Hà Nội vẫn tồn tại 191 trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo. Những người phụ trách trực tiếp cho biết công tác xử lý khó có thể hoàn thành đúng thời hạn UBND TP giao vì “thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng”.
Mặc dù chính quyền thành phố đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm, nhưng còn gần 200 trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” vẫn sừng sững bên các con phố làm méo mó diện mạo đô thị Thủ đô và gây nguy hiểm cho người dân sinh sống tại đây.
Dạo qua các con phố như: Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Quốc lộ 32, Mai Dịch…, du khách đến Hà Nội vẫn có thể “tham quan” những ngôi nhà kì dị với đầy đủ các hình thù từ hình hộp dẹt, hình bình hành, hình tam giác và cả những hình thù... chẳng ra hình gì.
Đáng ngại là nếu tình hình không được xử lý triệt để, thì sẽ vẫn tiếp tục mọc thêm những “kiệt tác” kiến trúc kiểu này. Tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương, 4-5 ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo vừa được quét vôi ve hoàn thành; gần đó, tại ngã tư Khuất Duy Tiến với đường Nguyễn Trãi mới hoàn thành cũng san sát nhà siêu mỏng, siêu méo, nhiều căn nhà mặt phố có chiều ngang 2m cũng được xây dựng tới 4-5 tầng, ban công, biển quảng cáo đua nhau lấn chiếm vỉa hè…
|
Chủ hộ ở số nhà 83 Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội) - anh Tuấn, chia sẻ, nhà anh có gần 1m đất mặt tiền để mở tiệm cắt tóc. “Hiện tại giá 1m2 đất mặt tiền ở đường Trần Đăng Ninh rơi vào 200 triệu đồng/m2, liệu khi thu hồi thì cơ quan chức năng có đền bù đúng theo mức giá thực tế?. Vợ chồng con cái chúng tôi đều không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập của cả gia đình đều trông chờ vào quán cắt tóc”. |
Trên tuyến đường 32, sau khi hoàn thành dự án nâng cấp, tên gọi “con đường đau khổ” đã được rũ bỏ, thế nhưng lại có nguy cơ bị gọi tên là “phố siêu méo”.
Dọc tuyến đường cửa ngõ phía tây của Thủ đô có tới vài chục ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” đang khẩn trương được xây dựng hoặc mới hoàn thiện chưa kịp đề số nhà. Dọc hai bên đường, rất nhiều ngôi nhà đều thuộc diện không đủ tiêu chuẩn xây dựng, có ngôi nhà chiều sâu chỉ hơn một mét, chiều dài chưa đầy 3m, phía trên được cơi nới ra hai bên, nhìn không khác những “chuồng chim câu” giữa phố. Kiến trúc ở Hà Nội đang trở nên xập xệ, phi thẩm mỹ hơn bao giờ hết.
Những ngôi nhà có diện tích siêu nhỏ trên các phố thường được tận dụng để làm các cửa hàng kinh doanh đơn giản: Bán báo, bán sim thẻ điện thoại, bán mũ bảo hiểm… Mục đích lớn nhất của các hộ dân này là “giữ đất” để đợi bồi thường cao hoặc ép các gia đình phía sau phải mua với giá như họ mong muốn.
Cần 450 tỷ đồng
Trong số gần 400 nhà siêu mỏng, thành phố đã xử lý được khoảng 200 trường hợp, hiện còn 191 nhà tại 9 quận, huyện. Cùng với đó, Hà Nội cũng xử lý 142 cán bộ liên quan, trong đó khiển trách 44 người, cảnh cáo 30 người, cách chức 4 người, buộc thôi việc 5 người... "Thành phố lập lại kỷ cương nên đội ngũ cán bộ quận, huyện, phường, xã có chuyển biến ý thức, quản lý chặt, xử lý cương quyết hơn. Đã có khoảng 10% cán bộ bị xử lý, song đổi lại cán bộ hiện hoạt động tích cực hơn, không né tránh xử lý vi phạm", ông Trần Đức Học – Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nói.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng đưa ra nhiều vấn đề khó khăn khi giải quyết các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo”, như các cấp chính quyền vào cuộc còn chậm, lúng túng trong việc giải quyết và xử lý chưa quyết liệt, chưa đáp ứng được tiến độc thành phố đề ra. Ngoài ra, việc hợp khối các thửa đất “siêu mỏng” còn khó khăn, một số hộ muốn hợp khối nhà nhưng không hợp thửa đất cũng chưa được chính quyền giải quyết. Với các thửa đất trong diện thành phố thu hồi, kinh phí đền bù rất lớn, như quận Ba Đình tạm tính thu hồi 36 trường hợp, kinh phí đã lên tới gần 450 tỷ đồng.
"Mỗi quận cần ít nhất 5 tỷ đồng, quận nhiều nhất như Ba Đình cần tới 450 tỷ đồng. Với 148 trường hợp siêu mỏng cần thu hồi thì cần số tiền rất lớn", ông Học nói.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết, các quận, huyện lúng túng khi không biết sử dụng phần thu hồi đất để làm gì, có khu vực đã có nhiều bảng tin nên không thể làm thêm, cũng không thể làm chỗ để xe máy, không được sử dụng làm vỉa hè, cây xanh.
Đề cập việc hợp khối các thửa đất, ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng, theo quy định nhà diện tích dưới 15 m hoặc 3 m chiều rộng thì người dân không được phép xây dựng. Bản chất hợp khối phải quy về một chủ. Tuy nhiên, với các hộ dân mong muốn hợp khối song vẫn 2 chủ thì cần phải xác định tùy từng trường hợp, ngôi nhà đó có hợp với kiến trúc cảnh quan không hay là tồn tại trá hình. Hợp khối một ngôi nhà có hai chủ không phải là chủ trương của thành phố.
Như Trang