Nhà đầu tư chứng khoán: Dùng dằng nửa ở, nửa về

Thị trường liên tục mất điểm, các ngưỡng hỗ trợ bị phá vỡ, thanh khoản giảm cả trên hai sàn khiến nhà đầu tư buồn bã và thất vọng. Tâm lý “dùng dằng nửa ở,  nửa về” đang khá phổ biến tại các sàn giao dịch. Thị trường dường như “ trơ” ra trước mọi thông tin, bất kể là thông tin tốt đang  nhiều.

Thị trường liên tục mất điểm, các ngưỡng hỗ trợ bị phá vỡ, thanh khoản giảm cả trên hai sàn khiến nhà đầu tư buồn bã và thất vọng. Tâm lý “dùng dằng nửa ở,  nửa về” đang khá phổ biến tại các sàn giao dịch. Thị trường dường như “ trơ” ra trước mọi thông tin, bất kể là thông tin tốt đang  nhiều. Tuy nhiên, với những diễn biến trên thị trường từ đầu năm tới nay, tâm lý đó của nhà đầu tư có thể lý giải được.

Giảm nhiều hơn tăng
Nếu như những năm trước, chu kỳ tăng, giảm của thị trường chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và thị trường có những khởi sắc giúp nhà đầu tư hồ hởi, phấn khởi và có nguồn lực đủ để chống chọi với những phiên giảm điểm tiếp theo. Nhưng sự buồn tẻ từ đầu năm 2010  tới nay với những phiên giảm nhiều hơn tăng và ít có đột biến thật sự làm nản lòng nhà đầu tư. Họ ngóng chờ mà chưa nhìn thấy cơ hội nào có thể gặt hái thành công. Đây là những diễn biến bất lợi, ít có trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ khi thành lập tới nay.

san  CK an binh.jpg

Phiên giao dịch tại sàn chứng khoán An Bình thưa thớt nhà đầu tư.                                                                                             Ảnh: Phương Duy

Nhìn vào thị trường, có thể thấy rõ 2 nguyên nhân. Thứ nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay giảm khoảng 5%, một mức giảm làm nhà đầu tư thất vọng. Những nhà đầu tư kiên định theo hướng đầu tư dài hạn cũng phải thở dài bởi đa số không có được mức lợi nhuận bằng gửi tiết kiệm. Trong khi đó, nhà đầu tư ngắn hạn dù có thu được lợi sau một vài đợt lướt sóng nhưng  không đủ bù đắp cho những đợt giảm giá ồ ạt với tỷ lệ lớn hơn trên sàn. Đó là chưa kể tới hàng loạt cổ phiếu được bơm thổi lên mức giá trên trời, nhưng hoàn toàn thoát ly khỏi giá trị cơ bản của doanh nghiệp làm nhà đầu tư khó phân biệt. Hiện tượng làm giá khá phổ biến cũng phần nào ảnh hưởng tới thị trường.
Nguyên nhân thứ hai là nguồn cung hằng ngày càng ồ ạt. Theo ước tính, có đến hơn 1,3 tỷ cổ phiếu (CP) của các doanh nghiệp chuẩn bị lên sàn HOSE trong thời gian tới. Trong số doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại HOSE, Ngân hàng TMCP quân đội (MB) có quy mô lớn nhất với 530 triệu CP. Tiếp đó là một số doanh nghiệp  như CTCP vận tải biển Việt Nam có 140 triệu CP, CTCP đầu tư KCN dầu khí -Idico Long Sơn với 82,7 triệu CP... Đó là chưa kể hàng loạt doanh nghiệp cũng đang xếp hàng lên sàn Hà Nội và sàn UPCoM.
Nếu như trước đây, với những tin này, nhiều nhà đầu tư sẽ  hồ hởi đón nhận với kỳ vọng mang lại luồng sinh khí mới cho thị trường. Tuy nhiên, đến bây giờ,  dường như nguồn cung cổ phiếu gần bão hòa, bởi ngoài các doanh nghiệp mới niêm yết còn  một khối lượng cổ phiếu khổng lồ của các doanh nghiệp phát hành thêm hoặc thưởng bằng cổ phiếu, trả cổ tức...  Thị trường lình xình càng khiến nguồn cung cổ phiếu ít hấp dẫn hơn hẳn so với trước, cho dù đó là những cổ phiếu tốt.

Củng cố niềm tin
Cho dù thị trường đang rẽ ngang và xu thế bật lên chưa rõ nét nhưng chứng khoán là vậy, cần nhất là nhà đầu tư luôn phải củng cố niềm tin. Nếu xét về dài hạn, hàng hóa càng đa dạng  càng tốt cho thị trường. Bởi nhà đầu tư sẽ có thêm sự lựa chọn đồng nghĩa với việc sẽ thu hút thêm dòng tiền mới vào thị trường chứng khoán. Mặt khác, khi có nhiều doanh nghiệp mới lên niêm yết,  sẽ tạo nên một sự cạnh tranh công khai giữa CP mới với những CP đang giao dịch trên sàn. Từ đó, các doanh nghiệp đang niêm yết cũng phải nỗ lực để tạo ra kết quả kinh doanh tốt hơn, chăm sóc mối quan hệ với nhà đầu tư tốt hơn nếu không muốn CP của mình bị nhà đầu tư lơ là. Bởi thế, mới có chuyện nhà đầu tư vẫn mong muốn có thêm các đại gia lên sàn như Sabeco, Habeco…
     Có ý kiến cho rằng, thị trường kém hấp dẫn là do nguồn tiền có hạn. Điều này có lý do khi nhà đầu tư cá nhân không mặn mà bỏ thêm vốn, các quỹ đầu tư cũng không còn dễ dàng huy động vốn từ nước ngoài để tham gia bởi tỷ lệ lợi nhuận không còn hấp dẫn sau 7 tháng của  năm 2010; áp lực tăng vốn của các ngân hàng cũng ảnh hưởng tới dòng tiền vào thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư vẫn tin tưởng, chỉ cần thị trường khởi sắc, dòng tiền sẽ lập tức quay trở lại. Phần lớn nhà đầu tư hiện nay đang giao dịch cầm chừng, chưa mạnh dạn đưa vốn bởi chưa nhìn thấy khả năng tìm kiếm lợi nhuận.
Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Một số báo cáo đánh giá, phân tích tỏ ra khá kỳ vọng vào thị trường trong tháng 8 và cuối năm. Cho dù có thế nào, niềm tin của nhà đầu tư cũng cần vững vàng. Mức giá hiện nay rất có thể là “ đáy” và lợi nhuận nhiều khả năng bắt đầu từ đây.

 Thanh Hiệp

Đọc thêm