Sự kiện cháy trung tâm thương mại Hải Dương, TP Hải Dương (15/9) gây thiệt hại hơn 500 tỷ đồng, khiến việc mua bán ngưng trệ, bao tiểu thương rơi vào cảnh sống dở, chết dở. Đó lại là một hồi chuông cảnh báo cho các tiểu thương, các ban quản lý tại nhiều khu chợ, TTTM cần phải chú trọng, có ý thức hơn trong công tác PCCC.
Đứng đầu là… cháy chợ
Nhắc đến cháy chợ, đầu tiên phải kể đến vụ cháy chợ Đồng Xuân, TP. Hà Nội vào đêm 14/7/1994. Đây là vụ cháy được người dân xếp vào loại kinh hoàng nhất trong lịch sử cháy chợ. Vụ cháy đã thiêu rụi toàn bộ chợ mà nguyên nhân được xác định là do chiếc quạt MD ở kiốt 293, chủ sạp đã bất cẩn quên tắt trước khi ra về. Thiệt hại ước tính thành tiền lúc bấy giờ lên tới 300 tỷ đồng.
Không những các khu chợ lớn như TP Hà Nội, TP HCM do buôn bán tấp nập, quá tải mà dễ gây cháy nổ, mà tại các tỉnh thành khác cũng đã xảy ra không ít các vụ cháy chợ nghiêm trọng như vụ cháy khu vực đình phụ chợ Vinh (Nghệ An) vào ngày 20/6/2011, đã thiêu rụi hàng trăm kiốt, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Tiếp đó là hai vụ cháy tại khu vực miền Tây Nam Bộ gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Đó là vụ cháy khu chợ Định An, thuộc xã Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh vào ngày 20/10/2011, đã thiêu rụi hoàn toàn 53 sạp hàng hóa, gây thiệt hại cho các tiểu thương khoảng 4 tỷ đồng tiền hàng hoá. Và vụ cháy chợ Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng vào đêm ngày 18/01/2012, khiến toàn bộ khu nhà lồng với hơn 30 sạp hàng hoá bị thiêu rụi, gây thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Cháy trung tâm thương mại Hải Dương, tỉnh Hải Dương hôm 15/9/2013 gây thiệt hại hơn 500 tỷ đồng. |
Tại khu vực miền Trung cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy, trong đó vụ cháy chợ Quảng Ngãi vào trưa ngày 9/2/2012. Được đánh giá là vụ cháy nghiêm trọng nhất trong lịch sử cháy nổ miền Trung. Đám cháy kéo dài từ 4h đến 11h với những ngọn lửa cao hàng chục mét đã khiến lượng hàng hóa của hơn 400 tiểu thương bị thiêu rụi hoàn toàn. Nếu chỉ tính riêng thiệt hại về hàng hoá đã lên lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Trung tâm thương mại cũng cháy
Không chỉ các khu chợ, do các buôn bán nhiều hàng hoá pha tạp, cùng những loại hoá chất, vật dụng dễ gây cháy nổ. Mà tại một số trung tâm thương mại (TTTM) lớn – nơi được xem là tổ chức mua bán hàng hoá quy củ nhưng công tác phòng cháy và chữa cháy cũng vô cùng kém hiệu quả, dẫn đến những vụ cháy kinh hoàng làm thiệt mạng hàng trăm người, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Trong các vụ cháy TTTM gây thiệt hại về người và của lớn nhất phải kể đến TTTM Quốc tế (ICT). Theo thống kê, có 54 người thiệt mạng, hơn 60 người khác bị thương nặng và hàng trăm tỷ đồng trở thành tro tàn.
Vụ hoả hoạn này xảy ra ngày 29/10/2002, một ngọn lửa lớn bùng phát từ vũ trường Blue thuộc Trung tâm Thương mại Quốc tế TPHCM, sau đó lan rộng và bốc lên dữ dội. Để dập lửa, TP. HCM đã huy động hơn 1.000 người tham gia cứu hộ. Bao gồm toàn bộ lực lượng phòng cháy chữa cháy của công an, quân đội cùng sân bay Tân Sơn Nhất gồm 30 xe cứu hỏa tham gia dập lửa.
Mặc dù thành phố đã huy động toàn bộ phương tiện cứu hỏa, nhưng do thiếu thiết bị chữa cháy trên cao và phương tiện cứu hộ nên nhiều người bị kẹt trên tầng 5, trong trạng thái hoảng loạn cao độ, bất chấp nguy hiểm nhảy xuống bị mắc vào cây cối và dây điện gây tử vong hàng loạt. Nguyên nhân gây cháy được xác định là chập điện, và toàn bộ tầng 4 của tòa nhà đã bị thiêu rụi.
Mới đây nhất là vụ cháy TTTM Hải Dương, tỉnh Hải Dương vào ngày 15/9/2013 gây thiệt hại hơn 500 tỷ đồng, trong đó có 400 tỷ đồng là tiền hàng hoá của các tiểu thương. Đám cháy bắt đầu từ lúc 1h kéo dài đến chừng 12h, khiến hàng trăm gian hàng tại tầng 1 và tầng 2 bị thiêu rụi.
"Điếc không sợ súng"
Bằng chứng xác thực nhất là khi ngọn lửa thiêu đốt TTTM Hải Dương vừa được khống chế thì trên đường Linh Trung (quận Thủ Đức, TP HCM) lại xảy ra vụ cháy công ty nhựa sản xuất nhựa Pallet. Ngọn lửa bùng cao lan sang 2 trụ ăngten của một trạm phát sóng di động ở cạnh bên và đe dọa đường dây truyền tải điện 500KV khiến người dân hỗn loạn.
Rất may lực lượng cảnh sát PCCC đã kịp thời đến và dập tắt ngọn lửa nhưng doanh nghiệp vẫn thiệt hại nặng nề. Vụ cháy còn khiến một cảnh sát và một công nhân bị thương nặng.
Song đến ngày 18/9/2013, tức là chỉ sau 3 ngày lại xảy ra vụ cháy ki ốt rộng hơn 100 m2 tại chợ Ninh Hiệp (Bắc Ninh). Ngọn lửa cháy và khói bốc cao hàng chục mét khiến các tiểu thương tại khu chợ đầu mối về vải và quần áo hoảng loạn, vét hàng hoá bỏ chạy khỏi khu chợ. Hai ngày sau đó (20/9/2013) tại Hà Nội lại xảy ra vụ cháy showroom Carmax trên phố Vũ Phạm Hàm rồi lan rộng, bốc khói nghi ngút khiến cả phố náo loạn, ùn tắc.
Sau hàng loạt vụ cháy, để hiểu rõ hơn công tác PCCC tại các khu chợ trên địa bàn TP Hà Nội. Phóng viên báo PLVN đã đi khảo sát trên nhiều khu chợ lớn của thủ đô nhận thấy:
Tại khu chợ Phùng Khoang, thời gian hoạt động mua bán hàng hoá kéo dài từ 5h cho đến 22h. Nhiều hàng quán ăn dùng bếp lò, bếp điện, nấu nướng gần các cửa hàng bán quần áo. Chợ đông nghịt vào ban đêm, nhiều người vừa đi mua sắm quần áo vừa hút thuốc và dĩ nhiên thuận đâu ném đó. Chỉ cần một phút bất cẩn những tàn lửa có thể dễ dàng bén sang, gây hoả hoạn nghiêm trọng.
Đáng lưu ý hơn, cả khu chợ rộng lớn không hề thấy bóng dáng của các bình cứu hoả. Chị Lê Hà Phương, chủ một cửa hàng bán quần áo tại chợ Phùng Khoang cho biết: “Ở đây chưa thấy cháy bao giờ, nên cũng chẳng bận tâm lắm! Mà chợ này được mấy cái bình cứu hoả, chỉ có các ki ốt nằm ở trung tâm chợ, may ra có một hai bình treo lâu ngày han gỉ hết. Vả lại đây là việc của ban quản lý, họ phải lo chứ, mình chỉ biết bán hàng sao bắt mình đầu tư bình cứu hoả được”.
Tại chợ Đồng Xuân (Q.Hoàn Kiếm) có bốn mặt tiền tiếp giáp với các đường: Hàng Đường, Hàng Khoai, Nguyễn Thiện Thuật và Cầu Đông, nhưng chỉ mặt tiền chợ phía Hàng Đường là thông thoáng, ba mặt còn lại đều bị chiếm dụng. Cụ thể, ở mặt tiền phố Hàng Khoai là một dãy hàng chục kiôt mái tôn để bán chợ đêm, trông xe ngày.
Mặt tiền phố Nguyễn Thiện Thuật là các gian hàng tôm cá tươi sống. Mặt tiền phố Cầu Đông bị bà con tiểu thương bày bán hàng ra hết vỉa hè. Thực tế này cho thấy nếu xảy ra sự cố cháy nổ, việc ứng cứu sẽ không được thuận lợi.
Đó là chưa kể hàng chục cột cứu hỏa đặt dọc hành lang chợ đã biến thành nơi xếp hàng hóa của bà con tiểu thương... Không chỉ có các mặt hàng thông thường, chợ Đồng Xuân được coi là đầu mối bán các hoá chất rắn, lỏng. Trong đó có nhiều loại dễ gây cháy nổ như methanol, ethanol…
Ngoài các chợ nêu trên còn các khu chợ Ngã Tư Sở, chợ sinh viên (Xuân Thuỷ), chợ Xanh (Cầu Giấy )… cũng diễn ra các tình trạng như trên.
Hầu hết khi xảy các vụ cháy nổ, nguyên nhân được nhận định chính luôn mang tính khách quan (sự cố ngoài ý muốn), chứ ít khi là nguyên nhân chủ quan từ công tác PCCC yếu kém. Và địa chỉ quen thuộc được nhắc đến là ý thức của người dân chưa tốt.
Tuy nhiên, trách nhiệm PCCC không chỉ thuộc về người dân mà nhân tố quyết định lớn nhất là ban quản lý PCCC ở mỗi đơn vị. Bởi lẽ, muốn người dân nâng cao ý thức trong việc PCCC thì phải hành động thiết thực (tập huấn, trang bị dụng cụ chữa cháy…), chỉ nâng cao ý thức bằng văn bản, lời nói thì chưa biết đến bao giờ người dân mới biết PCCC.
Nhưng hầu hết những ban quản lý chợ, TTTM chỉ quan tâm đến nguồn lợi từ việc thu phí mặt bằng và các loại phí dịch vụ khác, còn công tác kiểm tra, quản lý và hướng dẫn các hộ kinh doanh PCCC hầu như là bỏ lửng, nếu có thì cũng chỉ sơ qua. Có lẽ đây là nguyên nhân chính khiến các khu chợ là trung tâm của “giặc lửa” hoành hành, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, khiến bao tiểu thương rơi vào tình cảnh bi đát.
Lợi ích lâu dài gắn với sự phát triển bền vững là điều mà các ban quản lý chợ, TTTM cần hướng đến. Nếu chú trọng đầu tư, tuyên truyền tốt thì “giặc lửa” được khống chế hoàn toàn và dĩ nhiên lợi ích từ công tác phòng cháy là vô giá.
Văn Hùng