Dự án đăng ký thì nhiều mà triển khai thì ít. Càng ngày, niềm hy vọng của người thu nhập thấp càng nhạt dần…
Nhà ở xã hội, "giấc mơ" xa xôi
Vốn – mấu chốt khó gỡ
Đến nay, có tới hơn 200 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở công nhân khu công nghiệp được đăng ký. Thế nhưng, số lượng dự án được khởi công không nhiều. Theo số liệu Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cả nước hiện có 33 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp (tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng) và 24 dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp (tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng) đã được khởi công.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, có khoảng 130 dự án nhà ở thu nhập thấp và 71 dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp có nhu cầu vay vốn. Việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho các đối tượng này không được “khởi sắc”, bởi đồng vốn – một mấu chốt chính của các dự án bất động sản (BĐS) – lại không được Nhà nước đầu tư.
Ông Nam cho hay, hiện Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam thí điểm cho vay ưu đãi đối với các dự án tại một số địa phương trọng điểm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ thống nhất thoả thuận giải quyết cho vay vốn ưu đãi được đối với 32 dự án nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị và 11 dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp.
Khi nào cung thỏa mãn cầu?
Các nguồn vốn huy động khác như vốn vay của các tổ chức tín dụng trong nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài (FDI), vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế (ODA)... đang tiếp tục được tìm kiếm, bổ sung để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Thế nhưng, kiếm tìm nguồn vốn cho BĐS nói chung không hề phải là chuyện dễ dàng. Điều đó lại càng khó khăn hơn đối với các dự án mang tính chính sách, an sinh. Nhiều chủ đầu tư cũng thổ lộ, việc chưa có cơ chế quản lý, kinh doanh rõ ràng cho loại nhà này cũng chính là một trong những lý do khiến họ ngại chuyện đi “lùng” vốn.
“Thị trường nhà ở phân khúc này sẽ cực kỳ thu hút ở các khu đô thị, nhưng ở đó, việc tìm được mặt bằng sạch vô cùng khó khăn, dù là DN tự vận động hay trông chờ vào quỹ đất GPMB. Cộng với việc quyền hạn bị chi phối trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và nguồn vốn hạn chế, khả năng thu hồi vốn lâu, đến nay, chúng tôi đang phải treo dự án đã đăng ký và có nguy cơ thất hứa” – một chủ đầu tư nói.
Tới lúc này, đa phần dự án nhà ở thu nhập thấp được cung cấp ra thị trường đều ở các khu vực đất “rẻ”, từ các chủ đầu tư là DN nhà nước có quy mô lớn và trường vốn, có số lượng dự án thương mại lớn gấp nhiều lần số lượng nhà ở xã hội đã và đang xây dựng. Thế nên, nguồn cung vài ngàn căn trên khắp cả nước vẫn còn ít ỏi vô cùng so với cả triệu người có nhu cầu. “Từ niềm hy vọng có chỗ ở, tới nay, tôi thấy chỉ các công chức trẻ mới có hy vọng, còn đa phần người lao động trẻ như chúng tôi cũng chẳng dám mơ nữa” – anh Đỗ Xuân Dương – cán bộ một Cty chứng khoán nhỏ - phàn nàn.
Gần 3 năm kể từ khi chủ trương xây dựng nhà ở xã hội được các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá rộng rãi, gợi nên một “đợt sóng” hy vọng được thụ hưởng chính sách này, tới nay, mới chỉ có một phần nhỏ chủ trương trở thành thực tiễn.
Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM – hai thị trường BĐS cơ bản của cả nước – cơ chế quản lý nhà ở xã hội không đầu tư bằng ngân sách nhà nước còn chưa được xây dựng xong. Mặt bằng sạch cho các dự án này vẫn là cả vấn đề lớn. Nguồn vốn từ đâu vẫn còn là bài toán loay hoay giải mãi là chưa có đáp số.
Có lẽ, việc người thu nhập thấp được có nhà ở sẽ còn phụ thuộc vào quyết tâm giải quyết tới cùng của cơ quan chức năng, quyết tâm đồng hành tới cùng của DN và quyết tâm hy vọng tới cùng của chính những người thu nhập thấp.
Bách Nguyễn