Hơn 1 tháng qua, tại các cửa khẩu giáp biên giới với Trung Quốc, tôm hùm nước ngọt được bày bán rộng rãi với giá từ 200.000 - 230.000/kg. Tôm nhập được đóng vào thùng xốp trọng lượng 20kg/thùng. 1kg tôm được khoảng 32 - 30 con, phân phối chủ yếu cho các tỉnh miền xuôi làm thực phẩm tại các nhà hàng, quán nhậu.
Theo tìm hiểu, năm 2010, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I sau một thời gian nghiên cứu và nuôi trồng thử nghiệm đã kết luận: Tôm hùm nước ngọt có giá trị kinh tế không cao, tỉ lệ thịt so với khối lượng cơ thể thấp, cỡ thương phẩm nhỏ (30-50 g). Đoặc biệt loài này, có nhiều đặc tính của sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại như: ăn tạp, cạnh tranh thức ăn, có thể chiếm nơi sống của loài bản địa, có khả năng gây hại sinh vật bản địa, đào hang hốc (sâu đến 2 m) và có thể gây hại cho các công trình thủy sản, đê điều nếu thoát ra ngoài… Vì vậy, Viện đã khuyến cáo không nên phát triển nuôi đối với loài này.
Đáng nói, tôm hùm nước ngọt có thể tác động nghiêm trọng đến tôm càng bản địa thông qua việc cạnh tranh và lây bệnh dịch, làm thay đổi chất lượng nước và đặc tính trầm tích, tích lũy kim loại nặng, tương tác với các loài xâm lấn khác, làm hỏng hệ thống tưới tiêu nông nghiệp, ngành đánh bắt cá và làm suy giảm quần thể động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua việc săn mồi và cạnh tranh.
Thời gian qua, ảnh hưởng đến nông nghiệp và thủy sản của loài này đã được ghi nhận ở nhiều nơi. Việc đào hang của tôm hùm nước ngọt thường gây ra vấn đề đối với đê và hệ thống tưới tiêu có thể dẫn đến mất nước và thiệt hại cho các cánh đồng như tại Trung Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Ý, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.
Đây cũng là loài thường xuyên trở thành một loài chiếm ưu thế trong môi trường sống bị xáo trộn như ruộng lúa. Nếu có mặt trong các công trình thủy lợi bao gồm hồ chứa, kênh của ruộng lúa, chúng có thể gây thiệt hại kinh tế đáng kể do hoạt động đào hang của nó, làm thay đổi thủy văn đất và gây rò rỉ nước.
Trước thực tế loài tôm này đang được buôn bán rầm rộ, mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường đã ký Công văn hỏa tốc số 3438/BNN-TCTS khẳng định tính nguy hại của loài tôm này. Văn bản khẳng định, đây là loài tôm không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.
Để bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức kiểm tra, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải tiến hành khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt ngay. Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cũng có công văn hỏa tốc gửi các địa phương về tăng cường, kiểm soát thị trường với tôm càng đỏ (tôm hùm đất, tôm hùm nước ngọt), đặc biệt là ngăn chặn việc vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam, khi phát hiện các hành vi buôn bán loài tôm này phải lập biên bản xử lý, tiêu hủy ngay.
Tôm hùm nước ngọt có màu đỏ sẫm, con tiền trưởng thành thường có màu xám. Tôm hùm nước ngọt có thể đạt kích thước hơn 50g trong 3-5 tháng và có thể dài khoảng 5,5 đến 12cm, thân dạng hình trụ. Toàn thân được bao bọc bởi lớp vỏ cứng, ở con trưởng thành dễ thấy có nhiều nốt sần (nhám) ở phần đầu ngực, với 2 càng lớn được dùng để gắp thức ăn, đào hang.