Nhà báo cần phải được bảo vệ

Công luận đề nghị cần nghiêm trị những kẻ hành hung nhà báo theo tội danh chống người đang thi hành công vụ  cùng những kẻ bao che cho tội phạm, để khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật...

Nghề báo là nghề nguy hiểm quả không sai, nhất là với nước ta những năm gần đây, số vụ hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp gia tăng cao và diễn biến phức tạp…

Nhiều nhà báo bị đánh trọng thương, điển hình là vụ phóng viên Trần Thế Dũng (Báo Người lao động) bị đánh trọng thương khi đang tác nghiệp ở làng Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn). Vụ 2 nhà báo Võ Minh Châu và Minh Thùy (Báo Tiền Phong) bị một số kẻ dùng mũ bảo hiểm và dao truy sát tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh khi đang tác nghiệp..

Nghề báo là nghề nguy hiểm ...

Mới đây nhất là ngày 30/5/2011, nhà báo Võ Thanh Mai (PV thường trú của Báo Nông nghiệp Việt Nam) tại Nghệ An bị chém trọng thương tại cây xăng đầu đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh, Nghệ An. Các vụ hành hung đều thể hiện rõ sự trả thù, đe dọa đê hèn. 

Mặc dù vậy, các nhà báo luôn là những chiến sỹ xung kích trên mọi lĩnh vực để phản ánh sinh động, trung thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Họ xứng đáng là “Thư ký trung thành của thời đại” . Đặc biệt, các phóng viên ngoài việc tiên phong trên mặt trận chống tiêu cực, chống cái ác, cái xấu, họ cũng là cầu nối cho những số phận bất hạnh để xã hội giúp đỡ; Họ còn góp phần phát hiện những tấm gương điển hình, tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng dư luận theo cái tốt…

Nhiều nhà báo đã khẳng định được cái tâm và cái tầm của mình. Tôi vô cùng khâm phục những nhà báo đã lăn lộn ở vùng  “nóng” để bạn đọc có những phóng sự hay, để đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực, làm cho xã hội ngày càng văn minh, công bằng và ưu việt. Đặc biệt với bà con nông dân vùng sâu vùng xa vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh. Cuộc sống càng phát triển thì những món ăn tinh thần càng cần thiết với bạn đọc, mà người làm nên món ăn tinh thần quý giá ấy chính là các nhà báo.

Thời gian qua, dư luận hết sức bất bình về các vụ hành hung nhà báo không được xử lý nghiêm minh. Đây là sự vi phạm thân thể, danh dự và nhân phẩm các nhà báo và sự coi thường kỷ cương, phép nước. Điều đáng buồn là các cơ quan chức năng ở những nơi xảy ra sự vụ lại đến rất muộn nên hiện trường bị xóa dấu vết, rồi xử lý theo kiểu “phủi bụi”. Nhiều kẻ hành hung nhà báo dã man, nhưng chưa có kẻ nào bị pháp luật nghiêm trị thích đáng. Có lẽ chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn nên danh sách các nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp cứ dài thêm.

Vì những đồng tiền bất chính, nhiều phần tử tiêu cực tìm cách trả thù những  nhà báo phanh phui sự làm ăn xấu xa của chúng. Vì vậy, các nhà báo cần được bảo vệ. Nếu cứ để tình trạng các nhà báo bị hành hung thì không những nguy hiểm cho nhà báo mà còn dẫn đến sự giảm sút việc đấu tranh chống tiêu cực của cơ quan báo chí. Đồng thời, cái xấu, các ác sẽ lộng hành, nhân dân mất lòng tin ở các cơ quan hành pháp. Cuộc sống của nhân dân sẽ bất ổn.

Có thể nói, các nhà báo đã thể hiện rõ bản lĩnh của mình, là những người “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Họ xứng đáng là người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, được nhân dân kính trọng, tin yêu. Công luận đề nghị cần nghiêm trị những kẻ hành hung nhà báo theo tội danh chống người đang thi hành công vụ  cùng những kẻ bao che cho tội phạm, để khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật.                                   

Trịnh Thị Thuận

Đọc thêm