Một buổi trợ giúp pháp lý lưu động ở Quảng Ninh |
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, kinh phí bảo đảm cho công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) hiện nay rất hạn chế, lại không thường xuyên. Trước năm 2010, khi nước ta còn là một nước thu nhập thấp, hoạt động TGPL chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ nước ngoài từ các dự án ODA, do vậy có thể triển khai đa dạng các hoạt động TGPL.
Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, các nguồn hỗ trợ của đối tác nước ngoài rất hạn chế, kinh phí cấp cho hoạt động TGPL hoàn toàn do ngân sách địa phương cấp và không ổn định trong các năm nên việc triển khai các hoạt động TGPL còn khó khăn, nhất là cho các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là các vụ việc TGPL.
Đơn cử như việc luật sư tham gia TGPL hiện nay có mức thù lao do Nhà nước trả là rất thấp. Trong khi tại Hoa Kỳ, ở cấp tiểu bang trung bình 1 luật sư TGPL được Nhà nước trả lương thực hiện 300 - 400 vụ tố tụng/năm; Ailen trung bình 1 luật sư được Nhà nước trả lương thực hiện được 113 vụ việc tố tụng/năm; Hàn Quốc trung bình 01 luật sư TGPL được Nhà nước trả lương thực hiện được 561 vụ việc tố tụng/năm; Nam Phi trung bình 01 luật sư TGPL thực hiện được 250 vụ việc tố tụng/năm.
Bên cạnh đó, việc đầu tư kinh phí cho TGPL còn rất thấp. Tổng kinh phí năm 2012 cấp cho hoạt động TGPL cả Trung ương và địa phương chỉ ở mức 110 tỷ đồng (chiếm 0,0033% GDP), trong khi đó ở một số nước trên thế giới, tổng kinh phí cấp cho hoạt động này tương đối lớn.
Báo cáo nghiên cứu về TGPL 09 nước châu Âu của nhóm chuyên gia Hà Lan và chuyên gia của một số nước cho biết, kinh phí Vương quốc Anh dành cho hoạt động TGPL là 1.345.821.888 EUR (chiếm 0,13% GDP), Hà Lan là 333.276.620 EUR (chiếm 0,05% GDP), Ailen là 92.592.201 EUR (chiếm 0,04% GDP), Phần Lan là 63.200.000 EUR (chiếm 0,0328% GDP)…
Mặt khác, còn có tình trạng kinh phí cấp cho TGPL phụ thuộc vào mối quan hệ và nguồn ngân sách hiện có tại địa phương nên không đồng đều và chưa hợp lý giữa các địa phương.
Sức ép từ sự thay đổi
Hiện nay, công tác TGPL đang đặt trong bối cảnh có sự thay đổi về thể chế liên quan đến hoạt động TGPL. Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trong đó ghi nhận quyền bào chữa là một trong những quyền cơ bản của công dân (Khoản 4 Điều 31 Hiến pháp 2013) và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử (Khoản 5 Điều 103 Hiến pháp 2013) tức là phán quyết của Tòa án phải dựa trên kết quả tranh tụng tại Tòa. Như vậy, vai trò của luật sư trong phiên tòa ngày càng quan trọng, góp phần để Tòa án xét xử khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội.
Bên cạnh đó, một số quy định về TGPL được quy định trong các luật mới có hiệu lực thi hành như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Hòa giải ở cơ sở, đòi hỏi cần có sự đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức hệ thống TGPL của Nhà nước, bảo đảm đi đúng trọng tâm, đúng bản chất của TGPL.
Mặt khác, Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ) yêu cầu “đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ của luật sư trong công tác TGPL miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách và các nhiệm vụ chính trị xã hội khác”. Do đó, công tác TGPL cũng đòi hỏi có sự chia sẻ về trách nhiệm xã hội của đội ngũ luật sư trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm đối tượng yếu thế.
Với ý nghĩa là một chính sách giảm nghèo về pháp luật, TGPL được coi là một bộ phận cấu thành của các chính sách giảm nghèo chung của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Nhà nước chỉ có thể gánh vác được một phần, đảm bảo chi phí cho những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến quyền và lợi ích cơ bản của các đối tượng được TGPL, đặc biệt khi các đối tượng này có nguy cơ bị tước quyền tự do.
Bộ Tư pháp nhận định, trong điều kiện kinh phí hạn chế như hiện nay, để thực hiện có hiệu quả, bảo đảm chất lượng của hoạt động TGPL, Nhà nước cần tập trung nguồn lực vào những vụ việc TGPL, nhất là những vụ việc tham gia tố tụng.
Ngày 20/12/2012, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thừa nhận 14 nguyên tắc cơ bản, trong đó nguyên tắc quan trọng quy định TGPL như một thành tố cơ bản của hệ thống tư pháp hình sự. Như vậy, quyền được tiếp cận TGPL là quyền rất quan trọng trong tư pháp hình sự mà Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã khuyến cáo.
Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thì quyền tiếp cận TGPL cũng cần được coi là quyền cơ bản của công dân, bảo đảm bất kỳ người dân nào, không phân biệt giàu hay nghèo đều có quyền có luật sư bảo vệ trong phiên tòa hình sự để được hưởng phiên tòa công bằng.