Nhã nhạc Cung đình Huế nhìn từ nhà hát Duyệt Thị Đường (tiếp theo)

(LĐ online) - “Duyệt Thị Đường” được hiểu là một gian nhà dành để xem biểu diễn nghệ thuật để từ đó con người chiêm nghiệm những điều hay lẽ phải. Cụ thể, “Duyệt” là xem xét để phân biệt điều phải trái; “Thị” là xem; và “Đường” là ngôi nhà.
[links()]Nhà hát duyệt thị đường gắn liền với Nhã nhạc cung đình Huế (LĐ online) - “Duyệt Thị Đường” được hiểu là một gian nhà dành để xem biểu diễn nghệ thuật để từ đó con người chiêm nghiệm những điều hay lẽ phải. Cụ thể, “Duyệt” là xem xét để phân biệt điều phải trái; “Thị” là xem; và “Đường” là ngôi nhà.
 
Duyệt Thị Đường được xem là nhà hát cổ nhất Việt Nam, được xây dựng vào năm 1826 – năm Minh Mạng thứ 7, hiện đã được trùng tu và đang được sử dụng để biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế phục vụ du khách (7). Trong khuôn viên nhà hát Duyệt Thị Đường, trước đây được dùng để trồng các loại cây thuốc nam quý hiếm dành cho vua và hoàng gia. Bên hữu và bên tả của Duyệt Thị Đường là nơi dùng để sao chế thuốc chữa bệnh và làm nơi chế biến các món ăn phục vụ nhà vua và hoàng gia. Vật liệu xây dựng nhà hát Duyệt Thị Đường đều bằng gỗ lim. Nhà hát có chiều cao 12m, gồm hai tầng. Đây là một tòa nhà bằng gỗ, lợp ngói lưu ly, bốn gian hai chái, tọa lạc trong một khuôn viên hình vuông có tường bao quanh. Trần nhà của nhà hát Duyệt Thị Đường được chạm nổi cảnh trăng, sao, các vì tinh tú, mặt trời – biểu hiện của vũ trụ thu nhỏ. Phía vách gỗ bên ngoài nhà hát được khắc hình rồng, phụng và nhiều loại hoa văn khác. Sân khấu của nhà hát có hình vuông, nằm ngay chính giữa nhà hát. Vị trí của vua ngồi xem hát ở lầu hai, ngay chính giữa, dưới một vòm trần nhà có chạm khắc nhiều loại hoa văn cổ. Hai bên trái và phải của tầng hai là nơi dành cho quốc khách. Còn các quan của triều đình thì ngồi trên trường kỷ đặt hai bên tả và hữu của sân khấu ở tầng dưới. Sâu khấu có ba mặt: mặt sau là hậu trường; hai mặt hai bên là phòng dành cho các diễn viên hóa trang, thay trang phục. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, năm 1897, một người Pháp có tên là F.Baille đã mô tả một buổi vua vào xem hát ở Duyệt Thị Đường: “Đức vua ngự trên long ỷ thì dàn nhạc giáo đầu gồm hai mươi nhạc sỹ ngồi xổm đánh trống, gảy đàn, thổi kèn… Trước mặt họ có một cái trống lớn… Một vị quan ngồi sau trống. Mỗi khi nghệ sĩ khéo trình diễn thì ông đánh hai hay ba tiếng trống, mỗi tiếng tiêu biểu một số tiền biếu tặng diễn viên…”. Qua thời gian, nhà hát Duyệt Thị Đường đã bị xuống cấp nặng nề. Do vậy, nó đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Dưới thời các vua Nguyễn, Duyệt Thị Đường cũng đã được tu bổ. Đến năm 1962, khi chính quyền Sài Gòn cải tạo và sửa chữa nhà hát Duyệt Thị Đường để làm cơ sở giảng dạy của Trường quốc gia Âm nhạc Huế thì các công trình xung quanh nhà hát gần như bị triệt hạ hoàn toàn (để xây cấy cơ sở dành cho giáo viên và sinh viên), cấu trúc của nàh hát đã bị biến dạng gần như hoàn toàn. Từ 1992, được sự trợ giúp của Chính phủ Việt Nam và một số doanh nghiệp của nước ngoài, nhà hát cổ nhất Việt Nam Duyệt Thị Đường đã được khôi phục bằng công tác trùng tu, sửa chữa, để chính thức mở cửa đón du khách vào ngày 1.1.2003. Hiện tại, bởi nhiều lý do, một số vị trí thuộc khu vực biểu diễn và khu dành cho khán giả đã bị thay đổi, mà theo lý giải của cơ quan chủ quản là “nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo quần chúng và khách tham quan du lịch đến thưởng thức nghệ thuật tại nhà hát” (8). Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thì hiện tại, có ba loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong nhà hát Duyệt Thị Đường là nhã nhạc, múa cung đình và tuồng cung đình. Tuy nhã nhạc được hiểu là đồng nghĩa với nhạc lễ cung đình và nó bao hàm tất cả các tổ chức dàn nhạc lễ nhưng nhã nhạc hiện tồn tại dưới hai tổ chức dàn nhạc cơ bản là đại nhạc và tiểu nhạc. Trong đó, đại nhạc là dàn nhạc diễn tấu với những trình thức quan trọng nhất trong các buổi lễ, và thường diễn ra tại những lễ tế quan trọng như tế Nam Giao, tế miếu, đại triều… Đại nhạc được xem là dàn nhạc quan trọng nhất trong hệ thống nhạc lễ cung đình. Trong khi đó, nếu đại nhạc là hoạt động âm nhạc rất trang trọng thì các bài bản âm nhạc của hệ thống tiểu nhạc lại mang màu sắc trang nhã, vui nhộn và tương đối ổn định; thường được diễn ra trong những buổi yến tiệc của vua và hoàng gia, trong dịp tết và trong các dịp tiếp quốc khách. Chất liệu âm nhạc của tiểu nhạc khá ổn định và dễ đi vào lòng người bởi nó không quá trang nghiêm hoặc quá sầu bi như đại nhạc. Cùng với nhã nhạc (hai hình thức đại nhạc và tiểu nhạc), múa cung đình cũng là một loại hình nghệ thuật được biểu diễn tại nhà hát Duyệt Thị Đường từ xưa nay. Múa cung đình có nguồn gốc từ rất lâu đời ở Việt Nam, bắt nguồn từ các điệu múa truyền thống trong dân gian, được chọn lọc, phát triển và nâng cao theo các quy phạm nghệ thuật chặt chẽ và nghiêm trang để trở thành loại hình (múa) dành cho hoàng tộc. Múa cung đình triều Nguyễn được xem là loại hình nghệ thuật gắn liền với nhạc cung đình; được tiếp thu từ các điệu múa cung đình các triều đại trước, từ các điệu múa dân gian và sau đó được nâng cao bằng ý thức sáng tạo của nghệ nhân để trở thành loại hình nghệ thuật đặc trưng của triều Nguyễn. Hiện tại, nhà hát Duyệt Thị Đường đang phục vụ du khách các điệu múa cung đình triều Nguyễn như Bát dật, Lục cúng hoa đăng, Trình tường tập khách, Tứ linh, Nữ tướng xuất quân, Vũ phiến, Tam quốc Tây du, Lục triệt hoa mã đăng…; và đang nghiên cứu phục hồi các điệu Tam tinh chúc thọ, Bát tiên hiến thọ… Loại hình nghệ thuật thứ ba đang được biểu diễn tại nhà hát Duyệt Thị Đường nữa là tuồng cung đình. Tuồng, hay còn gọi là hát bội, là bộ môn nghệ thuật truyền thống xuất hiện ở Việt Nam vào thời nhà Trần (1225 – 1400). Đến thời Nguyễn, tuồng đã đươc phát triển một cách rực rỡ và một bộ phận của loại hình nghệ thuật này đã trở thành “tuồng cung đình” dành riêng cho vua và hoàng gia. Có thể nói, tuồng cung đình Huế là một hiện tượng đặc biệt – hiện tượng phát tích khá rực rỡ trong truyền thống kịch hát của dân tộc. Nói cách khác, tuồng vốn mang tính dân gian trước đó đã được nâng lên thành một bộ môn nghệ thuật hoàn thiện có tính bác học cả về kịch bản cũng như biểu diễn dưới triều đại nhà Nguyễn, đặc biệt là thời Tự Đức, và trở thành “quốc kịch”. Tuồng cung đình có rất nhiều vở, trong đó đáng kể là các vở (tiêu biểu): Sơn hậu, Dương chấn tử, Tam nữ đồ vương, Hồ thạch phủ, Lý phụng đình, Giác oan, Đào phi phụng, Phụng kinh văn… Sự ra đời và phát triển của nhà hát Duyệt Thị Đường cho thấy đây chính là cái nôi để  nhiều loại hình nghệ thuật cổ của người Việt đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, làm nên những viên ngọc sáng giá của dân tộc.Những cố gắng trong phục hồi vốn cổ Sau ngày vua Bảo Đại thoái vị, với sự thay đổi về chính thể, một thực tế khó có thể phủ nhận là nhã nhạc cung đình Huế được đặt trước nguy cơ của sự diệt vong bởi tính thoái trào của nó ngày càng hiện hữu khá rõ nét. Tuy nhiên, may mắn thay, vẫn còn đó ít nhất là một người vô cùng tâm huyết với vốn quý của quốc gia (chứ không chỉ của riêng vua quan triều Nguyễn) là đức Từ Cung – cựu hoàng thái hậu – đã bằng tiền riêng của mình làm mọi cách để cứu lấy nhã nhạc cung đình Huế, khi loại hình nghệ thuật này đã không còn “đất dụng võ”. Theo tác giả Lê Văn Hảo, thì “Từ 1946 đến 1975, với tiền riêng và biết chọn mặt gửi vàng, bà (Từ Cung thái hậu – VKD) ủy nhiệm cho ông Nguyễn Hữu Hòa (tức Đội Hòa, con ông Đội Thức, người chỉ huy Ba vũ đội nổi tiế
 
áu, Nguyễn Kế, Trần Kích…) rồi lập lại một ban lễ nhạc gồm khoảng mươi người và các con cháu thạo nhạc của họ để thỉnh thoảng phục vụ các buổi tế lễ, kỵ lạp do bà và Tôn nhơn phủ tổ chức. Chính các cụ nghệ nhân ấy (…) và con cháu của họ là hạt nhân của đoàn Ba vũ đã hoạt động cầm chừng tại Huế cho đến năm trước 1975” (9). Cũng trong những năm sau khi vua Bảo Đại thoái vị (1945) đến 1975, cùng với việc làm của Từ Cung thái hậu, một số tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước cũng đã có những động thái tích cực nhằm bảo tồn loại hình văn hóa nghệ thuật nhã nhạc cung đình Huế đáng ghi nhận như UNESCO, Viện Bảo tàng quốc gia nghệ thuật Á Đông Guimet Pháp, Trường quốc gia Âm nhạc Huế (Sài Gòn, Việt Nam), Trần Văn Khê, Nguyễn Hữu Ba… Trong đó, đáng lưu ý là dưới sự giúp đỡ của Viện Bảo tàng quốc gia nghệ huật Á Đông Guimet và CNRS (Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp), năm 1962, luận án tiến sỹ “La Musique Vietnamienne traditionnelle” của tiến sĩ Trần Văn Khê đã được Nhà xuất bản PUF Paris (Pháp) cho phát hành. Đây là công trình nghiên cứu riêng về nhã nhạc cung đình Huế dày hơn 100 trang được viết bằng tiếng Pháp được chính thức công bố. Tiếp đến, năm 1969, UNESCO công bố cùng một lúc tại Paris, New York và Cộng hòa Liên bang Đức đĩa hát “Âm nhạc Việt Nam I: Truyền thống Huế” gồm 11 tác phẩm về lễ nhạc, nhạc tôn giáo và nhạc tiêu khiển do hai ông Trần Văn Khê và Nguyễn Hữu Ba sưu tầm và giới thiệu. Năm 1970, một đoàn nghệ nhân Việt Nam do GS Nguyễn Hữu Ba dẫn đầu được mời biểu diễn tại sân khấu Expo ở Nhật Bản; và tại đây, một số bản nhạc và điệu múa cung đình Huế của Việt Nam đã được giới thiệu với người nước ngoài. Đến 1997, Nhà xuất bản Thuận Hóa (Huế) đã công bố cuốn “Âm nhạc cung đình triều Nguyễn” của tác giả Trần Kiều Lại Thuỷ, công trình đầu tiên bằng tiếng Việt đáng chú ý về đề tài này. Đầu năm 2003, một loạt các bài viết mang tính nghiên cứu của nghệ sĩ Trịnh Bách về nhã nhạc cung đình triều Nguyễn đã được công bố và được đánh giá cao. Đến ngày 7.11.2003, tại Paris, Tổng Giám đốc UNESCO Koichiro Matsura đã công bố nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Khắc Dũng
(7): Sau đó, vào triều vua Thiệu Trị (1841 – 1847) còn có một nhà hát riêng của vua và hoàng gia có tên là Tịnh Quan Viên cũng được xây dựng trong Tử Cấm Thành năm 1843, hiện chỉ còn dấu tích trên bản đồ. Tiếp đến, năm 1865, nhà hát Minh Khiêm Đường cũng đã được xây dựng trong khu lăng Tự Đức; hiện nay đã được trùng tu như cũ. Và cuối cùng là nhà hát Cửu Tư Đài của vua Khải Định được xây dựng vào năm 1917 ở phía sau Khải Tường Lâu; đã bị sập trong năm 1947.
(8): Theo trang điện tử của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế: “Duyệt Thị Đường – một địa chỉ bảo tồn và phát huy loại hình di sản âm nhạc cung đình”.
(9): Lê Văn Hảo: Nhã nhạc cung đình Huế - một di sản văn hóa âm nhạc ngàn năm. Tạp chí Xưa và Nay, số 134 – 136. Hà Nội, tháng 2 – 3.2003.

Đọc thêm