Nguyên tắc vì dân

(PLVN) - Dù lúc bình thường hay cấp bách, mọi cán bộ đều ghi nhớ và làm theo lời Bác Hồ đã dạy: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”; thì nhất định sẽ không khi nào gặp rắc rối, mà ngày càng được nhân dân và đồng chí tin yêu.
Nguyên tắc vì dân

Ngày 9/1, khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung liên quan điều chỉnh, điều chuyển vốn ngân sách; có một câu hỏi rất thú vị; và câu hỏi này cũng được giải đáp bằng một câu trả lời thú vị không kém.

Đó là trước đề xuất của Chính phủ muốn bổ sung hơn 14.713 tỷ đồng chi thường xuyên vốn viện trợ không hoàn lại vào dự toán ngân sách 2021; gồm viện trợ phòng chống dịch hơn 11.360 tỷ đồng, viện trợ khác gần 3.353 tỷ đồng; một ĐBQH đã đặt vấn đề: "Việc chi trước, quyết toán sau không nằm trong kế hoạch chi hàng năm đã đang diễn ra, không đúng quy định Luật Ngân sách" và đề nghị Bộ trưởng Tài chính giải trình rõ lý do.

Trả lời câu hỏi, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, viện trợ nước ngoài phụ thuộc các tổ chức nước ngoài, thường là các khoản nhỏ, bất thường, không có dự toán từ trước. Năm 2021 - 2022, đặc thù các khoản viện trợ là dành cho phòng chống dịch COVID-19, các tổ chức nước ngoài tài trợ trực tiếp cho các địa phương (TP HCM, Hà Nội...). Địa phương sau khi tiếp nhận, phục vụ chống dịch, rồi mới báo cáo Bộ Tài chính. Việc này khiến nhiều đơn vị rất bị động. "Chúng tôi nhiều khi cũng phải vì dân, nên có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc, quy tắc", Bộ trưởng Tài chính khẳng định.

Ông kể, thời điểm đỉnh dịch tại TP HCM, số ca tử vong tăng cao, trong khi theo quy định phải đầy đủ hồ sơ thủ tục, giấy tờ hải quan mới cho xuất hàng, thông quan hàng hoá. Lúc đó, kit test xét nghiệm, vaccine COVID-19... được nhà tài trợ vận chuyển, thông báo cho địa phương, ngành Y tế. Bộ trưởng Y tế, Thứ trưởng Công an, lãnh đạo BV Chợ Rẫy... tới nhận nhưng Cục Hải quan TP HCM cũng không đồng ý, do lô hàng tài trợ chưa đủ hồ sơ, điều kiện để thông quan.

"Lúc đó tôi phải gọi cho lãnh đạo Cục Hải quan TP HCM. Tôi nói sẽ chịu trách nhiệm, phải cho BCĐ phòng chống dịch nhận vaccine, kit xét nghiệm, nhưng Cục Hải quan không đồng ý cho xuất hàng. Tôi yêu cầu nếu anh không xuất hàng thì trả chức lại cho Bộ và tự chịu trách nhiệm. Sau đó hải quan mới đồng ý xuất hàng trước, hoàn thủ tục sau", ông kể lại.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, tùy vào thực tế, có những lúc phải đảm bảo phục vụ dân, cho chi trước, xuất hàng trước, rồi hoàn thành thủ tục, quyết toán sau. Song như vậy cán bộ lại sợ rủi ro, hàng cho xuất đi rồi mà sau này quyết toán không đầy đủ thì sẽ bị truy trách nhiệm. "Trường hợp này may là sau này tập hợp hồ sơ đầy đủ", ông nói và mong muốn các ĐBQH thấu hiểu, Bộ Tài chính luôn chủ động trong phạm vi, còn những tình huống, hoàn cảnh chưa dự báo được thì phải hết sức sáng tạo.

Về nguyên tắc, đúng là việc chi trước, quyết toán sau là không đúng nguyên tắc, quy định, như lời ĐBQH nhận xét. Nhưng trả lời của Bộ trưởng Tài chính cũng hoàn toàn không sai. Khi dịch bệnh hoành hành, việc cứu người là trên hết, làm sao để giữ tính mạng cho dân là trên hết.

Câu chuyện cụ thể trên cũng khiến chúng ta liên tưởng tới cũng trong đợt dịch bệnh hoành hành, một số cán bộ cũng làm việc không đúng nguyên tắc và sau đó phải vướng vòng lao lý. Khác nhau ở chỗ những cán bộ đó đã vi phạm nguyên tắc với động cơ tư lợi, hòng nhét tiền vào túi mình; chứ không phải vì dân. Hay nói ngắn gọn, dù lúc bình thường hay cấp bách, mọi cán bộ đều ghi nhớ và làm theo lời Bác Hồ đã dạy: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”; thì nhất định sẽ không khi nào gặp rắc rối, mà ngày càng được nhân dân và đồng chí tin yêu.

Đọc thêm