Nguồn xuân Bùi Giáng

Thơ không phải để bình mà là để đọc, để ngâm nga. Vì thế bình thơ là một việc làm vô nghĩa. Sẽ là vô nghĩa và điên khùng hơn nếu lại đi bình thơ Bùi Giáng, một nhà thơ hết sức lạ lùng trong văn học nước ta. Thực ra dẫu có muốn “điên khùng” để làm “một việc vô nghĩa” thì cũng không thể làm được. Vì vậy, chỉ xin cóp nhặt một số câu thơ xuân của ông để ngâm nga trong ngày Tết, để mà nhớ ông, con người lúc nào cũng chỉ “vui thôi mà”, “vui ấy mà” nhưng lại làm thao thức, quặn thắt bao người trong khắp “cõi người ta”.

Xin chào nhau giữa con đường,
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.

Bùi Giáng

Thơ không phải để bình mà là để đọc, để ngâm nga. Vì thế bình thơ là một việc làm vô nghĩa. Sẽ là vô nghĩa và điên khùng hơn nếu lại đi bình thơ Bùi Giáng, một nhà thơ hết sức lạ lùng trong văn học nước ta. Thực ra dẫu có muốn “điên khùng” để làm “một việc vô nghĩa” thì cũng không thể làm được. Vì vậy, chỉ xin cóp nhặt một số câu thơ xuân của ông để ngâm nga trong ngày Tết, để mà nhớ ông, con người lúc nào cũng chỉ “vui thôi mà”, “vui ấy mà” nhưng lại làm thao thức, quặn thắt bao người trong khắp “cõi người ta”.

Gọi là nguồn xuân Bùi Giáng quả là không sai vì xuân không lúc nào thiếu trong thơ ông. Từ những ngày đầu làm thơ khi ông mới 16 tuổi (1942) cho đến những ngày “phiêu hốt” cuối đời, lúc nào Bùi Giáng cũng nói đến xuân.

Mưa nguồn, thi phẩm đầu tay và cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của Bùi Giáng xuất bản ở Sài Gòn năm 1962, tập hợp những bài thơ của 20 năm đầu của đời thơ ông (1942-1962) là một tập thơ không có lời tựa mà chỉ được dẫn bởi hai câu thơ về xuân:

Xin chào nhau giữa con đường,

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.

Trong số 139 bài của tập Mưa nguồn thì có đến 10 bài mang tựa đề xuân (Lời xuân, Thư xuân, Màu xuân, Bờ xuân, Xuân xanh, Xuân thôn nữ, Xuân Bình Dương, Chào nguyên xuân, Và màu xuân đó, Xuân thu trang phượng…) với đầy đủ khái niệm, sắc màu, kiểu dáng… của xuân.

Sang Lá Hoa Cồn, xuân vẫn còn tràn trề, lai láng. Ở những tác phẩm cuối đời dù xuân không còn xuất hiện thường xuyên, dày đặc như trước nhưng vẫn không bao giờ thiếu chất xuân. Năm 1995 trên Thanh niên Xuân, ông còn viết:

Em đi ngã trước vườn sau,

Chào xuân đâu biết niềm đau mưa nguồn.

Niềm vui bất tuyệt cứ tuôn,

Xuân xanh bát ngát rẩy run phập phồng.

(Bên quán cà phê, 1995)

Năm 16 tuổi, không biết một biến cố gì xảy ra trong đời ông, ông đã làm thơ và đó là một “mùa xuân gấp gãy”, một “bến xuân chìm tắt”.

Xuân mười sáu suốt bến xuân chìm tắt

Một bài thơ gieo suốt tự bao giờ.

(Bài ca quần đảo, trang 11)

…………..

Tuổi mười sáu bây giờ lên gấp gãy

Mộng miên man là mây phủ lưng đèo.

(Những nhành mai)

Thế nhưng xuân trong giai đoạn này lại là niềm hạnh phúc hoan lạc:

Như một sự chờ đợi:

Én đầu xuân, tuyết đầu đông,

Rừng cô tịch ngóng nội đồng cỏ hoa.

(Mưa nguồn, trang 62)

Như một nét xuân trong sáng, tình xuân phơi phới:

Đường xuân chờ đợi đã lâu,

Bàn chân em bước từ đầu tiên đi

…..

Xuân xanh từ đó tê mê,

Nhân giang vô lượng hội hè liên miên.

(Đường Xuân, Mưa nguồn)

Hay một sự rạo rực:

Tay lẩy bẩy níu gì xuân bay biến,

Ô thiều quang! Làn nước cũ trôi mau.

(Giã từ Đà Lạt, Mưa nguồn)

Rạng rỡ hơn, trong sáng hơn với ngày đầu xuân:

Nắng Nguyên đán lục lam hay hồng đỏ,

Tía vi vu hồng lục cũng bao hàm.

Chạy đi em! Sương gió nắng thênh thang

Trời đất đẹp từ bình minh vũ trụ

Nắng Nguyên đán của Nguyên xuân đầy đủ

Cỏ hoa hương chồi nhú lộc miên man

(Nắng Nguyên đán, Bài ca quần đảo)

Hoặc chỉ nhuốm chút hoài niệm nhẹ nhàng mà thôi:

Xuân nầy em có về không,

Cành mai cố quận trổ bông dịu dàng

Nhưng dần dần xuân không còn những thanh sắc trong sáng như cũ mà đã bắt đầu nhuốm màu u buồn:

...

Mùa xuân hẹn thu về em trở lại,

Bên đời đi còn giữ mãi hay không.

Giòng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại

Sầu hoang vu vĩnh hạ đón non hồng.

(Xuân thu trang phượng, Mưa nguồn)

Đối với Bùi Giáng, Xuân là tất cả: Xuân cụ thể trong một cành non đang run lộc biếc, trong một bờ cỏ xanh, trên một bến sông, trên một nụ mai vàng, trên dung nhan cô thôn nữ… và Xuân cũng rất lạ lùng như “Hồn tuổi trẻ bay trở về giữa dạ//Nhờ dung nhan em bất tuyệt xuân đầu” “Ngày chạm mắt dưới mùa xuân man dại// Dịp trùng lai em hẹn với tan lìa”.

Chính vì vậy, Xuân như là cái nghiệp cứ đeo đuổi ám ảnh ông, cho nên:

Người viết mãi một màu xanh cho cỏ,

Người viết hoài một màu cỏ cho xuân.

(Bài ca quần đảo, trang 23)

Và trong ông, Xuân là bất tận, là viên mãn:

Xuân về xuân lại xuân đi,

Đi là đi mãi từ khi chưa về.

Nhà phê bình Đặng Tiến, người đồng hương xuất sắc của Bùi Giáng đã có một nhận định cực kỳ hay “Xuân trong thơ Bùi Giáng là xuân không mùa, xuân duy nhất và tuyệt đối. Là khởi thủy của nguồn sống, nguồn thơ, quê của em Mọi, của Đười ươi, đồng thời là cứu cánh của sáng tạo, của lời Cố quận, Tiếng gọi về. Đó chính là Nguyên Xuân:

Thưa rằng ly biệt mai sau,

Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

(Chào Nguyên Xuân, Mưa nguồn)

Trong một bài tiểu luận về Bùi Giáng, nhà phê bình Đặng Tiến có viết “Thơ Việt Nam có nhiều câu hay. Nhưng hay kiểu Bùi Giáng, xưa nay chỉ có một”. Nhân dịp này, xin phép được nói tiếp “Bài thơ nào cũng có những câu hay và những câu rất hay. Nhưng bài Chào Nguyên Xuân của Bùi Giáng thì câu nào cũng đều rất hay”.

Ai đã từng yêu Bùi Giáng, Xuân này xin hãy đốt một nén hương, rót một chén trà xuân và đọc lại bài thơ Xuân tuyệt vời của ông:

Chào Nguyên Xuân

Xin chào nhau giữa con đường,

Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau.

Tóc xanh dầu có phai màu,

Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng.

Xin chào nhau giữa phút nầy

Có ngàn năm đứng trông cây cối và.

Có trời mây xuống lân la,

Bên bờ nước có bóng ta bên người

Xin chào nhau giữa bàn tay,

Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con

Thưa rằng những ngón thon thon

Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau.

Xin chào nhau giữa làn môi,

Có tàn hồng lệ khóc đời chữa cam.

Thưa rằng bạc mệnh xin kham,

Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây.

Xin chào nhau giữa bụi đầy,

Nhìn xa có bóng áng mây ngang đầu

Hỏi rằng người ở quê đâu,

Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà

Hỏi rằng từ bước chân ra,

Vì sao thấy gió đường xa dặm dài.

Thưa rằng nói nữa là sai,

Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào.

Hỏi rằng đất trích chiêm bao,

Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau.

Thưa rằng ly biệt mai sau,

Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

(Bùi Giáng, Chào Nguyên Xuân, Mưa nguồn, 1962)

Đà Nẵng, xuân Canh Dần

LÊ THÍ

Đọc thêm