Nhà trường và doanh nghiệp liên kết đào tạo

Thời gian qua, các trường ĐH, CĐ đã bắt tay với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo sinh viên, nhằm cung ứng cho thị trường lao động một nguồn nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên”. Đây là mô hình bước đầu cho thấy đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, giúp các đơn vị sử dụng lao động hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phải đào tạo lại lực lượng sinh viên mới ra trường.

Thời gian qua, các trường ĐH, CĐ đã bắt tay với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo sinh viên, nhằm cung ứng cho thị trường lao động một nguồn nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên”. Đây là mô hình bước đầu cho thấy đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, giúp các đơn vị sử dụng lao động hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phải đào tạo lại lực lượng sinh viên mới ra trường.

Sinh viên được cọ xát thực tế

Mô tả ảnh.
Sự “bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều sinh viên sau khi ra trường có việc làm ngay. Trong ảnh: Ngân hàng HD Bank tuyển dụng sinh viên Trường ĐH Kinh tế ngay sau khi tốt nghiệp.

Để có được nguồn nhân lực có trình độ và thạo nghề về làm việc, những năm gần đây, Công ty cổ phần Dinco đã “đặt hàng” bằng cách cấp học bổng hằng năm từ 70-80 triệu đồng tài trợ chi phí học tập cho khoảng 7, 8 sinh viên ưu tú (từ năm thứ 3 trở đi) của khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Không chỉ thế, công ty còn tạo điều kiện cho những sinh viên chưa hội đủ điều kiện nhận học bổng về làm việc bán thời gian tại công ty. Ông Lê Trường Kỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Dinco cho biết: Được cọ xát thực tế tại công ty, làm việc trực tiếp với các chuyên gia…, những sinh viên này sẽ có cơ hội hình thành các kỹ năng chuyên ngành và kỹ năng mềm. Sau khi tốt nghiệp ra trường, các em có thể tiếp cận công việc ngay và công ty không phải mất nhiều thời gian để đào tạo lại.

Cùng với việc phối hợp với một số trường ĐH triển khai hợp tác những chương trình như góp ý cho giáo trình mới, tổ chức hội thảo về kỹ thuật do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm, gửi giảng viên sang truyền đạt môn học mới về ngành bán dẫn…, Công ty TNHH Thiết kế Renesas Việt Nam cũng đã tiếp nhận sinh viên về thực tập dài hạn tại công ty. Lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho hay: Mỗi năm, Renesas tiếp nhận khoảng từ 40-60 sinh viên nhà trường đến thực tập, kiến tập. Ngoài việc được thực tập trong môi trường chuyên nghiệp và tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến, sinh viên còn được giao và hướng dẫn thực hiện các đề tài thực tập, được hưởng trợ cấp thực tập, được ưu tiên tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp…

Nhằm tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng tốt, xu hướng các doanh nghiệp hiện nay là chủ động góp sức tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của đơn vị mình. Mới đây, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Khu Kinh tế Dung Quất) đã ký kết với Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng về chương trình liên kết đào tạo sinh viên ngành Hàn và Cơ khí chế tạo. Theo đó, phía Công ty Doosan sẽ chịu trách nhiệm đào tạo thực hành cho sinh viên, tiếp nhận học sinh tốt nghiệp vào làm việc tại công ty, cấp học bổng cho sinh viên khá giỏi của các lớp nằm trong chương trình liên kết đào tạo. Với việc liên kết đào tạo này, nhà trường có điều kiện tận dụng cơ sở vật chất của doanh nghiệp, giúp sinh viên tiếp cận nhanh chóng với công nghệ; còn doanh nghiệp có nguồn nhân lực phù hợp với đặc thù công việc của mình.

Doanh nghiệp tham gia đào tạo sinh viên

Thời gian qua, Công ty Silicon Design Solutions (SDS) tại Đà Nẵng đã hợp tác với khoa Điện tử-Viễn  thông, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng trong quá trình đào tạo sinh viên. Theo đại diện SDS, hiện trạng lực lượng kỹ sư có kinh nghiệm về vi mạch còn khá mỏng và ngành công nghiệp vi mạch còn hạn chế là hai nguyên nhân thúc đẩy công ty hợp tác với các cơ sở đào tạo để tìm nguồn nhân lực có chất lượng. Bên cạnh việc tiếp nhận sinh viên năm cuối về thực tập có hỗ trợ lương, hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho sinh viên, SDS còn có kế hoạch hỗ trợ cho nhà trường trong việc tăng tính ứng dụng thực tế trong quá trình giảng dạy, thông qua các buổi báo cáo chuyên đề chuyên sâu, giới thiệu những xu hướng hoặc công nghệ mới, tài trợ nghiên cứu khoa học…

Tương tự, Công ty cổ phần Thủy điện A Vương cũng đã có cam kết với Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng về nhu cầu nguồn nhân lực, cùng với nhà trường xây dựng chương trình thực tập hằng năm cho sinh viên các ngành quản lý dự án, xây dựng, kỹ thuật Điện-Điện tử… Cùng với đó, công ty còn tạo điều kiện cho giảng viên tham gia thực tập ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu, hỗ trợ tài liệu công nghệ chuyên ngành và các công cụ phần mềm, thiết bị liên quan có thể phục vụ cho việc đào tạo, hợp tác khoa học, chuyển giao công nghệ…

Lãnh đạo một số trường ĐH, CĐ cho rằng, trong điều kiện ở Việt Nam chưa có nhiều mô hình trường học của công ty, do công ty sáng lập như một số nước tiên tiến trên thế giới đã làm, thì cách tốt nhất để doanh nghiệp có nguồn nhân lực đạt chất lượng theo yêu cầu là nên chủ động bắt tay với nhà trường, ký kết hợp đồng đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên các trường đến thực tập. Qua quá trình tham gia đào tạo này, doanh nghiệp phát hiện người tài để có kế hoạch hỗ trợ, bồi dưỡng tiếp hoặc cam kết tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp với những điều kiện cụ thể hơn, nhằm đỡ tốn kém chi phí, thời gian đào tạo lại.

Bài và ảnh: Phương Chi

Đọc thêm