(ĐNĐT) - Cả nước chỉ có 7 tàu cứu hộ, cứu nạn SAR với tốc độ tối đa 27 hải lý/giờ, tầm hoạt động 200 hải lý, chỉ chịu được sóng gió cấp 7 và 4 máy bay cứu hộ, cứu nạn Mi 171 có tầm bay xa 800km
|
Cả nước hiện chỉ có 7 tàu cứu hộ, cứu nạn SAR với tầm hoạt động 200 hải lý |
Theo nhận định của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, thời tiết ven biển và trên biển những năm gần đây diễn biến rất phức tạp, xuất hiện những cơn bão, áp thấp nhiệt đới, lốc rất bất thường và cực đoan cả về quy mô cấp độ, cường độ, hướng di chuyển… Trong khi đó, hoạt động trên biển ngày càng sôi động nên khả năng xảy ra tai nạn cũng ngày một gia tăng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.
Hiện cả nước có gần 130.000 tàu thuyền đánh bắt cá, trong đó có hơn 20.000 tàu thuyền đánh bắt xa bờ (chưa tính các phương tiện khác như tàu, thuyền du lịch, hàng hải…). Riêng năm 2009 đã xảy ra 1.166 vụ tai nạn trên biển với 2.407 phương tiện, làm chìm và mất tích 1.480 phương tiện, chết 510 người, mất tích 209 người.
Trong năm 2009, các trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải, trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu, các lực lượng hải quân, không quân, biên phòng đã tiến hành 408 vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, cứu được 3.830 người và 479 phương tiện. Trong đó cứu được 67 vụ với 43/54 phương tiện và 479/535 người thuộc 23 quốc tịch. Đồng thời phía nước ngoài cũng cứu được 1/3 phương tiện và 21/28 người VN bị nạn trên biển.
Tuy nhiên theo ông Phạm Hoài Giang, Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, hiện công tác cảnh báo thiên tai trên biển của các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, bất cập. Cả nước có 32 đài thông tin duyên hải, thông tin của các đơn vị quân đội… với nhiều hệ thống bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai nhưng nhiều khi thiếu cập nhật, gây can nhiễu tần số nên nhiều trường hợp người và phương tiện hoạt động trên biển không nắm chắc được diễn biến chính xác để phòng tránh.
Hệ thống các đài thông tin duyên hải và thông tin của Bộ đội Biên phòng nhìn chung công suất phát thấp, chỉ từ 10 – 150W nên hạn chế vùng phủ sóng, tính dự phòng chưa cao do sử dụng đường truyền dẫn vi-ba. Tin báo cứu hộ, cứu nạn có rất nhiều thông tin sai, không chính xác, chậm (do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ngư dân giữ bí mật về ngư trường đánh bắt) nên rất khó khăn cho công tác tìm kiếm cứu nạn.
“Lực lượng, trang bị, phương tiện tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp cũng còn quá mỏng so với vùng biển rộng hơn 1 triệu km2 của nước ta. Cả nước hiện chỉ có 7 tàu cứu hộ, cứu nạn SAR với tốc độ tối đa 27 hải lý/giờ, tầm hoạt động 200 hải lý, chỉ chịu được sóng gió cấp 7 và 4 máy bay cứu hộ, cứu nạn Mi 171 có tầm bay xa 800km. Do vậy, các vụ tìm kiếm cứu nạn vừa qua chủ yếu do lực lượng kiêm nhiệm của các đơn vị hải quân, các hải đội, hải đoàn, đồn biên phòng ven biển thực hiện”, ông Phạm Hoài Giang cho biết.
Do vậy, ông Phạm Hoài Giang cho rằng, để chủ động phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại, trước hết phải tổ chức hệ thống thông tin đồng bộ, có những quy định chặt chẽ, đảm bảo tính vững chắc trong mọi điều kiện thời tiết. Nhanh chóng, chính xác, kịp thời giữa hệ thống thông tin cảnh báo, thông tin báo nạn, thông tin phục vụ tìm kiếm cứu nạn với hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin…
Cẩm An