Nguy cơ bùng phát bệnh dịch ở Pakistan

Pakistan có một ngày Quốc khánh lặng lẽ khi đợt lũ tồi tệ nhất lịch sử nước này đã ảnh hưởng đến 20 triệu người.

 Thiếu nước sạch gây nguy cơ bùng phát dịch tả ở Pakistan - Ảnh: AFP
Thiếu nước sạch gây nguy cơ bùng phát dịch tả ở Pakistan - Ảnh: AFP
Pakistan có một ngày Quốc khánh lặng lẽ khi đợt lũ tồi tệ nhất lịch sử nước này đã ảnh hưởng đến 20 triệu người.

Phát ngôn viên của Văn phòng LHQ về các vấn đề nhân đạo Maurizio Giuliano hôm qua cho AFP hay ít nhất một ca dịch tả đã được xác nhận tại thành phố Mingora, tây bắc Pakistan. Ngoài ra còn có khoảng 36.000 người bị tiêu chảy cấp tính. “Chúng tôi không khẳng định tất cả những người bị tiêu chảy đều bị tả, nhưng đây là một nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng”, ông Giuliano nói.

Jacques de Maio, người đứng đầu các hoạt động tại Nam Á của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cũng cảnh báo một đợt thiệt hại nhân mạng mới có thể xảy ra vì các chứng bệnh truyền nhiễm do nước bẩn và điều kiện sinh hoạt thiếu vệ sinh gây ra. “Hàng triệu người đang cần thực phẩm, nước sạch và chăm sóc y tế. Nhìn chung nỗ lực cứu trợ chưa thể theo kịp số trường hợp khẩn cấp”, ông nói.

Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari hôm qua tuyên bố hủy bỏ tất cả các hoạt động kỷ niệm 63 năm ngày nước này tuyên bố giành độc lập từ Anh. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Yousuf Raza Gilani tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế khi lũ lụt “đã ảnh hưởng 20 triệu người, phá hủy mùa màng và các kho dự trữ thực phẩm trị giá hàng tỉ USD bị phá hủy.

Theo AFP, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đến Pakistan vào hôm nay để thảo luận về nỗ lực cứu trợ với chính phủ và thăm các khu vực bị lũ lụt tàn phá. LHQ đã kêu gọi đóng góp 460 triệu USD viện trợ khẩn cấp cho quốc gia Nam Á nhưng vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể. Theo giới quan sát, nhiều tổ chức và quốc gia chần chừ trong việc tham gia cứu trợ vì lo ngại nạn tham nhũng tại Pakistan. Theo AP, Thủ tướng Gilani đã đồng ý đề xuất của thủ lĩnh đối lập Nawaz Sharif về việc thành lập một ủy ban độc lập để kêu gọi cứu trợ và giám sát việc sử dụng tiền bạc để bảo đảm tính minh bạch.

Đến nay, thiên tai đã khiến ít nhất 1.600 người thiệt mạng và 8 triệu người cần hỗ trợ khẩn cấp. Tại nhiều khu vực, người ta chen chúc trong các khu lều dơ bẩn hoặc nằm ngay ngoài trời bên cạnh bò, dê và những tài sản ít ỏi họ cố gom góp khi chạy lũ. Nhiều người hôm qua tỏ ra giận dữ khi binh sĩ không phân phát thực phẩm hay thuốc men mà lại cho họ những lá cờ trong ngày Quốc khánh. “Lũ lụt đã cướp đi của chúng tôi tất cả mọi thứ. Chúng tôi cần thức ăn, nước uống chứ cần cờ làm gì?”, một cụ già 80 tuổi nói với AFP. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo mưa to sẽ tiếp tục đổ xuống nhiều khu vực, có thể gây ra lũ mới và vào hôm qua nước sông Ấn tiếp tục dâng cao, đe dọa nhiều thành phố, làng mạc ở miền nam.

Theo Thanh niên online

Đọc thêm