Nhà văn Đình Kính: Không có người viết trẻ tài năng lấy văn chương làm sự nghiệp, làm sao có nhà văn trẻ?

Tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8, nhà văn Đình Kính, Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc trò chuyện với nhà văn về vị thế và những đóng góp của văn học Hải Phòng vào nền văn học cả nước.

Tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8, nhà văn Đình Kính, Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc trò chuyện với nhà văn về vị thế và những đóng góp của văn học Hải Phòng vào nền văn học cả nước.

- Ông suy nghĩ như thế nào khi lần đầu tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam?

 - Được Đại hội bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam là niềm vui, nhưng lo nhiều hơn. Nói thế vì tôi biết, hội viên rất kỳ vọng Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa này có thể tạo ra sự thay đổi khiến hoạt động của Hội cởi mở hơn, sôi động, thiết thực hơn. Từ những thay đổi đó tạo không khí và điều kiện sáng tác, góp phần giúp hội viên cho ra  nhiều tác phẩm hay. Liệu Ban chấp hành có đáp ứng được nguyện vọng của anh em không là suy nghĩ khiến tôi băn khoăn khi được tín nhiệm. Vào Ban chấp hành của Hội, mình không chỉ đại diện cho hội viên Hải Phòng, mà còn đại diện cho hội viên 23 tỉnh thành miền Bắc nên càng lo hơn.

- Mối quan tâm lớn nhất của Đoàn nhà văn Hải Phòng khi tham dự Đại hội là gì?

 - Ngoài việc giao lưu, gặp gỡ, trao đổi với bạn bè, mối quan tâm nhất của đoàn nhà văn Hải Phòng cũng giống như các đoàn nhà văn các tỉnh, thành phố khác là làm sao để có tác phẩm hay và bầu được Ban chấp hành đủ số lượng và đủ năng lực gánh vác công việc của Hội.

Nhà văn ĐÌnh Kính
Nhà văn ĐÌnh Kính

­- Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng và Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng, ông đánh giá thế nào về vị trí của văn học Hải Phòng?

- Hải Phòng là vùng đất đóng góp cho nền văn học nước nhà nhiều văn sĩ tên tuổi. Thế Lữ, Văn Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi … đều thành danh tại vùng đất này. Hải Phòng cũng là quê hương của Trần Tiêu, Khái Hưng, Hoàng Công Khanh, Lê Đại Thanh… và là nơi Nguyên Hồng sống và làm việc. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Phòng có một đội ngũ các nhà văn đáng được nể trọng. Về thơ, có Thanh Tùng, Trúc Chi, Thi Hoàng, Đào Cảng, Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Tùng Linh, Phạm Ngà, Trịnh Hoài Giang… văn xuôi có Nguyễn Khắc Phục, Lê Điệp, Lưu Văn Khuê, Đoàn Lê, Chu Văn Mười, Cao Năm, … Nhiều người trong số ấy tiếp tục sáng tác và có nhiều tác phẩm được bạn đọc biết đến, là lực lượng sáng tác nòng cốt và sung sức của thành phố Cảng.

Hiện, Hải Phòng là địa phương có số nhà văn Việt Nam đông thứ ba cả nước (chỉ đứng sau Hà Nội và TP Hồ chí Minh). Số lượng hội viên đông đã quý, nhưng điều làm nên vị thế  văn chương Hải Phòng lại nằm ở giá trị tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Hải Phòng. Những nhà văn, nhà thơ Bão Vũ, Mai Văn Phấn, Dư Thị Hoàn, Vũ Thị Huyền… đã góp phần làm nên diện mạo văn học Hải Phòng thời đổi mới.

- Trẻ hóa đội ngũ sáng tác là vấn đề rất được quan tâm tại Đại hội lần này. Theo ông, vấn đề này tại Hải Phòng hiện nay như thế nào?

 - Vấn đề trẻ hóa đội ngũ sáng tác, không phải chỉ đến Đại hội các nhà văn lớp trước mới quan tâm mà đây là mối quan tâm thường xuyên của Hội. Nhìn vào hội trường Đại hội, thấy phần lớn các nhà văn từ 50 đến 80 tuổi, trong 922 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chỉ có 17 hội viên dưới 40 tuổi, băn khoăn lắm! Nhưng điều này không chỉ phụ thuộc vào Hội nhà văn. Không có người sáng tác trẻ tài năng lấy việc viết văn làm sự nghiệp của mình và dám hy sinh vì nó, làm sao có nhà văn trẻ?

 Hội Nhà văn Hải Phòng cũng trong tình trạng đó. Hàng năm, Hội Nhà văn Hải Phòng nhận được không dưới 20 đơn xin gia nhập hội. Nhưng trong số đó, rất hiếm những người dưới 50 tuổi. Phần lớn đã trên dưới 60, chủ yếu sinh hoạt trong các câu lạc bộ. Đây là điều đáng báo động về đội ngũ sáng tác kế cận. Hội chỉ là chất xúc tác, là ngoại lực nhỏ nhoi, còn việc sáng tác là nội lực, tài năng và sự đam mê, sự dấn thân nơi mỗi người viết. Không có điều đó, không có tác giả.

- Hải Phòng hiện có không ít nhà văn, nhà thơ xuất bản tác phẩm ra nước ngoài. Sáng tác của các nhà văn Hải Phòng cũng tạo được tiếng vang trên văn đàn cả nước. Tuy nhiên, công chúng tại thành phố dường như không mấy mặn mà tìm đọc các tác phẩm của các nhà văn Hải Phòng. Theo ông, chúng ta phải làm gì để kéo công chúng về với văn học thành phố?

- Hiện thực đó là tình trạng chung của văn học cả nước, không riêng Hải Phòng. Nhưng văn hóa đọc sẽ không bao giờ mất. Để kéo công chúng về với văn học nói chung, văn học Hải Phòng nói riêng, không có biện pháp nào khác là phải có nhiều tác phẩm hấp dẫn và hay.

 Xin cảm ơn nhà văn!

 Hồng Châm

Đọc thêm