Khi ngôn ngữ mạng tràn vào đời sống
Mặc dù cũng xuất phát từ ngôn ngữ nói, viết trong đời sống hàng ngày, nhưng ngôn ngữ mạng mang nhiều “biến tấu” hơn, phát triển theo một chiều hướng khác.
“Ngôn ngữ mạng” là khái niệm thường được sử dụng để chỉ ngôn từ được sử dụng trên môi trường mạng. Đa số là ngôn từ được dùng tại các mạng xã hội hoặc kênh giao tiếp như Facebook, YouTube, Twitter, TikTok, Instagram, Zalo, Viber... , thông qua các cách thức nói, viết như comment, nhắn tin, livestream...
Thuở ban đầu, ngôn ngữ mạng hầu như là ngôn ngữ trong đời sống đem lên mạng internet dùng, nhưng dần dà, mạng xã hội phát huy sức mạnh, ngôn ngữ mạng cũng phát triển theo, thậm chí hình thành một “hệ ngôn ngữ” riêng cho cư dân mạng, đồng thời ảnh hưởng ngược lại đến ngôn ngữ chính thống trong đời sống hằng ngày của cộng đồng.
Khác với ngôn ngữ chính thống, ngôn ngữ mạng chú trọng đến cách nói nhanh, gọn lẹ, bông đùa, thiếu nghiêm túc. Nhiều từ ngữ tiếng Việt đã bị “biến tấu” thành ngôn ngữ mạng chỉ với cách thức giản lược, thay chữ.
Phổ biến nhất có thể thấy các trường hợp như chữ “ô” bị thay bằng chữ “u”, dẫn đến hàng loạt từ mang vần “ôi” cũng bị biến tướng thành “ui”, “uôn” thành “un”, ví dụ như “thui”, “rùi”, trùi ui”, “lun”... Hay chữ “c” bị thay thế bằng chữ “k”, dẫn đến hàng loạt từ lạ mắt xuất hiện như “tứk”, “thứk”, “bựk mìn”... Thậm chí, đôi khi cả một từ, cụm từ còn bị giản lược thành một, hai chữ như “ck” thay cho “chồng”, “vk” thay cho vợ...
Thứ ngôn ngữ mới này, vốn là những từ vô nghĩa, lại được dùng phổ biến hơn cả ngôn ngữ chính thống.
Đó là còn chưa kể đến cư dân mạng hết sức “sáng tạo” khi liên tục tạo ra các cụm từ cảm thán để dùng và mỗi cụm lại “làm mưa làm gió” một thời điểm như “bó tay”, “u là trời” “ết ô ết”, “ố dề”...
Ngoài giản lược chữ, biến thể chữ, sáng tạo cụm từ mới, mạng xã hội còn là nơi để thứ ngôn ngữ “lai căng” được sử dụng phổ biến hơn bao giờ hết. Những từ Việt Nam thông dụng, dễ dùng vẫn bị thay thế bằng nhiều từ tiếng Anh như một trào lưu thể hiện sự sành điệu của giới trẻ. Hàng loạt từ tiếng Anh giờ đây đã trở thành ngôn ngữ nói viết trên mạng hàng ngày của giới trẻ, rất thông dụng như “team” thay thế cho “đội”, “group” thay thế cho “nhóm”, rồi “happy”, “balance”, “sorry”... loạn xà ngầu.
Cạnh đó, tiếng Hàn, tiếng Trung cũng trở thành “mốt” của ngôn ngữ mạng xã hội. Như từ “anh” trong tiếng Việt đã được một bộ phận trong cộng đồng fan phim Hàn thay thế bằng “oppa”, nhiều cô gái, chàng trai trẻ còn lấy biệt danh tiếng Anh, tiếng Trung hoặc tiếng Hàn Quốc để cái tên nghe có vẻ “sang” hơn. Có thể dễ dàng bắt gặp những cái tên như “Jessica Phan”, Eric Tran”, “Min Hu”... nhưng hoàn toàn là người Việt.
Đó là còn chưa nói đến một “biến tướng” khác đáng lo ngại hơn của ngôn ngữ trên mạng, chính là văng tục, nói bậy. Những năm gần đây, cách nói chuyện tục, bậy, đem bộ phận sinh dục ra ví von đã bắt đầu được dùng phổ biến trên mạng, đặc biệt bởi những người trẻ. Nếu như đối với thế hệ trước kia, đối diện một câu chửi thề, nói tục có thể ngượng đỏ mặt thì người trẻ trên mạng hiện nay không hề ngại tay khi gõ lên bàn phím những câu đùa tục tằn nhất.
Hàng loạt từ lóng, viết tắt của câu chửi thề cũng xuất hiện để “hợp thức hoá” cho cách nói chuyện này. Có thể kể mãi mà không hết các từ được dùng hết sức phổ biến như: “vl”, “vcl”, “ccc”, “vcđ”, “cl”... Nhìn có vẻ chỉ là những chữ cái vô thưởng vô phạt, nhưng ý nghĩa đằng sau khiến người ta phải “giật mình”.
Giờ đây, ngôn ngữ mạng đã không chỉ được sử dụng trên internet mà có ở khắp nơi, từ trên mạng xã hội cho đến ngoài đời thực. Dễ dàng bắt gặp những từ ngữ mạng được dùng trong các biển hiệu quán ăn, bảng quảng cáo, thực đơn, thậm chí trong cả những nơi cần đến ngôn ngữ chính thống như thư xin việc, trò chuyện trao đổi công việc, hay trò chuyện giữa người trẻ và các bậc tiền bối.
Tìm lại sự trong sáng của tiếng Việt
Đáng lo ngại, ngay cả trong nghệ thuật, ngôn ngữ mạng cũng bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều. Một số cây viết trẻ, tự xưng “nhà văn trên mạng” cũng dùng không ít ngôn từ mạng để viết nên “tác phẩm” của mình.
Trong âm nhạc, ngôn ngữ mạng “xâm chiếm” các tác phẩm. Nhiều bài rap đem cả những câu đùa dung tục, nói bậy, lối viết tắt của mạng xã hội vào trong phần lời. Một số bài hát đang nổi cũng dùng ngôn ngữ mạng với tiếng Việt – Anh rối loạn. Như bài hát Chạm đáy nỗi đau của ca sĩ Erik kết hợp nhạc sĩ Mr Siro (cũng là những cái tên đầy ngoại quốc) có những đoạn: “Babe, Kajima, Stay here with me” (em à, đừng đi, ở lại với anh), “Nỗi sợ I’m losing you” (nỗi sợ lạc mất em)...
Hay ca khúc Take it slow (Đừng vội), do một nhóm nhạc nữ trình bày có đoạn: “I like baby/ Du ri beon go ri neun concept/ Neon maeume an deu neun cheokhae/ Deop da myeon seo beot neun jacket/ Neom bam sae da/ I lay dơn”… Những bài hát như thế khiến người hoang mang nghe không biết mình đang thưởng thức âm nhạc nước nào khác chứ không phải nhạc Việt.
Tuy nhiên, với một bộ phận không nhỏ người trẻ, đó mới là “sành điệu”, là “hợp thời”. Mila Lan, 23 tuổi, nhân viên tiếp tân một công ty kinh doanh thiết bị văn phòng tại quận 10, TP HCM chia sẻ: “Mình và bạn bè mình thích sử dụng từ ngữ kiểu mạng xã hội hơn từ chính thống. Nó hài hước, đơn giản, nhanh gọn lẹ hơn. Với thời nay ai mà còn ngồi gõ ra từng chữ nữa, mất thời gian mà lại “lạc hậu”.
Giới trẻ thì phải dùng từ trẻ trung mới hợp trend chứ”. Anh Ngô Phúc Minh, trưởng phòng nhân sự một công ty công nghệ có trụ sở tại quận 3, TP HCM thì bày tỏ: “Tôi nhận thấy, các bạn thế hệ trẻ sau này rất thích dùng ngôn ngữ mạng trong đời sống, trong công việc. Có những thư xin việc, thư trao đổi công việc tôi đọc vào không biết các bạn viết gì vì diễn đạt kiểu mạng xã hội, có khi viết tắt, chen tiếng Anh lẫn lộn tiếng Việt, lại dùng tiếng Anh sai ngữ pháp, chính tả, sai ngữ cảnh. Mà một bộ phận các bạn trẻ lại quá tự tin về cách sử dụng ngôn ngữ của mình. Có lần tôi gửi mail nhắc nhở các bạn thay đổi, rèn luyện lại cách hành văn cho nghiêm túc hơn thì các bạn ấy chụp màn hình, “bóc phốt” tôi là già, lạc hậu mà còn hay dạy đời trên các hội nhóm mạng xã hội”.
Không gian mạng có một đời sống riêng, nên dần dà hình thành nên một “hệ ngôn ngữ” dùng mới mẻ là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhìn nhận một cách khách quan, không phải ngôn ngữ mạng toàn bộ là xấu, lệch lạc. Có những “biến thể” rất đáng yêu, sáng tạo, thậm chí phần nào góp thêm sự phong phú cho tiếng Việt. Có những trào lưu ngôn ngữ mạng cho thấy sự thú vị của tiếng Việt, được các bạn trẻ ủng hộ, lan toả.
Nhưng cạnh đó, có không ít những trường hợp như trên, ngôn ngữ chính thống bị bóp méo, sáng tạo quá đà thành “phá hoại”. Một bộ phận nghệ sĩ trẻ lại vì đua theo trào lưu mà sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật góp phần cổ suý cho thứ ngôn ngữ lệch lạc ấy. Những điều này chứa đựng nguy cơ lớn khiến tiếng Việt bị mất dần đi sự trong sáng, bị ngôn ngữ mạng xâm lấn. Có nguy cơ những thế hệ mai sau không phân biệt đâu là ngôn ngữ chính thống, đâu là ngôn ngữ mạng.
Tiếng Việt giàu, đẹp, phong phú, đủ để mỗi người Việt có thể thoải mái sử dụng bày tỏ mọi cung bậc cảm xúc, trong mọi trường hợp từ nói thông dụng, vui đùa cho đến đào sâu trong nghệ thuật, văn chương, học thuật. Sự tràn lan của ngôn ngữ mạng không có chế tài hay quy định pháp luật để quản lý, mà chỉ có cách duy nhất là mỗi một người phải trở thành “đại sứ tiếng Việt”, sử dụng thuần ngôn ngữ mẹ đẻ của mình trong cuộc sống hằng ngày, giúp tạo ra những trào lưu “ngôn ngữ thuần Việt” và toả lan.
Trong giáo dục, càng cần thiết hơn sự uốn nắn từ trên ghế nhà trường cách sử dụng câu, từ. Cần làm cho mỗi học sinh, sinh viên mở rộng kiến thức về ngôn ngữ tiếng Việt, thêm yêu tiếng Việt. Cạnh đó, nghệ sĩ chính là những “chiến sĩ” trên mặt trận văn hoá, hơn ai hết cần nâng cao ý thức bản thân, có trách nhiệm trong sáng tạo nghệ thuật. Để mỗi một sáng tác sẽ là một sự thăng hoa của ngôn ngữ tiếng Việt. Làm được điều này, nghệ sĩ không chỉ nâng tầm đẳng cấp chính mình, góp phần thực hiện trọng trách thiêng liêng là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cho hôm nay, cho mai sau.