Thuyền thuyết nhà tu hành hiến thân
Chùa Tổ đỉa được khởi tạo vào năm 1768. Chùa có tổng diện tích hơn 12 ngàn m2. Ngôi chùa không chỉ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển 300 năm TP Thủ Dầu Một mà trong tâm thức người dân, chùa Tổ đỉa còn mang giá trị tâm linh. Sự hình thành cổ tự này gắn với giai thoại nhà sư Thiện Hiếu đã hiến mình cho con đỉa để nhân dân yên ổn sinh sống.
Theo sử lưu, sư thầy Thiện Hiếu vốn xuất gia tu hành tại một ngôi chùa ở quận Thủ Đức, sau đó đi hành đạo khắp nơi. Ngài đến khai lập chùa Linh Sơn ở núi Điện Bà (Tây Ninh) vào năm 1763. Từ Linh Sơn tự, nhà tu hành xuôi về vùng đất Thới Hòa (huyện Bến Cát). Thấy cảnh vật thanh tịnh, đồng ruộng thoáng mát nên ông dừng chân nghỉ mát dưới gốc cây trâm ở ven đường.
|
Hòa thượng Thích Hồng Long kể lại truyền thuyết chùa Tổ đỉa |
Trụ trì đời thứ 9 chùa Tổ đỉa, Hòa thượng Thích Hồng Long (SN 1952) kể: “Thiền sư Thiện Hiếu thuộc bậc chân tu có công vun đắp cho nền phật giáo miền Nam. Khi đó ngài ngồi thiền trong am nhỏ dưới gốc Trâm. Trước am là vùng đầm lầy (tiếng địa phương gọi là đìa nước) mênh mông, đất đai phì nhiêu nhưng người dân không dám đến khai phá vì đỉa nơi đây rất nhiều.
Cứ mỗi khi ngài đến, dân làng lại cầu xin ngài dùng phép nhiệm mầu nhà Phật cứu giúp, ngài trả lời không có phép mầu như nhiều người vẫn thường ảo tưởng. Nhưng ngài hứa sẽ dùng thân xác mình hóa kiếp cho loài đỉa, để chúng không còn quấy phá con người nữa”.
Thấy dân chúng khổ cực, nghèo đói chỉ vì con đỉa, trâu bò còn không dám xuống ruộng ăn cỏ cũng vì sợ đỉa cắn, nhà tu hành thành tâm nguyện đức Như Lai được hiến thân cho bầy đỉa hút máu giúp dân chúng được yên ổn.
Sau lời phát nguyện, vị sư chắp tay ngồi bất động giữa đồng nước hiến thân xác cho bầy đỉa tự do bu bám.
“Theo sử chùa ghi chép, có hàng ngàn con đỉa bâu đến cắn nhưng ngài vẫn ngồi im. Trong bầy đỉa xuất hiện một con rất to, toàn thân màu trắng (đỉa chúa) không chịu cắn phía dưới mà bò lên tận đầu ngài để hút máu. Ngài vẫn thiền định, chỉ tụng niệm thần chú”, Hòa thượng Hồng Long kể.
|
Bảng ghi lịch sử di tích ở chùa Tổ đỉa |
Trong chốc lát, con đỉa trắng bỗng dưng lăn ra chết, những con khác cũng chết theo, sau đó vị sư viên tịch. Điều kì lạ rằng, từ sau ngày hôm đó, vùng đồng ruộng nơi đây không còn bất kì con đỉa nào nữa.
Từ đây, người dân yên ổn khai phá vùng đất màu mỡ cho đến bây giờ. Để tỏ lòng nhớ ơn vị thiền sư, dân làng quyên góp lập ra chùa thờ tự ông với tên gọi Long Hưng cổ tự. Chùa còn có tên Tổ đỉa, ý nói ngày trước vùng đất cổ tự toạ lạc là tổ đỉa khổng lồ.
Nhắc lại bậc tiền bối, Hòa thượng Hồng Long cho biết cố tổ sư thuộc cao tăng đời thứ 38 phái Thiền Lâm Tế. Danh tiếng thiền sư Thiện Hiếu vang khắp nơi, phật tử từ các tỉnh tụ họp về chùa Tổ đỉa khấn nguyện tỏ lòng kính phục nhiều vô kể. Nhưng không hiểu tại sao, ngài không thu nạp đệ tử nào.
Bom đạn cày nát chùa nhưng biết “né” người
Sự linh thiêng ở chùa Tổ đỉa được người dân khu vực Tân Định kể lại với lòng tự hào, dù đó là những câu chuyện thực hư chưa thể kiểm chứng. Trong lịch sử, ngôi chùa từng là nơi nuôi giấu cán bộ thời kì kháng chiến chống Pháp, Mĩ.
Ông Trần Văn Liêm (SN 1945, ngụ ấp 4, Tân Định) kể: “Giặc Mỹ biết nhà chùa nuôi giấu cán bộ nhưng không thể nào lùng tìm được. Thế là chúng quyết định ném bom hủy diệt cả chùa lẫn người”. Ông Liêm nhớ rõ thời điểm diễn ra vụ ném bom nhằm ngày 19/9/1966.
Ông kể tiếp: “Một buổi sáng, khi người dân trai gái, già trẻ đang ẩn nấp trong chùa thì máy bay ập đến. Chúng ném 5 quả bom vào chùa, một quả đã rơi trúng chánh điện khiến toàn bộ ngôi chùa sập đổ hoàn toàn”.
Tuy nhiên cho tới bây giờ, ông không thể lý giải được tại sao quả bom rơi ngay chánh điện có rất nhiều người, tượng phật bay tứ tung nhưng người dân không ai bị thương vong, chỉ có người phụ nữ bị trầy xước ở tay. Điều này khiến người dân càng tin tưởng vào sự linh nghiệm che chở của chốn phật pháp. Họ tin rằng đức độ của thiền sư Thiện Hiếu đã hiển linh che chở cho người dân thoát nạn.
Ngôi chùa sau khi trúng bom, được dân làng chung sức trùng tu. Đến năm 1988, chùa được trùng tu một cách quy mô. Đáng tiếc, do sự tàn phá của chiến tranh, chánh điện cũ đã không còn. Hiện nay, ngôi chùa không to lớn như các ngôi chùa khác nhưng vẫn giữ được vẻ trang nghiêm, cổ kính. Đến năm 2001, chùa Tổ đỉa được đại trùng tu và được tỉnh Bình Dương công nhận là di tích cấp tỉnh.
|
Ụ mối hình quan âm ngồi tòa sen người dân cúng dường |
Cũng bởi tỏ lòng tôn kính với vị thiền sư hiến thân đổi lấy bình yên cho xóm làng, người dân cúng dường không ít các bảo vật quý hiếm. Một trong những bảo vật độc đáo được phật tử dâng lên là ụ mối có hình quan âm an toạ trên tòa sen.
Sư trụ trì Hồng Long xác nhận: “Ụ mối này tự nhiên đụn lên trong nhà của phật tử, không lý giải được hiện tượng lạ, họ đến nhờ nhà chùa xem giúp. Sau đó gia đình nọ có ý dâng phật, nguyện làm việc thiện”. Cùng với ụ mối mang hình Quan thế âm, gia đình phật tử này sau khi dời nhà đã mang đến hiến tặng nhà chùa hai bức tượng, một tượng Võ Tòng đả hổ và tượng Hai Bà Trưng cưỡi voi.
Mỗi ngày chùa Tổ đỉa thu hút rất nhiều khách thập phương đến lễ bái, khấn nguyện. Du khách đến chùa được hòa mình vào không khí trong lành với khuôn viên đầy cây xanh và rộng lớn, không gian tĩnh lặng, yên bình lạ thường./.