Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Nhà điều hành sẽ dùng nguồn lực Nhà nước mạnh hơn để xử lý ngân hàng yếu kém. Đặc biệt, sẽ mạnh dạn thí điểm cho phép phá sản ngân hàng yếu.
Lý giải về quan điểm này, Phó thủ tướng nói: "Nếu cứ làm ăn yếu kém rồi lại để Nhà nước lo bằng cách mua lại 0 đồng mãi là không thể được", "Nhà nước không thể cứu mãi các ngân hàng làm ăn yếu kém".
Liên quan đến việc tái cơ cấu doanh nghiệp ông Vương Đình Huệ cũng cho biết: Nhà nước sẽ triển khai quyết liệt hơn, với nhiều giải pháp mới.
“Trước đây cổ phần hóa số lượng doanh nghiệp thì rất nhiều nhưng tổng vốn hóa thì rất thấp. Lần này xác định rõ là với loại 100% (vốn nhà nước) cần giữ thì phải giữ, rồi loại 65% và loại 50%, còn loại dưới 50% thì có thể thoái hết vốn”. – ông nói.
Phó thủ tướng cũng thể hiện quan điểm dứt khoát trong vấn đề cổ phần hóa: Chúng ta thay đổi cơ bản cách thức quản trị. Anh nào đã cổ phần hóa rồi thì dứt khoát phải lên sàn, dứt khoát phải công bố thông tin.
Về quan điểm xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, Phó thủ tướng cho biết: “Doanh nghiệp thua lỗ trước đây thường xin cơ chế nọ kia. Giờ cần phải phân loại rõ, nếu thua lỗ do vấn đề khách quan, khả năng còn tái cơ cấu được thì mới tập trung tái cơ cấu. Doanh nghiệp nào thua lỗ, dự án đầu tư không có hiệu quả thì dứt khoát phải xử lý”.
“Nhà nước không cứu những anh như vậy, phải rõ ràng” - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Về vấn đề ngân sách nhà nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định ưu tiên của Chính phủ là tái cơ cấu thu chi ngân sách để đảm bảo an toàn nợ công.
“Tới đây Bộ Chính trị sẽ ban hành nghị quyết về vấn đề này, nhấn mạnh triệt để tiết kiệm là quốc sách. Quan điểm là chi tiêu phải nằm trong khả năng của nền kinh tế, vay phải trong khả năng trả nợ. Phấn đấu tăng thu để tăng chi, còn nếu thu mà không đạt thì phải giảm chi tương ứng. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính” - ông cho hay.
“Chính phủ, anh em chúng tôi cũng muốn nới trần nợ công để có cái mà tăng trưởng, nhưng chính Chính phủ cương quyết đề nghị giữ nguyên trần nợ công. Vì trần nợ công chỉ là một chuyện thôi, quan trọng là trả nợ mới quan trọng. Năm ngoái nghĩa vụ trả nợ chiếm khoảng 27,5% thu ngân sách, trong khi giới hạn an toàn có 25% thôi.…Trong năm 2016, 2017 có thể trần nợ công bị vượt lên một chút, lý do là tăng trưởng kinh tế thấp xuống một chút. Nhưng dứt khoát phải kéo nợ công xuống dưới 65% GDP” - Phó thủ tướng nói./.