Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thành phố đã có công điện khẩn yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc TP chủ động đối phó, xử lý kịp thời, có hiệu quả.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh.
Kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình (đặc biệt các công trình đang thi công), chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động chỉ đạo đối phó kịp thời với mọi diễn biến của bão và mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Tăng cường công tác kiểm tra hồ đập trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ, đặc biệt là đối với các hồ chứa nước đã đầy nước, sẵn sàng lực lượng vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xảy ra.
Thông báo cho các chủ đầu tư và đơn vị có công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, chủ các phương tiện vận tải thủy biết thông tin trên để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẵn sàng triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị, đặc biệt là các quận nội thành. Các công ty thủy lợi triển khai tiêu kiệt nước đệm trên các kênh mương và trục tiêu chính.
Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng 20.000 bao tải cát, 10.000 m2 bạt chắn sóng, 30 xuồng, 15 động cơ... sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp.
Toàn thể Công ty chuyển sang chế độ ứng trực mưa bão 24/24h kể từ 7h30 ngày 16/7/. Công ty bố trí 100% lực lượng ứng trực với hơn 2.300 cán bộ-công nhân viên. 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới đảm bảo sẵn sàng hoạt động giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công và chủ động giải quyết các điểm phát sinh khi có yêu cầu của BCH phòng chống thiên tai TP và Công ty. Các xe bơm di động, xe hút, téc đã sẵn sàng khi có mưa di chuyển đến các điểm ứng trực.
Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh tổ chức lực lượng kịp thời giải tỏa cây đổ khi có mưa to, gió lớn; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; không làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của Nhân dân.
Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giữ gìn trật tự trị an khi có tình huống xảy ra trên địa bàn TP. Phối hợp với Sở GTVT phân luồng giao thông khi có tình huống úng, ngập xảy ra, đặc biệt là khu vực nội thành.
Ban Chỉ huy PCTT TP Hà Nội cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công, chủ động kiểm tra đôn đốc các quận, huyện, thị xã để chỉ đạo các công tác phòng chống úng ngập theo quy định. Kịp thời nắm bắt tình hình, báo cáo về Thường trực Ban Chỉ huy PCTT TP. Tổ chức trực ban 24/24, theo dõi, tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến mưa, lũ, úng ngập về Ban Chỉ huy PCTT TP theo quy định.
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, đến thời điểm 7h ngày 17/7, mực nước tại các hồ điều hòa như sau: Yên Sở 1.75, Linh Đàm 2.47m, Hồ Tây 5.80m, Trúc Bạch 5.92m, Bảy Mẫu 3.82m, Giảng Võ 3.90m, Đống Đa 3.79m.
Mực nước trên sông Nhuệ như sau: Liên Mạc 5.63m, Đồng Bông 3.67, Thanh Liệt 3.14m, Hà Đông 3.46m, Đông Quan 2.12m, Hòa Mỹ 2.20m, Vân Đình 2.30m, trạm bơm Khê Tang 3.22 (mở 6/8 cửa phai, không vận hành bơm), trạm bơm Yên Nghĩa 3.42 (cửa phải đóng, không vận hành)... Trạm bơm Yên Sở tiếp tục duy trì 4 tổ bơm khẩn cấp để tạo dòng chảy. Các cửa đập điều tiết như Thanh Liệt, hồ Ba Mẫu... được kiểm tra đảm bảo vận hành trơn tru, các cửa phai hồ điều hòa đã được mở 100% để đưa nước vào hồ khi có mưa.
Trước diễn biến mưa lớn có thể phải mở 3 cửa xả hồ Hòa Bình khiến mực nước sông Hồng lên cao xấp xỉ mức báo động 1, UBND TP Hà Nội cũng đã có Công văn số 3466 yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn khi các hồ thượng nguồn sông Hồng xả lũ.