràng, tiện lợi dễ tra cứu và thực hiện các đơn thay đổi tiếp theo.