Chỉ với 55.000 đồng, khách hàng có thể mua được 1 can 2 lít hương liệu các loại hoa quả xuất xứ từ Trung Quốc, qua đó có thể pha chế thành 8 lít nước giải khát. Điều đáng nói chính là nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng từ chính những can nước này...
Pha chế 8 lít nước trái cây "nguyên chất" chỉ với 55.000 đồng?
Phản ánh với chúng tôi, chị Thu Huệ (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi cùng bạn vào uống nước ở một quán cà phê sinh tố trên phố Nghĩa Tân. Khi gọi sinh tố cam, chủ quán bê ra hai cốc nước cam "trong veo", không có một chút tép cam nào. Mặc dù nước có vị cam nhưng khi uống, tôi vẫn thấy dại dại thế nào ấy”.
Pha chế 8 lít nước trái cây "nguyên chất" chỉ với 55.000 đồng?
Phản ánh với chúng tôi, chị Thu Huệ (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi cùng bạn vào uống nước ở một quán cà phê sinh tố trên phố Nghĩa Tân. Khi gọi sinh tố cam, chủ quán bê ra hai cốc nước cam "trong veo", không có một chút tép cam nào. Mặc dù nước có vị cam nhưng khi uống, tôi vẫn thấy dại dại thế nào ấy”.
Ly nước cam này được pha từ can nước cốt cam mua tại 114 Hàng Buồm. |
Trong khi đó, chị Ly - nguyên chủ một cửa hàng giải khát trên phố Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội) "bật mí" cách pha chế nước giải khát mà quán chị từng làm. Theo đó, chị có cô bạn chuyên nhập khẩu hương liệu, cả si rô để pha làm nước giải khát hoặc có thể gọi đặt hàng từ phố hàng Buồm sẽ có người mang đến.
Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm 12/2003/PL-UBTVQH11 Điều 24 1 - Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm phải có giấy xác nhận đã kiểm tra đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 2 - Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của mình. Chính phủ quy định thủ tục kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu. Điều 26 1 - Thực phẩm nhập khẩu không đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị thu hồi, tái chế, chuyển mục đích sử dụng, tiêu hủy hoặc tái xuất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý thực phẩm mà mình nhập khẩu không đạt yêu cầu |
Để mục sở thị các loại hương liệu pha chế nước giải khát như tiết lộ của chị Ly, chúng tôi có buổi khảo sát tại phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Con phố này vốn nổi tiếng với các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát được bán buôn và bán lẻ trong đó có mặt hàng si rô, tinh dầu hoa quả.
Tại cửa hàng N, chuyên bán các loại tinh dầu thơm nguyên chất, nguyên liệu làm kem, bánh kẹo, nước giải khát, bột màu thực phẩm, bột nở và các phụ gia làm bánh, mặt hàng si rô hoa quả cũng được bày bán công khai.
Phía ngoài quầy là các loại hương liệu được đựng trong can nhựa, chai thủy tinh… Bên trong tủ kính trưng bày rất nhiều loại siro hoa quả nhãn hiệu Nana giá 45.000 đồng/chai 600ml, tinh dầu hương dâu, xoài của cơ sở Mỹ Linh giá 65.000 đồng/chai 600ml. “Đây là mức giá này là giá chung bán lẻ, bán buôn không khác nhau đâu”, bà chủ khẳng định.
Khi chúng tôi ngỏ ý hỏi mua, chủ hàng giới thiệu: “Em lấy si rô đi. Loại si rô này pha nước uống trực tiếp cũng được, là mặt hàng dễ bán nhất còn tinh dầu chủ yếu cho nhà sản xuất thôi".
Về cách pha chế, người bán hàng cho biết: “Pha theo tỉ lệ 1:4, tức là cứ 100 ml si rô với 400 ml nước cho thêm đường, đá vào. Hương liệu chỉ có mùi nhưng si rô có sẵn vị ngọt, chua nên rất dễ thực hiện”.
Khi chúng tôi hỏi mua hương liệu rẻ tiền hơn, bán theo can của Trung Quốc, nhiều quầy hàng rất cảnh giác: “Tôi không bán theo can, loại đó rẻ tiền, không đảm bảo".
Tại cửa hàng số 90 Hàng Buồm, thấy khách lạ, bà chủ hàng ra giá chai tinh dầu Mỹ Linh giá 80.000 đồng/chai, si rô Nana 45.000 đồng/chai. Theo bà chủ quầy hàng này, hàng Nana là hương liệu của Mỹ (dù trên nhãn đề là cơ sở Mỹ Linh sản xuất – pv), rất ngon. Một chai có thể pha được nhiều. Và có nhiều hương vị để khách hàng lựa chọn như: tinh dầu cốm, bạc hà, chanh, dừa, cam Mỹ, táo…
Khi chúng tôi hỏi cách sử dụng, người bán hàng dè dặt: “Pha loãng hay nhạt tùy khẩu vị của mình".
Can nước cốt cam 2 lít có nhãn mác tiếng Trung Quốc, trên nắp không hề có niêm phong giá 55 ngàn đồng. |
Cũng trên phố hàng Buồm, tại cửa hàng P - đại lý phân phối trà sữa trân châu Đài Loan, nguyên liệu pha chế giải khát, bánh mứt kẹo, ô mai, phẩm màu thực phẩm, tinh dầu... - bà chủ này đang viết hóa đơn cho khách đặt hàng qua điện thoại.
Phía ngoài cửa hàng, mặt hàng tinh dầu, si rô bày bán vẫn là loại có nhãn mác tiếng Việt. Thấy chúng tôi là khách lạ, chị chủ giới thiệu: “Em mua loại Nana vừa rẻ vừa ngon, giá 38.000 đồng/chai". Chúng tôi ngỏ ý muốn mua loại si rô trong can cho rẻ và pha được nhiều, chị chủ giới thiệu loại can 2 lít, màu trắng giá 55.000 đồng, nhập khẩu từ Malaysia. “Các nhà hàng vẫn lấy hàng của tôi về pha chế...”, người bán hàng tại shop P khẳng định.
Hàng trong thùng các tông là những chai nước cốt hoa quả mua từ shop Phương đang được bốc lên ô tô chở đi Bắc Ninh |
Một người đàn ông từ trong cửa hàng mang ra mấy can si rô và đưa cho chúng tôi can nước cốt cam nhãn mác tiếng Việt. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi với chủ hàng, chúng tôi phát hiện có cả những can si rô như chị chủ vừa giới thiệu nhưng nhãn mác của... Trung Quốc, đang được nhân viên đóng gói để giao cho khách hàng. Can nước cốt 2 lít của Trung Quốc cũng có giá 55.000 đồng.
Chúng tôi thắc mắc sao cùng giá như nhau lại có can thì tiếng Trung, can thì tiếng Việt, chủ hàng giãi bày: “Nhãn tiếng Việt để ai kiểm tra còn biết thông tin”. Hàng trong can có nhãn mác tiếng Việt được giới thiệu là nhập từ Malaysia và công ty tại Việt Nam đóng gói, với tỉ lệ pha chế 1:4 (1 can 2 lít có thể pha chế thành 8 lít nước giải khát).
Nguy cơ ung thư khi uống nước hoa quả trôi nổi
Nước si rô hoa quả tại phố Hàng Buồm không chỉ được bán cho những quán giải khát ở Hà Nội mà còn được xuất đi các tỉnh lân cận. Khách hàng tại đây chủ yếu là quen, đến mua trực tiếp hoặc gọi điện đặt hàng qua điện thoại.
Tại shop P, sau khi các nhân viên đóng gói hàng cẩn thận, chủ shop gọi xe ôm đến chở hàng đi giao theo địa chỉ. Theo chân người xe ôm này, chúng tôi được biết, hàng được chất lên chiếc xe tải nhỏ, chuyên chở hàng từ Hà Nội đi Bắc Ninh và ngược lại.
Qua tìm hiểu, thông tin ghi trên nhãn mác các can nước cốt hoa quả xuất xứ từ Trung Quốc bao gồm các thành phần: đường, nước hoa quả cô đặc, chất phụ gia thực phẩm (chất làm đặc, chất điều chỉnh độ chua, Natri-acid benzoic, Kali- sorbat, Acesulfame - một loại chất tăng vị, vitamin C, tinh dầu thơm, mật ong, đường hóa học, citrine vv…). Sản phẩm do xưởng thực phẩm Long Quy Mỹ Vị Vương, khu Bạch Vân, thành phố Quảng Châu sản xuất tại địa chỉ số 22, phố Thạch Mã Đào Nguyên Tây, đường Quân Hòa, khu Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc.
Trên nhãn sản phẩm ghi rõ hướng dẫn sử dụng: “Lấy một lượng thích hợp, thêm vào gấp 5 -10 lần nước, cho ít đá lạnh, lắc đều và uống". Ngày sản xuất là 6/5/2010, thời hạn sử dụng 12 tháng và để nơi khô ráo thoáng mát, sạch sẽ, tránh ánh nắng mặt trời”. Tuy nhiên, nắp của can nước cốt không hề có niêm phong.
Trao đổi với phóng viên, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Nghị định về ghi nhãn hàng hóa nêu rõ, tất cả hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài phải được cơ quan quản lý nhập khẩu cho phép. Hơn nữa, hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn phụ dịch ra tiếng Việt để người tiêu dùng nắm được thông tin đầy đủ về sản phẩm. Sản phẩm phải được đóng gói, niêm phong. Bản thân sản phẩm có nguồn gốc hay không, mỗi nước có một hàng rào kỹ thuật kiểm soát. Sản phẩm nhập khẩu bán tại Việt Nam phải có giấy tờ cam kết được phép sử dụng của nước sở tại là an toàn cho người sử dụng.
Nếu chai nước nước cốt cam ghi toàn tiếng Trung, chỉ có thể là hàng chui, hàng xách tay. Lúc đó, quản lý thị trường có quyền thổi còi”.
Nước cốt cam không rõ nguồn gốc có màu vàng rất nhân tạo, sờ vào đặc quánh sền sệt |
Về việc nước cốt hoa quả của Trung Quốc có độc hại hay không, PGS – TS Thịnh phân tích: Thông thường có 2 dạng là nước hoa quả được sản xuất từ chính quả tươi và một loại là dùng hương vị của hoa quả để pha chế thành nước uống (chế phẩm pha chế - pv). Hiện các nước châu Âu có xu thế dùng nước uống sản xuất từ hoa quả tươi hơn là nước pha chế công nghiệp. Tuy nhiên, nếu cả 2 loại trên được sản xuất theo tiêu chuẩn cho phép và được chứng nhận là an toàn thực phẩm sẽ không độc hại gì. Nhưng điều đáng nói là nếu nước cốt hoa quả trên thị trường là hàng trôi nổi, cần phải cảnh giác. Cụ thể, với loại nước cốt cam không rõ nguồn gốc thường gồm các thành phần như màu vàng thực phẩm, chất thơm tổng hợp, chất nhũ hóa làm cho nước sền sệt, đường, chất bảo quản. Thậm chí, tép cam họ cũng có thể làm nhân tạo. Với đường để làm ngọt nước, nếu phía sản xuất cho đường cyclamate – hiện bị cấm sử dụng tại Việt Nam - người tiêu dùng cũng không thể biết được. Vị ngọt của đường này còn ngon hơn đường thông thường. Hơn nữa, nếu nhà sản xuất dùng phẩm màu thực phẩm không chuẩn sẽ có nguy cơ không khống chế được nồng độ cho phép. Và để phân biệt loại nước hoa quả đảm bảo chất lượng với loại trôi nổi, khi uống nước ở quán giải khát, nếu không tinh ý, người tiêu dùng cũng không thể nhận biết. Kết luận lại, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo: “Mọi chất hóa học đều có nguy cơ, nếu quá giới hạn cho phép sẽ gây nên hiện tượng ngộ độc trường diễn. Sau khi ăn, uống... các chất này sẽ tích tụ trong nội tạng cơ thể, thậm chí vào não gây bệnh như ung thư. Vì vậy, chỉ còn cách là mua đúng chỗ và sản phẩm được đảm bảo có nhãn hàng cùng niêm phong. Bản thân đơn vị sản xuất phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính an toàn của sản phẩm với người tiêu dùng”.
Luật an toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 thay cho Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH11 Điều 5. Những hành vi bị cấm 1. Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm. 2. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm. 3. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm… 4. Sản xuất, kinh doanh: a) Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; b) Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; c) Thực phẩm bị biến chất; d) Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép; đ) Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm; … h) Thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố hợp quy; i) Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng. Điều 6. Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật. |
Theo Nguyễn Tâm
VTC news
VTC news