Khó phân biệt thật - giả
Chỉ còn vài tuần nữa sẽ bắt đầu vào mùa du lịch hè năm 2025, năm nay, ngành Du lịch Việt Nam hứa hẹn có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Bên cạnh những tín hiệu tích cực mùa du lịch hè 2025, còn đó mối lo ngại về vấn nạn lừa đảo du lịch đã và đang có chiều hướng diễn ra ngày càng phức tạp.
Cách đây vài tuần vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), một nữ du khách ở TP HCM đã bị lừa mất khoảng 6 triệu đồng sau khi đặt phòng tại một fanpage trên Facebook. Cụ thể, trước kỳ nghỉ lễ, chị thấy quảng cáo một khách sạn hạng sang ở một điểm du lịch nổi tiếng đang giảm giá 20%, có kèm buffet ăn sáng và ăn tối. Không ngần ngại, chị đặt phòng cho cả gia đình với tổng chi phí là 5,4 triệu đồng. Gần đến ngày đi du lịch, chị xác nhận lại với khách sạn mới phát hiện ra, trang web mình đặt là giả mạo.
Hiện nay, thủ đoạn những kẻ lừa đảo công nghệ cao đã trở nên tinh vi hơn nhờ vào AI. Chỉ bằng một vài nút lệnh cơ bản, AI có thể tạo ra những website du lịch gần như giống hoàn hảo với trang web của các công ty du lịch - lữ hành, phòng bán vé uy tín.
Mới gần đây, là câu chuyện của anh Nguyễn H.Th sinh sống ở Hà Nội đã mất tổng cộng 116 triệu đồng sau nhiều lần chuyển khoản để nhận lại tiền hoa hồng thông qua việc đánh giá sản phẩm trên website du lịch. Theo ghi nhận, hình ảnh website giả mạo của các đối tượng lập ra giống hệt với website chính thức, sự khác biệt chỉ nằm ở tên miền có thêm một ký tự rất khó nhận ra. Điều này khiến anh Th cũng như nhiều nạn nhân khác không thể phân biệt, từ đó sẵn sàng nạp tiền vào tham gia thực hiện các nhiệm vụ đánh giá chất lượng tour du lịch.
Đối tượng còn gửi cho anh Th hình ảnh văn bản xác nhận đóng thuế do một công ty du lịch uy tín cung cấp, ghi đầy đủ thông tin công ty, số tiền nộp thuế, tổng số tiền nhận lại sau khi nộp. Văn bản có chữ ký và con dấu của giám đốc công ty, chính vì vậy anh đã tin tưởng chuyển khoản tiền. Sau 1 - 2 lần đầu nhận được hoa hồng như đã cam kết để tạo lòng tin, anh đã bị đối tượng dùng nhiều chiêu trò để buộc phải nạp số tiền lớn hơn.
![]() |
Công nghệ AI khiến người dân khó phân biệt thật - giả hơn rất nhiều so với trước. (Ảnh minh họa - Nguồn: Genk) |
Thời gian qua, Công an TP Hà Nội cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí có nhiều khuyến cáo tới du khách, các công ty du lịch - lữ hành về việc những đối tượng xấu đang lợi dụng công nghệ để trục lợi vào mùa cao điểm du lịch. Từ các thủ đoạn quen thuộc như bán combo giá rẻ, đến sử dụng Fanpage ảo lừa cả tỷ đồng của du khách. Đặc biệt, công nghệ Deepfake đang tạo ra những nguy cơ lừa đảo vô cùng tinh vi đối với du khách.
Bằng cách các thu thập hình ảnh và video: Tìm kiếm hình ảnh, video từ tài khoản mạng xã hội hoặc các nguồn khác của nạn nhân; tạo video giả mạo: sử dụng công nghệ AI để ghép khuôn mặt và giọng nói, tạo các cuộc gọi video giả mạo người thân/bạn bè; lừa chuyển tiền: Trong cuộc gọi, đối tượng đưa ra lý do cấp bách như tai nạn, nợ tiền, hoặc cần hỗ trợ tài chính trong các chuyến du lịch, yêu cầu chuyển tiền ngay vào tài khoản do chúng cung cấp.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có công văn số 253/CDLQGVN-QLLT tới các Sở VH,TT&DL, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong lĩnh vực du lịch. Văn bản của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nêu rõ, thời gian qua, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực du lịch qua mạng ngày càng gia tăng ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ngành Du lịch, gây bức xúc trong dư luận.
Các tỉnh, địa phương cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật; tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đơn thư, phản ánh liên quan của công dân theo thẩm quyền; phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, ngăn chặn các website, fanpage giả mạo, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo.
Cần có những chương trình “phổ cập” AI cho cộng đồng
Thực tế, công nghệ AI đang tạo ra bước chuyển đột phá cho ngành Du lịch Việt Nam. Từ việc tối ưu hóa trải nghiệm cho du khách đến nâng cao hiệu quả quản lý, xây dựng sản phẩm, AI dần trở thành công cụ không thể thiếu của ngành Du lịch.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp du lịch đã bắt đầu ứng dụng AI trong các dịch vụ của mình. BestPrice Travel là một trong những doanh nghiệp du lịch tiên phong ứng dụng AI trong phát triển sản phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi do AI mang lại, vẫn còn đó những bất cập. Lấy ví dụ những kẻ xấu lợi dụng AI để lừa đảo khách hàng, dẫn đến tổn thất, thiệt hại cho cả khách hàng và công ty du lịch - lữ hành. Vì vậy, trước thực trạng xã hội ngày càng phát triển công nghệ, cần có giải pháp nâng cao kiến thức về AI cho người dân.
Hiện nay, đã có những khóa học AI đang được các Bộ, ban ngành hỗ trợ giúp người dân phổ cập kiến thức một cách miễn phí. Mới gần đây nhất, trong buổi ra mắt Chương trình “Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng” (AI for all) của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Tập đoàn Intel, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định trong bối cảnh công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng, một yêu cầu đặc biệt quan trọng và cấp bách hiện nay là cần nhanh chóng phổ cập những tri thức căn bản về trí tuệ nhân tạo đến với toàn dân một cách dễ hiểu nhất, theo chuẩn mực quốc tế.
AI, đặc biệt là AI tạo sinh (GenAI), đang tạo ra những đột phá chưa từng có, mở ra những khả năng vô hạn cho nhân loại, hỗ trợ nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó cả du lịch. Sự “thông minh” AI đang trở thành một công cụ để những kẻ lừa đảo trục lợi. Việc phát hiện thật - giả do AI làm ngày càng khó khăn, hiện nay không thể dùng mắt thường đánh giá những trang web du lịch lừa đảo và web du lịch chính thống. Cũng như vậy, công nghệ Deepfake đang tạo ra giọng nói, hình ảnh video uy tín không khác gì người thật.
![]() |
Cần phải phổ cập kiến thức về AI cho cộng đồng để bảo đảm an toàn khi đi du lịch. (Ảnh minh họa: PV) |
Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Vũ Thị Bạch Dương, chuyên viên Công ty TNHH Du lịch Trần Việt, chi nhánh Hà Nội cho biết, sự phát triển công nghệ vừa là một thuận lợi, vừa là một thách thức với ngành Du lịch. Lấy ví dụ như hiện nay, du khách đã có thể sử dụng các app, ứng dụng trong việc đặt vé máy bay, nhà hàng, khách sạn một cách nhanh chóng, tiện lợi với mức giá tốt. Nhờ AI, các doanh nghiệp đang được tối ưu hóa nhiều hoạt động như tác vụ quản lý đặt phòng, điều chỉnh giá phòng khách sạn theo thời gian thực, dự báo lượng khách đến một điểm du lịch đều có thể được AI đảm nhiệm một cách hiệu quả. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro do sự biến động của thị trường cho doanh nghiệp.
Ngược lại, hiện nay, AI đang tạo ra nhiều vụ mạo danh, lừa đảo, vì vậy các công ty ty du lịch - lữ hành cùng các đối tác liên kết đang nỗ lực nâng cao bảo mật an ninh mạng, bảo đảm an toàn dữ liệu, thông tin của hành khách. Tuy nhiên, bên cạnh việc các công ty du lịch - lữ hành, các doanh nghiệp, khu lưu trú đang tăng cường công tác bảo mật trên không gian mạng, thì khách hàng cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu một số kiến thức cơ bản về công nghệ, AI để bảo đảm an toàn khi đi du lịch.