Một clip cãi lộn giữa nhân viên nhà hàng và thực khách trên mạng internet đã dẫn đến một kết cục bất ngờ…
|
Khách hàng lựa chọn món ăn tại nhà hàng Sen Tây Hồ |
Tai bay vạ gió
Tháng trước, cộng đồng mạng xôn xao về một clip được tung lên ghi lại những lời đôi co giữa nhân viên nhà hàng Sen Việt ở Long Biên với khách hàng.
Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Danh Hinh, đồng quản lý nhà hàng Sen Việt xác nhận: “Sự việc cãi cọ giữa nhân viên nhà hàng Sen Việt và khách hàng xảy ra vào thứ 7, ngày 16/6/2012. Cụ thể, khi khách hàng vào nhà hàng đã hơn 20 giờ và do là ngày thứ 7 lượng khách hàng rất đông nên đương nhiên số món và lượng thức ăn của mỗi món sẽ không thể dồi dào…
Khi khách hàng phản ứng lượng thức ăn và số món còn lại cũng không nhiều, nhân viên nhà hàng có giải thích rõ có thể đổi sang một món khác để được phục vụ tốt hơn. Cãi cọ xảy ra lúc thanh toán tiền khi khách hàng đòi giảm 50% số tiền và nhân viên nhà hàng không đồng ý”.
Trước sự việc lùm xùm này, ông Dominique Davanne, Giám đốc Trung tâm thương mại Savico Megamall (tòa nhà nơi Sen Việt thuê địa điểm tại tầng 3) đã ký công văn buộc nhà hàng này phải đóng cửa để giải quyết hậu quả.
Trong khi đó, phản ánh đến Báo Pháp luật Việt Nam, ông Ngô Mai Quỳnh, đại diện của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Sen, cho biết, ngay sau khi clip tại nhà hàng Sen Việt ở Long Biên được tung lên, DN của ông “bỗng dưng… thành nạn nhân” vì nhiều khách hàng đã lên diễn đàn “ném đá” chê bai, thậm chí đòi tẩy chay vì cho rằng nhà hàng Sen Việt ở Long Biên nằm trong hệ thống nhà hàng Sen mà công ty ông đang quản lý.
Ông Quỳnh khẳng định, hiện tại hệ thống nhà hàng Sen chỉ hoạt động trên bốn địa chỉ ở Hà Nội, gồm Sen Tây Hồ tại Lạc Long Quân, Sen Hà Thành tại Bùi Thị Xuân, Sen Nam Thanh tại Nguyễn Du và Maison Sens ở địa chỉ 61 Trần Hưng Đạo.
Không chỉ lấy tên thương hiệu đã được đăng ký, hiện tại một số đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống cũng có thể gây hiểu lầm cho khách hàng bằng việt thiết kế nội thất và tiệc buffet giống như nhà hàng Sen Việt đã làm.
Xài chùa nhãn hiệu
Xác minh của Pháp luật Việt Nam tại Phòng nhãn hiệu số 2 (Cục Sở hữu trí tuệ - SHTT), cho thấy, hiện nay, Cục SHTT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các nhãn hiệu “Sen Hà Thành” (số 133620), “Sen Tây Hồ” (số 136540), “Sen Việt” (số 131140). Đơn vị sở hữu hợp pháp của tất cả nhãn hiệu nói trên đều thuộc về Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Sen theo như quyết định của Cục SHTT.
Cán bộ tại Phòng nhãn hiệu số 2 khẳng định, nhà hàng Sen Việt tại Long Biên đến nay chưa nộp đơn đăng ký nhãn hiệu lên Cục.
Trưởng phòng Phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại của Cục SHTT, ông Nguyễn Thanh Hồng, cho biết, về nguyên tắc thì nhãn hiệu Sen Việt chỉ được cấp cho một đơn vị. Nếu một đơn vị khác tiếp tục nộp đơn để đăng ký nhãn hiệu cùng tên “Sen Việt” thì cũng sẽ không được cấp, bởi sẽ không có nhãn hiệu Sen Việt thứ hai được chứng nhận. Trong trường hợp một nhãn hiệu Sen Việt khác cũng được sử dụng thì phải có sự đồng ý của chủ nhãn hiệu đó.
Cùng nhóm dịch vụ nhà hàng ăn uống, quán ăn tự phục vụ, dịch vụ khách sạn… trước đó, Công ty TNHH một thành viên du lịch công đoàn Hà Nội và Công ty cổ phần mỹ thuật Gốm Việt cũng đã nộp đơn lên Cục SHTT xin được đăng ký nhãn hiệu Sen Việt nhưng đã không được đơn vị này chấp thuận.
Như Trang