Nguy cơ gây bệnh tả cao từ thịt gia súc, gia cầm

(PLO) - Nhiều mẫu thịt tại Hà Nội bị nhiễm khuẩn E.coli, Salmonella... Những thực phẩm này nếu xử lý không đúng cách sẽ gây bệnh tả, đường ruột nặng.
Cầm, sờ vào các loại thịt mà không vệ sinh sạch rồi đi ăn các thức ăn khác cũng bị nhiễm khuẩn (Ảnh minh họa)
Cầm, sờ vào các loại thịt mà không vệ sinh sạch rồi đi ăn các thức ăn khác cũng bị nhiễm khuẩn (Ảnh minh họa)

7/12 mẫu vượt giới hạn cho phép về vi sinh vật

Theo kết quả kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm 6 tháng qua trên địa bàn Hà Nội, có đến 7/12 mẫu thịt gia súc, gia cầm (sản xuất tại Hà Nội) vượt mức giới hạn tối đa cho phép về vi sinh vật.
Trong số này có 2 mẫu thịt lợn nhiễm vi sinh và E.coli; 3 mẫu thịt lợn nhiễm vi sinh, 1 mẫu thịt lợn nhiễm Salmonella và 1 mẫu thịt gà nhiễm E.coli.
Ngoài ra, còn có 3/9 mẫu thịt gia súc, gia cầm (sản phẩm được chuyển từ các tỉnh được tiêu thụ tại Hà Nội) có kết quả vượt giới hạn tối đa cho phép về E.coli và 1/7 mẫu sản phẩm thủy sản (chuyển về tiêu thụ ở Hà Nội) có kết quả vượt giới hạn tối đa cho phép về E.coli.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho rằng, tỷ lệ cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn hiện vẫn cao với 345/2.940 cơ sở vi phạm, chiếm 11,73%. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa được kiểm soát hàng ngày.
Đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành kiểm tra 123 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. 46 tổ chức, cá nhân bị xử phạt với số tiền gần 280 triệu đồng.
Các vi phạm về sản xuất kinh doanh thực phẩm không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm nhãn hàng hàng hóa, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, kinh doanh, bảo quản...
Nguy cơ bị tả, ngộ độc thực phẩm cao
“Theo kết quả kiểm tra này thì E.coli, Salmonella... đều là những chủng bất lợi. Ăn những loại thực phẩm nhiễm những khuẩn này sẽ bị đi ngoài, gây bệnh tả hay các bệnh đường ruột rất nặng”, TS Phạm Thị Khoa, trưởng khoa Hóa thực nghiệm, viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương nói.
"Chỉ cần người mua cầm sờ vào các loại thịt này mà không vệ sinh tay sạch rồi đi ăn các thức ăn khác cũng bị nhiễm khuẩn. Để tránh, thịt mua về cần được xát qua muối, rửa sạch bằng nước ấm. Các khuẩn này sẽ bị tiêu diệt khi thức ăn được đun chín, uống sôi" - TS Phạm Thị Khoa.
Khuẩn E.Coli, Salmonella thường sống nội sinh trong niêm bao ruột của người, động vật hoặc trong môi trường. Ngoài những chủng có lợi, thì đa phần là những chủng có hại. Các khuẩn này khi ăn vào sẽ khiến con người, gia súc bị đi ngoài, tả, đường ruột nặng.
Đây chính là lý do vì sao tại miền Bắc vào mùa nóng, sau khi ăn cưới thường có hiện tượng bị ngộ độc tập thể. Bởi người dân ăn phải thịt nhiễm các khuẩn E.Coli, Salmonella do thịt bị ôi thiu.
Theo TS Khoa, thực phẩm bị nhiễm vi sinh tức là bị nhiễm các loại vi khuẩn, vi rút nhỏ. Những vi khuẩn này bao gồm cả E.Coli và Salmonella. Đây là loại muốn nhìn được cần có kính hiển vi. Trong đó, vi rút cúm, vi khuẩn lao cũng gọi chung là nhóm vi sinh.
Phân tích nguyên nhân thịt bị nhiễm khuẩn, chuyên gia này cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do khâu giết mổ bẩn, không tập trung hiện nay. Người giết mổ dùng nước cống rãnh, nước có phân thải động vật, nước bị ô nhiễm ao hồ rửa thịt trước khi đem bán.
Nước sôi có thể diệt hoàn toàn các khuẩn này. Do đó, các gia đình cần có dao thớt cho đồ sống riêng, đồ chín riêng. Thịt mua về phải rửa sạch bằng nước muối ấm, khi ăn phải đun chín, uống sôi.
Cũng theo các chuyên gia, ngoài việc các gia đình tự ý thức vệ sinh ăn uống thì việc cấp thiết là ngành nông nghiệp phải có các khu giết mổ tập trung. Thịt phải được kiểm định chuẩn, rửa nước sạch trước khi ra thị trường.
Chuyên mục bảo vệ NTD của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...

Mọi kiến nghị của độc giả xin gọi vào số điện thoại ĐDN: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm