Người "yêu" chum

Một người làm thơ cảm thông, thương lấy những đời chum vại đó, liền nghĩ ra cách mua, xin chúng về nhà, gìn giữ, làm nên “ngôi nhà chum” độc đáo với cả trăm chiếc lớn nhỏ. Ông là nhà thơ Vũ Xuân Độ, thôn Đức Diễn, xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội.

Nhà thơ Vũ Xuân Độ và những chiếc chum quý
Nhà thơ Vũ Xuân Độ và những chiếc chum quý
Một người làm thơ cảm thông, thương lấy những đời chum vại đó, liền nghĩ ra cách mua, xin chúng về nhà, gìn giữ, làm nên “ngôi nhà chum” độc đáo với cả trăm chiếc lớn nhỏ. Ông là nhà thơ Vũ Xuân Độ, thôn Đức Diễn, xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội.
 
Thương cho đời chum vại
Là người lãng mạn, hay làm thơ về đêm. Điều này không có gì lạ đối với gia đình ông Độ. Nhưng một ngày kia, ông lễ mễ mang những chiếc chum cũ kỹ còn lấm lem đất về nhà thì khiến vợ con ngạc nhiên vô cùng. Vợ con hỏi, ông nói: “Tôi cứu đời những chiếc chum”. Thế rồi ông bảo vợ con cùng xả nước, rửa ráy, tất cả nghe theo, chẳng bao lâu những chiếc chum đã sạch bóng. Rửa xong, ông xếp gọn vào một chỗ trang trọng, giữ gìn như báu vật. Khách đến tưởng ông Độ mua về để làm tương. Ông bảo: “Tôi giữ gìn hồn quê hương chúng ta. Nếu không, chẳng bao lâu chúng sẽ biến mất”.

Tuổi thơ tôi và có lẽ tất cả mọi người, nhất là ở những vùng quê, từng gắn bó với đồ dùng quen thuộc là chiếc chum. Nó thường được dùng để đựng nước mưa, làm tương, hoặc dùng đựng ngũ cốc thì chuột bọ cũng chịu. Tôi cũng rất buồn vì thấy những đồ dùng đó ngày càng thưa thớt trong đời sống nhân dân. Người bình thường sưu tầm chum tôi thấy có một. Một người làm thơ như nhà thơ Vũ Xuân Độ thì thật hiếm. Ai đó từng nói: “Anh Độ thoát khỏi cái lãng mạn nửa mùa để tìm đến số phận của chum. Đó cũng là cái duyên”.

Được nhà thơ Vương Tâm giới thiệu, tôi tìm đến nhà ông để mục sở thị “ngôi nhà chum” độc đáo này. Ông Độ chân chất, hiền lành. Tôi thấy hiếm có một người nào làm bí thư xã mà còn giữ được những nét chân chất, mộc mạc như vậy. Khách đến với ông, ngoài được ngắm chum, những bộ đồ cổ độc đáo, lại được ông tặng thơ, nếu có hứng còn có thể đề thơ nữa.

Theo ông Độ, xã Phú Diễn xưa tuy là làng cổ, có bề sâu văn hóa nhưng kinh tế kém phát triển. Người dân sống chủ yếu nhờ lúa gạo ngô khoai. Giờ có thương hiệu “Bười Diễn”. 7 Năm trước, ở vùng này diễn ra cơn sốt đất nên người dân nghĩ đến cách ăn sổi. Người ta quăng quật những thứ đồ đất như chum vại, niễng sành để tôn nhà cao, để làm vườn và bán đất. Vì thế những đồ vật vốn gắn bó với cuộc đời của họ kia có nguy cơ bị đập vỡ hoặc bị vứt lăn lóc ngoài góc vườn vì vướng víu. Ông Vũ Xuân Độ  là người hoài cổ, ông biết rằng, với người dân lao động, những cái chum vại gắn như những tài sản quý. Vì thế mà có câu ca dao: “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Không có chum vại thì làm sao mà làm được tương(?)

Sống với miền quê dân dã, tuổi thơ gắn bó với cánh đồng, ánh trăng, với sân đình, với cả những chiếc chum nước mưa ngọt mát. Ông Độ thấy đau lòng, thương cho những chiếc chum và không đồng ý với một số người muốn vứt bỏ nó đi. Nhân rộng ra những vùng dân cư khác, họ cũng đối xử với chum như vậy. Ông Độ tâm sự: “Như vậy có phải con người đã bội bạc với quá khứ không? Đó là nỗi trăn trở của tôi. Với người sản xuất thì cũng phải mất bao nhiêu công sức, trải qua nắng mưa vất vả, từ khâu tìm đất cho đến khi chiếc chum ra lò. Chính vì thế tôi muốn thu gom, gìn giữ, biến mình thành một người...hoài cổ. Từ thế, tôi bắt đầu hành trình sưu tập của mình”

Từ niềm say mê gìn giữ một vốn cổ, một kho tàng văn hóa có nguy cơ bị biến mất, ông Độ còn biến thành một thú chơi văn hóa, độc đáo, cũng là cách rèn rũa hồn thơ cho mình. Cách sưu tập của ông là ai bán thì mua, ai cho thì xin. Tuyệt đối ông không bán, vì bán chum là bán bạn  bè, là phản bội quá khứ. Ông cũng không phải là người buôn đồ cổ, chỉ nhận mình là người gìn giữ báu vật hồn quê.

Gia tài của ông là trên 150 chiếc chum lớn nhỏ với nhiều độ tuổi khác nhau. Chúng cũng có nguồn gốc từ nhiều làng gốm trên cả nước như làng gốm: Phù Lãng, Hương Canh, Bát Tràng. Hai chiếc chum lớn nhất có độ tuổi 200 năm được ông Độ đặt trước cửa nhà để mỗi sáng tỉnh dậy đều nhìn thấy. Xung quanh nó là những chiếc chum có độ tuổi từ 100 đến 200 năm to nhỏ khác nhau.

Chuyện đi tìm chum, với nhà thơ Vũ Xuân Độ cũng có nhiều kỷ niệm. Như một gia đình anh công an nọ ở xã Phú Diễn, xưa cha anh để lại chiếc chum lớn như của hồi môn mà đã bao năm ông gìn giữ. Gắn bó. Sau này, ông cụ hy sinh trong chiến tranh, anh công an muốn giữ lại nhưng chẳng có đất để đặt chum, liền “hiến” cho ông Độ để ông giữ giùm, thi thoảng đến nhìn và nhớ về người cha đã mất. Hay như người đàn bà nọ ở xã Phú Diễn, xưa đi lấy chồng, cha mẹ nghèo, có mỗi chiếc chum làm của hồi môn. Chị gìn giữ cho đến khi cha mẹ đã mất.
Ngày đó, người con gái có bầu được gọi là “có chum”, sinh nở  gọi là “vỡ chum”. Ông Độ biết chị có chum quý liền đến hỏi mua. Người đàn bà ngại bán vì đó là của hồi môn. Ông Độ biết ở hoàn cảnh của chị, sớm muộn thì cũng để mất nó, liền nói: “Tôi hứa là sẽ gìn giữ cẩn thận cho chị, lúc nào chị đến ngắm cũng được. Nhà chị không có chỗ để, rồi lại quăng quật, hỏng mất thôi”.

Được đồng ý, ông Độ sung sướng “rinh” ngay. Chiếc chum mua xa nhất là chiếc ông Độ xin được của ông thông gia ở miền quê xa xôi của tỉnh Vĩnh Phúc. Vì cái nghĩa, ông thông gia còn vận động họ hàng gom chum lại để tặng ông thông gia. Sau đó, ông Độ cử con rể thuê hẳn một chiếc ôtô “rinh” về. Hơn một trăm chiếc lớn nhỏ, chum ông chum bà, chum anh chum em. Hơn một trăm số phận cùng góp mặt trong khuôn viên nhà ông. Chúng nhận được sự chom sóc cẩn thận từ người bạn có đầu óc lãng mạn này. Đó là chuyện ông Độ luôn có ý thức tắm rửa để chum luôn sạch sẽ.

’"Gia
"Gia tài tôi có cả trăm chiếc chum"
“Tay thơ, tay chum”
Sống ở vùng quê Phú Diễn, nhà thơ Vũ Xuân Độ ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa dân gian, vì thế thơ ông giàu chất dân gian. Thế mạnh của thơ ông là lục bát. Người đàn ông hoài vọng ấy luôn đưa mình về những gì gần gũi nhất, đó là quả na, quả bí, cánh đồng, vườn tình mùa xuân, là tiếng vạc sành trong đêm hay mùa lễ hội, gánh hàng hoa.. Những bài thơ đầu tiên đó ra đời: “Đâu rồi những tiếng à ơ/ Võng gai kẽo kẹt tuổi thơ nơi nào/ Gáo dừa mắc cọc cầu ao/ Đàn rô đuổi bắt cào cào lòng mương/ Một thương ba bẩy cũng thương/ Con chuồn ớt đậu góc vườn còn không/ Đâu rồi cà muốn canh cần...?”

Có phải những điều  gần gũi đó cũng sắp chuẩn bị vắng bóng, một lúc nào đó sẽ không còn nữa? Như rất nhiều đời chum vại đã bể vỡ, tan hoang. Và nếu cứ guồng quay như thế, một ngày nào đó lớp trẻ không còn nhìn thấy thứ gọi là cái chum, cái kiệu. Thì đó là một mất mát lớn. Nhà thơ Vương Tâm nhận xét rằng: “Ông Độ là người tay chum tay thơ. Không ngoa, gia tài chum vại với gia tài thơ của ông ấy quả là đáng nể”.

Vũ Xuân Độ sinh năm 1948 trong gia đình bảy anh em, ông là thứ năm. Xưa cha mẹ chỉ là những người nông dân thuần túy. Từ nhỏ, Vũ Xuân Độ đã thích làm thơ. Từ năm 1964 đã viết báo và thơ cộng tác với một số tờ báo. Tháng 2 năm 1966 ông vào quân ngũ. Trong thời gian này ông vẫn rèn rũa ngòi bút, được Tổng cục chính trị cử đi học thông tin viên của báo Quân đội nhân dân, học biên tập, kịch nói...Sau khi phục viên năm 1972 ông về làm công tác địa phương, làm ruộng vườn và làm thơ. Sau đó ông đi học trường Nguyễn Ái Quốc I tại Hải Dương. Khi lên làm Bí thư Đảng ủy xã, ông càng hăng say làm thơ. Trong ông tồn tại hai con người: một của công việc quản lý cứng nhắc, một của thơ bay bổng lãng mạn.

Bà Vương Thị Phương, vợ ông tuy là người không sành thơ, nhưng rất thích nghe chồng đọc thơ. Bà tự hào: “Ông ấy làm thơ, tôi ủng hộ, sưu tầm chum, tôi càng ủng hộ. Đó là thú vui, là niềm đam mê của ông ấy. Tôi thích vì mỗi lần làm xong một bài thơ còn chưa ráo mực, ông ấy liền đọc cho cả nhà nghe. Tôi và các cháu chăm chú, rất thích”

Qua bao tháng năm cần mẫn, ông Độ đã có gia tài  là 9 tập sách cả thơ lẫn trường ca. Còn hai tập ông đang chuẩn bị cho xuất bản trong đó có tập “Dấu mốc thời gian” thể hiện những trăn trở đời sống, những suy niệm khi con người đã bước sang ngưỡng bên kia của cuộc đời. Những ngày rỗi, ông lại đi. Đi để học hỏi, để tìm kiếm những cái chum còn lẩn khuất, nằm đâu đó trong cuộc sống để “rinh” về chăm sóc, rồi lấy cảm hứng làm thơ.

Nguyễn Văn Học

Đọc thêm