Chương trình Con đường âm nhạc: Lặng lẽ tiếng dương cầm - Nguyễn Ánh 9 sẽ diễn ra tại Nhà hát Quân đội TP HCM vào ngày 21/11. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được nhiều người biết đến qua các tình khúc bất hủ như: Không, Buồn ơi chào mi, Kỷ niệm, Lặng lẽ tiếng dương cầm... Không dừng lại ở vai trò nghệ sĩ hòa âm, biểu diễn dương cầm, các ca khúc như: Ai đưa em về, Một lời cuối cho em, Chia phôi đã khẳng định tên tuổi của Nguyễn Ánh 9 tại thị trường âm nhạc Sài thành đầy sôi động.
|
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh |
Trong các tác phẩm của Nguyễn Ánh 9, người nghe như cảm nhận được từng cung bậc tình cảm ngân vang. Thoáng trong giai điệu là nét buồn tư lự của một người bị phụ tình, lụy tình với nhiều day dứt trước sự mất mát, tan vỡ và chia xa. Tâm hồn người nghệ sĩ như chính cung đàn, chỉ khẽ “chạm” vào là có thể rung lên biết bao nỗi niềm về một mối tình dở dang. Chính “vết bỏng của tình đầu vĩnh viễn không nguôi dịu” - mối tình đầu đầy đam mê nhưng không vẹn toàn đã tạo cảm hứng để Nguyễn Ánh 9 viết nên các tình khúc với nhiều dư âm. Cũng vì tình đầu không trọn vẹn với bao cảm xúc đan cài trong từng nốt nhạc đã tạo ra các nhạc phẩm cuốn hút như những câu chuyện tình đẹp lay động trái tim người yêu nhạc. Ngoài sáng tác âm nhạc, Nguyễn Ánh 9 còn được mời viết nhạc nền cho một số phim như: Mảnh tình nghiệt ngã, Mênh mông tình buồn và phim về trẻ em Cửu Long tại Pháp. Gần đây, Nguyễn Ánh 9 không sáng tác nhiều nhưng trong giai điệu và ca từ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, không chỉ là những giai điệu vương vấn chút buồn, mà trong các sáng tác còn chứa đựng cả những triết lý về tình yêu, hạnh phúc với tiết tấu nhẹ nhàng. Đằng sau những lời oán trách, những lời như cố chối, cố quên là tình yêu mãnh liệt được gợi nhắc từ chính ký ức ngọt ngào. Ông tâm sự: "Tôi không coi âm nhạc là nghiệp, tôi chỉ tưởng rằng nó là cuộc sống của mình. Rời xa nó, tôi thấy mình đau yếu và khó thở…". Có lẽ vì thế mà trong từng khúc nhạc của Nguyễn Ánh 9 chứa đựng biết bao khát vọng, niềm đam mê vừa nhẹ nhàng vừa thanh thoát. Chương trình có sự tham gia của các ca sĩ: Ánh Tuyết, Hồng Hạnh , Mỹ Hạnh, Mỹ Lệ, Đức Tuấn , Buoner Trinh, Quỳnh Lan, Thụy Long, Bích Hiền – Dịu Hiền – Huy Luân và vũ đoàn Sài Gòn với các nhạc phẩm như: Xin như làn mây trắng, Lặng lẽ dương cầm, Một trời thương nhớ, Buồn ơi chào mi, Tình khúc chiều mưa, Không, Bơ vơ, Ai đưa em về, Cô đơn, Mùa thu cánh nâu, Kiếp hoa, Tình yêu đến trong giã từ, Sài Gòn em và tôi cùng nhiều nhạc phẩm khác.
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh sinh năm 1940 tại Ninh Thuận. Gắn bó với cây dương cầm, Nguyễn Ánh 9 từng tham gia nhiều chương trình của Đài Phát thanh Sài Gòn, Đài phát thanh Đà Lạt. Bằng tài năng âm nhạc, Nguyễn Ánh 9 vinh dự được đi biểu diễn tại Nhật. Ngay sau lần lưu diễn ấy, ca khúc Không đã ra đời trong vòng một tiếng với lời ca mới lạ. Bài hát nhanh chóng được phổ biến và nhạc phẩm đầu tay chính là động lực để Nguyễn Ánh 9 đi theo con đường sáng tác chuyên nghiệp. |
Theo Thủy Liên
Đất Việt
Đất Việt