Nguy cơ mất gia đình trong lễ hội lớn nhất hành tinh

Lễ hội Maha Kumbh Mela lớn nhất thế giới được nhiều người theo Hindu giáo tin là sự kiện giúp người ta gột rửa bụi trần và nâng cao tinh thần. Nhưng với hàng ngàn người đã bị lạc trong lễ hội, trải nghiệm mà họ nhận được chỉ là sự kinh hoàng.

Lễ hội Maha Kumbh Mela lớn nhất thế giới được nhiều người theo Hindu giáo tin là sự kiện giúp người ta gột rửa bụi trần và nâng cao tinh thần. Nhưng với hàng ngàn người đã bị lạc trong lễ hội, trải nghiệm mà họ nhận được chỉ là sự kinh hoàng.

Hàng chục triệu người Ấn Độ đã tham gia lễ hội Kumbh Mela và hàng trăm ngàn người đã bị thất lạc trong lễ hội.

Hàng trăm ngàn người bị lạc

Saraswati Devi ngồi co ro bên cạnh một đám lửa nhỏ, nước mắt trào xuống gương mặt bà. Chiếc áo sari rách nát quấn chặt lấy thân hình nhỏ bé. Người đàn bà 73 tuổi đang sống tại một ngôi làng nhỏ ở bang Madhya Pradesh của Ấn Độ này, đã tới rất sớm cùng em dâu để tham dự Kumbh Mela, một lễ hội lớn của Hindu giáo được tổ chức bên lề sông Hằng linh thiêng.

Nhưng trong đám đông hỗn loạn, với số lượng người tham dự lễ hội có thể đạt mốc 100 triệu vào năm nay, hai người bị lạc nhau. Devi đi lang thang trong hoảng loạn, cho tới khi được các viên cảnh sát tìm thấy và dẫn bà vào một căn lều của Bharat Seva Dal, tổ chức thiện nguyện đã giúp các thành viên gia đình tìm lại nhau.

Devi nói rằng bà chưa từng đi một mình bao giờ và không biết cách mua vé tàu nên đã rất dễ bị tổn thương ở nơi đất lạ. "Tôi lo lắm, tôi thậm chí còn không chắc mình muốn tới đây. Em dâu đang cầm áo khoác của tôi", bà kể.

Giống Devi, Sharphya Harijan, một cụ bà đã già yếu, tuổi gần 80 tới từ một ngôi làng gần Varanasi, đã ngồi khóc sụt sùi trên một chiếc ghế nhựa tại một trung tâm xử lý "thất lạc và tìm thấy" do Bharat Seva Dal lập ra.

"Tôi đang đi vào khu vực tắm và nắm tay con gái tôi. Nhưng do sức ép từ quá nhiều người, tôi đã bị tách ra khỏi con tôi và lạc vào đám đông. Tôi đã nhờ cảnh sát giúp đỡ và họ đưa tôi tới đây", bà nói. Xung quanh bà, gần một chục người phụ nữ khác với khuôn mặt rầu rĩ cũng ngồi quanh chờ người đón.

Và họ không phải là những người duy nhất bị thất lạc. Trong lễ hội Kumbh Mela dài 55 ngày và được tổ chức trên một khu vực rộng tới 19 km2, hàng trăm ngàn người đã bị lạc khỏi thân nhân của họ. Nhưng phần lớn đã tìm đường tới với những căn lều như Devi.

Những căn lều này mang tên khoya paya shivir (thất lạc và tìm thấy). Kể từ khi lễ hội khai trương vào ngày 14/1, khoảng 275.000 người đã bị lạc, với 100.000 người bị lạc trong ngày 10/2, thời điểm xảy ra một vụ giẫm đạp làm 36 người thiệt mạng.

"Hiệp sĩ" giúp đoàn tụ các gia đình thất lạc

Nhân viên xã hội Raja Ram Tiwari, 86 tuổi, sáng lập viên Bharat Seva Dal, nói rằng ông đã thành lập tổ chức của mình một cách tình cờ. Năm 1946, ông đã tham dự lễ hội Kumbh Mela đầu tiên của mình, trong đó những người hành hương sẽ tắm trong sông thiêng như biện pháp tẩy rửa tâm hồn.

Kumbh Mela là lễ hội hành hương của người theo đạo Hindu, được xem là lễ hội lớn nhất hành tinh.

Diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 và kéo dài trong 55 ngày, mùa lễ hội năm nay dự kiến sẽ đón khoảng 100 triệu tín đồ Hindu giáo.

Một trong các hoạt động diễn ra trong chương trình lễ hội là ngâm mình dưới dòng sông thiêng Ganges.

Theo tín ngưỡng của đạo Hindu, nước sông Hằng sẽ giúp rửa trôi mọi tội lỗi, giúp tìm thấy mục đích sống của cuộc đời.

Trong ngày đó, ông bất ngờ thấy một người phụ nữ cao tuổi đang khóc như mưa. Ông bèn dựng một căn lều tạm để bà ngồi ở đó và dùng một chiếc loa phóng thanh tự chế để gọi tên con cái bà cụ, cho tới khi đôi bên đoàn tụ.

Người phụ nữ đã cảm ơn Tiwari và chạm vào chân ông, một cử chỉ thể hiện lòng kính trọng. "Tôi đã rất vui, tâm hồn tôi phơi phới và tôi cảm ơn sông Hằng", Tiwari kể lại.

Mỗi năm kể từ đó, ông đều trở lại Kumbh Mela. Tổng cộng ông đã tới 65 lễ hội cả thảy và giúp đoàn tụ hơn 1 triệu người lớn và 20.000 đứa trẻ cùng thân nhân của họ. Phương thức tìm thân nhân của ông đã trở nên ngày càng hiện đại hơn. Giờ đây ông có trong tay hàng chục tình nguyện viên, những người sẽ tỏa vào trong đám đông và dùng loa phóng thanh gọi tên thân nhân của người bị lạc.

Tiwari nói rằng về cơ bản, những người bị thất lạc đều tìm thấy thân nhân của họ trong vài giờ, hoặc vài ngày. Trong một trường hợp hiếm hoi, Tiwari phải mất tới 10 ngày mới giúp được một người phụ nữ cao tuổi bị câm điếc đoàn tụ với gia đình của bà.

"Không có chuyện thất lạc vĩnh viễn trong lễ hội. Chuyện này chỉ có trong phim mà thôi", ông nói.

Thật không may, chuyện không hẳn giống như lời Tiwari nói. Năm 2011, số liệu của Cục lưu trữ Hồ sơ phạm tội Quốc gia cho hay, gần 60.000 đứa trẻ đã được báo cáo mất tích trên toàn quốc và 1/3 trong số đó không bao giờ được tìm thấy.

Các nhóm chăm sóc trẻ em cho biết nhiều đứa trẻ đã bị thất lạc trong các chuyến đi của gia đình, như tới lễ hội Kumbh Mela, bị bỏ rơi, bị bắt cóc hoặc do lũ trẻ tự động bỏ trốn.

Dữ liệu của người lớn khó xác định hơn, với một số gia đình quá nghèo tới mức họ không có cả ảnh của người thân mất tích để cho nhà chức trách thấy. Nhưng tại bang Andhra Pradesh, khoảng 5.700 người được báo mất tích sau khi tham dự Kumbh Mela và các lễ hội khác vào cuối năm 2009 cho tới nay vẫn chưa tìm thấy.

Đủ kiểu chống ly tán

Thời gian gần đây, tình trạng thất lạc đã giảm đi khi điện thoại di động trở nên phổ biến ở Ấn Độ. Giờ phần lớn những người thất lạc chỉ còn là trẻ em hoặc người già, không có đủ tiền để mua vé tàu, chưa nói là tới điện thoại.

Để giảm bớt tình trạng thất lạc, cảnh sát đã đề nghị những người tham gia Kumbh Mela gắn tên và số điện thoại liên lạc lên các thành viên gia đình dễ bị tổn thương. Những người khác sử dụng các phương thức "truyền thống" hơn. "Chị tôi và tôi đều có một chiếc điện thoại bên người. Chúng tôi nắm tay nhau thật chặt để không bị thất lạc".

Và tình trạng thất lạc ở Kumbh Mela còn giảm đi nhiều nhờ tổ chức của Tiwari, vốn hoạt động hoàn toàn tình nguyện và không hề thu phí. Sự thành công và nổi tiếng của Tiwari đã khiến nhiều người học theo. Ví dụ như tổ chức từ thiện Hemvati Nandan Bahuguna chỉ tập trung tìm các bé gái và phụ nữ thất lạc.

Trong khi đó Trung tâm thất lạc và tìm kiếm lại sử dụng phương tiện công nghệ cao để giúp đoàn tụ những người thất lạc, họ đưa những bức hình mà người bị lạc cung cấp rồi chiếu hình ảnh lên một màn hình TV lớn để cho thân nhân họ có thể dễ dàng nhận ra.

Với Tiwari, những người tới sau, với công nghệ trang bị tận răng như thế, dường như chỉ đang tìm cách đánh bóng tên tuổi thay vì giúp đỡ người thất lạc thực sự.

"Ai có thời gian mà nhìn vào những bức ảnh chụp cả đại gia đình như thế kia?", ông nói. Nỗ lực giúp người của Tiwari đã khiến ông hai lần được Chính phủ trao tặng giải Padma danh giá, một giải thưởng mà Devi và hàng ngàn người khác như bà tin rằng ông xứng đáng được nhận.

"Người của ông ấy cho tôi ăn và cho tôi chăn để đắp", bà nói không lâu trước khi đoàn tụ với người em dâu. "Họ là những người lương thiện, những người tốt, tốt hơn nhiều chính gia đình của tôi".

Tường Linh

Đọc thêm