Từ tháng 3, lợi dụng việc điện, nước sinh hoạt tăng giá, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã “té nước theo mưa” tăng giá cho thuê phòng trọ 30 - 45% so với trước. Không có đủ tiền, nhiều sinh viên đã bị chủ nhà trọ đuổi ra đường, lấy lại phòng trọ cho người khác thuê. Sinh viên đối mặt với “bão giá” Ngày 2/3, Trần Văn Quyết, sinh viên khoa Xây dựng, trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng, bị chủ nhà đuổi ra đường chỉ vì thiếu tiền đóng trọ. Quyết cho biết, từ tháng 5.2010 đến nay, mặc dù đã phải mất 700.000 đồng một tháng để thuê phòng nhưng Quyết đã phải 4 lần thay đổi phòng trọ. Mỗi lần giá cả leo thang, chủ nhà lại tăng giá thêm 50.000 đồng. “Gia đình khó khăn nên chỉ có thể chu cấp được 1.000.000 đồng một tháng, không còn cách nào khác em phải rủ thêm 2 bạn khác thuê chung phòng với giá rẻ hơn”, Quyết tâm sự. Trong thời gian tới, nếu 2 khu KTX tập trung đi vào hoạt động cũng chỉ giải quyết được 1/10 chỗ ở cho sinh viên theo học ở Đà Nẵng.
Trong thời gian tới, nếu 2 khu KTX tập trung đi vào hoạt động cũng chỉ giải quyết được 1/10 chỗ ở cho sinh viên theo học ở Đà Nẵng |
Bạn Phạm Thị Ánh, sinh viên năm 3 trường ĐH Đông Á, cho hay: “Lợi dụng giá cả sinh hoạt leo thang, nhiều chủ nhà đã tăng giá một cách quá đáng. Nếu tăng giá thì cũng phải tăng từ từ, chứ tăng đột ngột vậy chẳng khác nào bắt chẹt sinh viên". Theo Ánh, dãy trọ tại khu vực gần chợ Đống Đa có 20 phòng. Từ tháng 3 đến nay, mỗi phòng tăng 100.000 đồng, giá nước cũng tăng từ 15.000 đồng lên 30.000 đồng một người một tháng. Chưa dừng lại ở đó, các chủ trọ cũng tăng từ 1.500 đồng lên 3.000 đồng một số điện. “Không chịu nổi việc tăng giá, từ đầu tháng 3 đến giờ đã có nhiều bạn phải khăn gói tìm nhà trọ khác”, Ánh cho biết. Theo tìm hiểu, hiện có đến 80% chủ nhà có phòng trọ cho sinh viên thuê ở các khu vực gần các trường ĐH như: Kinh Tế, Sư Phạm, Duy Tân, Đông Á… đã điều chỉnh tăng giá 50.000 - 250.000 đồng một phòng phòng.Thiếu ký túc xá trầm trọng Hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng có 7 trường thành viên của ĐH Đà Nẵng, 3 trường dân lập (ĐH Duy Tân, ĐH Đông Á, ĐH Kiến trúc) và 11 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp, công nhân kỹ thuật với gần 150.000 học sinh, sinh viên. Do đó, vấn đề phòng trọ cho sinh viên đang là bài toán nan giải. Để giải bài toán này, UBND thành phố Đà Nẵng đã triển khai xây dựng 2 khu ký túc xá tập trung quy mô lớn tại phía Nam Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu và phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Dự án ký túc xá sinh viên tại quận Liên Chiểu có tổng kinh phí 110 tỷ đồng được xây dựng trên diện tích 25.358m2 với 736 phòng, tổng sức chứa khoảng 6.000 sinh viên. Dự án này dự kiến hoàn thành cuối năm 2010, nhưng đến này vẫn chưa xong. Còn khu ký túc xá thuộc khu dân cư Nam cầu Tuyên Sơn có tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng, dự kiến khi hoàn thành (khoảng tháng 5.2011) sẽ đáp ứng 3.200 chỗ ở cho sinh viên. Tuy nhiên, theo lãnh đạo trường ĐH Đà Nẵng, sau khi hai khu KTX trên (với sức chứa 10.000 sinh viên) đi vào hoạt động, cùng với tất cả các KTX hiện có trên địa bàn cũng chỉ giải quyết được 1/10 chỗ ở cho SV. Ông Ngô Quang Mỹ, Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng tính toán, mỗi sinh viên phải tốn ít nhất 1,2 - 1,5 triệu đồng cho tiền thuê nhà, tiền điện, nước, tiền ăn một tháng. Gần đây, giá nhà trọ leo thang khiến nhiều sinh viên đã khó về chỗ trọ nay lại càng khó hơn. Để giúp sinh viên vượt cơn “bão giá”, bà Trần Phương Chi, Phòng Chăm sóc sinh viên, Trường ĐH Đông Á cho biết trước mắt nhà trường đang vận động các nhà trọ không tăng giá cho thuê phòng. Còn Đoàn trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đang phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm, liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để tạo cơ hội tìm việc cho sinh viên.
Theo Nguyên Vũ
Đất Việt
Đất Việt