“Ông lớn” Prudential và những cú phốt đầy tai tiếng

(PLO) - Hàng chục khách hàng bị lừa hàng trăm tỷ đồng, bị khách hàng kiện và thua trong nhiều phiên tòa… là những “cú phốt” khiến nhiều người mất lòng tin vào Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam.
“Ông lớn” Prudential và những cú phốt đầy tai tiếng

"Gửi trứng cho ác"!

Nói về Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam thì phải kể đến vụ một đại lý ở Quảng Ninh lừa hàng trăm tỉ đồng xảy ra vào những năm 2009 – 2011. Vụ việc này không những gây chấn động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ Việt Nam mà gây chấn động dư luận thời đó.

Theo đó, vào giai đoạn từ tháng 8/2009 đến 11/7/2011, Bùi Thị Thu Hằng (SN 1984), chủ một đại lý của Công ty bảo hiểm Prudential Quảng Ninh đã vi phạm hợp đồng đại lý, mang tư cách pháp nhân và thương hiệu của công ty này cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên đến 228.885.600.000 đồng.

Đáng chú ý là vào tháng 3/2011, Prudential Việt Nam đã vinh danh Bảng vàng cho Bùi Thị Thu Hằng là một trong 3 “ngôi sao” đại lý của toàn quốc dẫn đầu về doanh thu API.

Để lừa được với số tiền lớn như thế này, Hằng cùng chồng là Nguyễn Văn Hùng và đồng bọn đã kết hợp thành một tổ hợp lừa rất bài bản. Chúng tiếp thị cho người dân mua lại các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của người mua trước hủy ngang để duy trì tiếp những hợp đồng này. Khi hết hạn hợp đồng (thời hạn 25, 30, 35, 45, 60 hoặc 90 ngày) sẽ được hưởng toàn bộ giá trị hợp đồng và được nhận lãi suất 50% đến 53%.

Bằng vai trò đại lý của Prudential, Hằng bịa ra loại bảo hiểm ngắn ngày (90 ngày) gọi là hợp đồng VIP với lãi suất cao. Nhiều người vì không nắm rõ pháp luật, hám lợi đã dính chiêu lừa này. Từ đó, Hằng và đồng bọn đã chiếm đoạt của 59 khách hàng trên địa bàn Quảng Ninh với số tiền 228.885.600.000 đồng.

Gần đây nhất, ngày 20/2/2016, gia đình ông Phan Văn Chí, ngụ ấp Long Thạnh, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang phản ánh việc gia đình ông bị mất trắng 16 triệu đồng khi mua bảo hiểm Prudential.

Theo ông Chí, vào ngày 31/12/2009 và ngày 2/2/2010, thông qua ông Võ Văn Thấn Ba - người bán bảo hiểm này tại địa phương, ông Chí có mua bảo hiểm nhân thọ của Công ty Prudential cho bản thân ông và cháu nội tên Phan Võ Thanh Thư. Theo đó, mỗi hợp đồng mua bảo hiểm này phải đóng 1.029.800 đồng/quý.

Đến ngày 31/3/2011 và ngày 28/08/2013, do ông bị bệnh và con ruột ông bị tai nạn giao thông, ông đã đề nghị xin được cắt hợp đồng, rút tiền ra vì không còn khả năng đóng nữa. Nhân viên đại lý bán bảo hiểm này khuyên gia đình ông nên đóng tiền tiếp để trên 12 tháng mới “rút” tiền ra được.

Ông Chí cố gắng làm theo, đóng đủ tiền 12 tháng nhưng cả người bán bảo hiểm và nhân viên của công ty Prudential (tại thành phố Mỹ Tho) đều phớt lờ yêu cầu của ông Phan Văn Chí. Ông đã nhiều lần đến Văn phòng của công ty Prudential tại TP Mỹ Tho nhưng người có trách nhiệm lại cố tình né tránh.

Không còn cách nào khác, ông Phan Văn Chí phải gửi đơn khiếu nại đến Hội bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng Tiền Giang, nhờ cơ quan này can thiệp. Đến nay công luận vẫn chưa rõ phía công ty Prudential trả lời như thế nào về trường hợp này.

Liên tiếp dính khiếu kiện

Ngoài câu chuyện “trắng tay” vì bị lừa và mòn mỏi đi tìm quyền lợi như đã nói ở trên, Công ty TNHH bảo hiểm Prudential Việt Nam còn nhiều lần bị khách hàng kiện ra toà và phải thua kiện.

Trước đó, ông Hồ Văn Đằng - cha của bà Hồ Thị Thanh Ngoan (1978) ký hợp đồng với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang và có hiệu lực từ ngày 15/11/2003. Đến ngày 11/8/2006, ông Đằng bị bệnh chết, bà Hồ Thị Thanh Ngoan trở thành người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm hợp pháp của ông Đằng.

Bà Ngoan đã yêu cầu Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam có văn phòng đại diện tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trả cho bà tiền bảo hiểm theo hợp đồng 70927726 với số tiền 30.000.000 đồng.

Tuy nhiên, Prudential Việt Nam cho rằng, ông Đằng đã 3 lần vi phạm về thời gian nộp phí, khi khôi phục lại hợp đồng ông Đằng đã không thực hiện đúng việc khai báo đầy đủ tình trạng sức khỏe nên Prudential Việt Nam không đồng ý trả lại số tiền đã nộp từ ngày đó cho đến lần cuối cùng khi ông Đằng chết.

Prudential Việt Nam Chi nhánh An Giang chỉ đồng ý thanh toán số tiền ông Hồ Văn Đằng đã đóng phí bảo hiểm từ khi khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm lần thứ hai đến ngày ông Hồ Văn Đằng chết, cụ thể là 3.921.300 đồng.

Sau 2 lần ra tòa và thỏa thuận tự nguyện, ngoài số tiền phí bảo hiểm 3.921.300 đồng, Công ty TNHH bảo hiểm Prudential Việt Nam Chi nhánh An Giang đã phải hỗ trợ thêm cho bà Hồ Thị Thanh Ngoan tổng cộng (cả phí bảo hiểm và phần hỗ trợ) là 15.000.000 ồng. Ngoài ra, công ty TNHH bảo hiểm Prudential phải chịu thêm số tiền phí bảo hiểm phải thanh toán 3.921.300 đồng và hoàn tiền tạm ứng án phí cho bà Hồ Thị Thanh Ngoan.

Còn tiếp, năm 2004, Prudential còn từng bị thua kiện và phải trả quyền lợi cho khách hàng sau nhiều phiên tòa. Tờ báo vnexpress.net đưa tin, ông Vũ Quang Uông (giáo viên nghỉ hưu, quê Hải Dương), tối 23/3/2002, tại phố Giẽ, xã Tân Trường, Cẩm Giàng, Hải Dương do tránh ôtô đi cùng chiều, đường mưa trơn, ông bị ngã, chân trái bị gãy. Sau khi được điều trị qua nhiều bệnh viện, ngày 6/5/2002, tại Viện quân y 107, ông bị cắt cụt 1/3 cẳng chân trái do nhiễm trùng hoại tử phần mềm.

Trước đó, ông Uông đã mua 4 hợp đồng bảo hiểm của Prudential. Sau khi bị tai nạn, ông yêu cầu công ty bảo hiểm trả tiền theo thỏa thuận đã ký. Prudential không chấp nhận nên ông Uông khởi kiện ra TAND tỉnh Hải Dương. Cuối tháng 6/2004, vụ kiện được Hội đồng xét xử tuyên Prudential phải bồi thường 750 triệu đồng cho nguyên đơn. Cho rằng bản án không thoả đáng, Prudential chống án.

Ngày 16/12/2004, phiên phúc thẩm được mở và Hội đồng xét xử giữ nguyên án sơ thẩm, thậm chí còn buộc Prudential phải trả thêm trên 120 triệu đồng là khoản lãi phát sinh từ số tiền mà bị đơn phải bồi thường theo phán quyết của TAND tỉnh Hải Dương trước đó.

Mới đây, theo nguồn tin từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong 9 tháng đầu năm 2016, Cục đã tiến hành thanh tra 6 cuộc và kiểm tra 8 cuộc tại một số công ty kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ, cũng như các công ty môi giới bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam.

Qua thanh tra, kiểm tra đoàn đã phát hiện những vi phạm trong công tác hạch toán kế toán, xử lý về mặt tài chính…

Cụ thể, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không chấp hành đúng quy định về việc tách quỹ chủ sở hữu, quỹ chủ hợp đồng; vi phạm việc trích lập dự phòng nghiệp vụ; công tác chăm sóc, chi trả quyền lợi bảo hiểm; công tác quản lý đại lý; chi hoa hồng đại lý; công tác theo dõi, hạch toán công nợ; công tác hạch toán kế toán…

Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm: chưa chấp hành chưa đúng nội dung, phạm vi hoạt động theo giấy phép, hoạt động môi giới bảo hiểm ngoài địa bàn quy định, hoạt động môi giới không có thỏa thuận bằng văn bản với bên mua bảo hiểm…

Phước Long – Tố Vân (tổng hợp)

Đọc thêm