Nhạc phim truyền hình Việt vẫn chưa “chuyên nghiệp”

Nhạc phim – một trong những yếu tố góp phần tạo nên dấu ấn của bộ phim trong lòng khán giả. Tuy nhiên trong khi những bộ phim truyền hình của chúng ta đang được thực hiện ồ ạt thì có lẽ nhạc phim cũng đang được ra đời một cách thiếu sự đầu tư từ phía nhà làm phim và cả nhạc sĩ.

Nhạc phim – một trong những yếu tố góp phần tạo nên dấu ấn của bộ phim trong lòng khán giả. Tuy nhiên trong khi những bộ phim truyền hình của chúng ta đang được thực hiện ồ ạt thì có lẽ nhạc phim cũng đang được ra đời một cách thiếu sự đầu tư từ phía nhà làm phim và cả nhạc sĩ.


 
Ngôi nhà hạnh phúc
 

Trong khi mỗi năm chúng ta sản xuất khoảng vài trăm phim truyền hình để phục vụ cho nhu cầu của khán giả hiện nay thì vấn đề sử dụng nhạc phim ra sao cho phù hợp với nội dung phim đã trở thành một bài toán nan giải, chưa thể thực hiện được. Điểm qua một số cái tên gắn bó với việc chuyên viết nhạc phim như: Trọng Đài, Xuân Phương, Đức Trí, Huy Tuấn… sẽ thấy ít nhiều những nhạc sĩ này đã tạo dựng được thương hiệu cho riêng mình và các ca khúc của họ đã từng nhận được nhiều sự yêu mến của các tầng lớp khán giả khác nhau. Tuy nhiên con số những người làm nhạc phim có tâm với nghề, có tài như vậy hiện nay không phải là nhiều, thậm chí hiếm. 


 
Lập trình cho trái tim
 

 Việc sản xuất cho kịp tiến độ, đúng thời vụ đã đẩy chất lượng phim truyền hình đi xuống kéo theo đó là sự giảm sút chất lượng âm nhạc trong phim. Những ca khúc được viết một cách “quá khác” so với nội dung, tư tưởng của bộ phim. Một số còn đi lệch hẳn bên ngoài quỹ đạo, không ăn nhập với phim. Nhạc phim như chỉ sử dụng cho có khi dòng Generic cuối phim hiện lên chứ không đáp ứng hay làm tròn bổn phận vốn có của nó. Xem phim truyền hình Việt nhiều khán giả thấy mệt mỏi, ngoắc ngoải với việc nhạc được sử dụng lung tung, không đúng mục đích. Khán giả thay vì sẽ hồi hộp theo từng nhịp đập của tiết tấu phim khi đến cảnh hấp dẫn, gay cấn hoặc sẽ khóc cùng nhân vật trong một trường đoạn phim buồn, thì bây giờ họ không biết nên khóc hay nên cười với những đoạn nhạc được lắp ghép cẩu thả trong mỗi phân đoạn. Việc cảnh phim buồn, nhân vật đang thổn thức rất thương tâm nhưng lồng vào đó một bài nhạc như trong chương trình biểu diễn thời trang… là việc không còn khó tìm thấy, xảy ra liên tục trong nhiều phim truyền hình Việt. Điều đó khiến cho người xem đặc biệt những khán giả khó tính đôi khi cảm thấy như mình bị xúc phạm. Cùng với đó khán giả sẽ đổ lỗi cho đạo diễn, các nhà làm phim không biết “tôn trọng” người xem và cả chính tác phẩm nghệ thuật của mình.


 
Những thiên thần áo trắng
 

Các nhà làm phim vẫn thường hay đổ lỗi cho kinh phí làm phim thấp, eo hẹp nên không thể nào thực hiện việc lựa chọn âm nhạc, thuê nhạc sĩ viết ca khúc chủ đề cho phim tốt nhất. Như lời của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh từng nói: “Mỗi bộ phim truyền hình hiện nay chỉ thuê nhạc sĩ viết nhạc với giá từ 500 ngàn đến một triệu… Vậy làm sao mà đòi hỏi nhạc sĩ sáng tác cho hay, cho hợp với nội dung phim được…” Có lẽ chính bởi vậy mà nhạc phim truyền hình Việt hiện nay được sử dụng bừa bãi, thiếu sự đầu tư. Bộ phim 13 nữ tù của đạo diễn Lưu Trọng Ninh là một ví dụ điển hình cho việc sử dụng nhạc hết sức tùy tiện, thiếu hợp lý. Hầu hết những trường đoạn trong phim đều được lấy nhạc từ bên ngoài để “gán” vào. Có những phân đoạn nhạc được lồng vào như nhạc của sự kiện khiến khán giả cảm thấy rất thất vọng. Hay như bộ phim Xin lỗi tình yêu của nữ đạo diễn Hồng Ngân vừa được trình chiếu cách đây ít lâu thì người xem “oải” hẳn với phần âm nhạc. Mặc dù tên ca khúc trùng với tên phim nhưng nghe phần nhạc sẽ thấy nó lạc hẳn so với phim, không kể đến những đoạn nhạc được ghép rất vô nghĩa với cảnh phim. Tuy nhiên không thể đổ lỗi tất cả cho kinh phí làm nhạc bởi có rất nhiều bộ phim không cần phải có ca khúc nhạc nền mà vẫn tạo cho người xem ấn tượng. Đơn giản bởi chính việc sử dụng hiệu quả, hợp lý những tiết tấu âm thanh, giai điệu vào trong từng cảnh, từng phân đoạn, trường đoạn… khiến cho người xem cảm thấy dễ chịu, hài lòng và đồng cảm.  


 
Có lẽ nào ta yêu nhau
 

Điều đó cũng có nghĩa là không phải cứ bỏ một đống tiền để thuê nhạc sĩ viết nhạc, sáng tác cả một chùm ca khúc cho phim thì sẽ đạt hiệu quả như mong muốn, sẽ giúp bộ phim hay hơn, thuyết phục người xem hơn. Rất nhiều phim truyền hình có thuê nhạc sĩ viết nhạc, thậm chí đưa cả ca khúc bên ngoài vào để tăng thêm sự phong phú cho bộ phim… nhưng nó chỉ giúp phim đó “đầy đủ” mọi thành phần chứ không có tác dụng gì. Đó là lỗi của người làm phim đã quá cẩu thả hoặc do chạy phim để kịp tiến độ mà gật đầu bừa bãi với âm nhạc được đưa vào sử dụng. Nhiều ca khúc khi đứng ở địa hạt riêng rất hay, rất tốt nhưng đưa vào phim lại trở nên “vô lý”. Hoặc nhiều ca khúc khi tách khỏi phim thì có một đời sống riêng vững chắc, dài lâu khiến người ta nhớ đến nó hơn cả phim. Điều này có lẽ là rất đúng với những ca khúc như: “Chị tôi – Trọng Đài”, “Hoa cỏ may – Dương Đức Thụy”… Nghịch lý đó đã trở nên quen thuộc trong phim truyền hình Việt. Và chúng ta vẫn chờ đợi một sự thay đổi tích cực để nhạc phim truyền hình hay hơn, có chất lượng hơn. 


 
Cô gái xấu xí
 

 Đã quá xa rồi cái thời có những tác phẩm âm nhạc và bộ phim thành công vang dội, song hành đến vinh quang với nhau như: Xin hãy tin em với ca khúc “Mong ước kỷ niệm xưa” hay Phía trước là bầu trời – ca khúc “Lời chưa nói”. Cả hai đều của nhạc sĩ Xuân Phương. Phim Người Hà Nội – ca khúc “Chị tôi” (Nhạc Trọng Đài)… Đó có thể là những tác phẩm tiêu biểu cho sự kết hợp ăn ý giữa nhạc và phim. Cùng hỗ trợ và bổ sung đặc biệt cho nhau. Chúng ta xem Cỏ đuôi gà, Bỗng dưng muốn khóc, Ngôi nhà hạnh phúc, Ván cờ tình yêu… thấy rằng nhiều ca khúc trong phim khá được lòng một bộ phận khán giả trẻ. Tuy nhiên khi được đưa vào phim trở nên không hợp lý, nó không ăn nhập lắm với nội dung phim. Thậm chí nhiều lúc lồng nhạc vào người xem thấy phản cảm vô cùng… 


 
Ngôi nhà hạnh phúc
 

Âm nhạc là một thành tố góp phần tạo nên dấu ấn đáng kể cho một bộ phim. Nó là sợi dây nối liền những miền cảm xúc của nhân vật với người xem. Tuy nhiên nếu các nhà làm phim không biết tiết chế hợp lý, coi trọng yếu tố âm nhạc thì chắc chắn tác phẩm ấy sẽ không được dư luận đánh giá cao. Phim truyền hình Việt vẫn tiếp tục tăng tốc để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Nhưng mong sao các nhà làm phim chú ý tăng tốc về số lượng cũng hãy quan tâm đến chất lượng, mà trong đó chất lượng nhạc phim cũng cần phải được nâng cao và quan tâm nhiều hơn nữa…

(Theo thegioidienanh)

Đọc thêm