Nhạc sĩ Huy Du với Đà Nẵng

Nhạc sĩ Huy Du sinh năm Bính Dần 1926. Ông gia nhập quân đội đúng vào ngày 19-8-1945, ngày Hà Nội cướp chính quyền. Trong trường kỳ kháng chiến, Huy Du phụ trách văn nghệ ở Quân khu 3 (trong đó có thành phố Hải Phòng, thời chống Mỹ kết nghĩa với thành phố Đà Nẵng). Trong chống Mỹ, sau khi đi du học tại Nhạc viện Bắc Kinh về, ông đã dấn thân vào cuộc chiến tranh như một người chiến sĩ thực thụ. Hết ở Bạch Long Vĩ, ông lại vào đường 9. Hết ở khu Bốn, ông lại vào Trường Sơn. Nhưng phải đến ngày 29-3-1975, khi Đà Nẵng được giải phóng, ông mới có duyên với thành phố miền Trung này.

Nhạc sĩ Huy Du sinh năm Bính Dần 1926. Ông gia nhập quân đội đúng vào ngày 19-8-1945, ngày Hà Nội cướp chính quyền. Trong trường kỳ kháng chiến, Huy Du phụ trách văn nghệ ở Quân khu 3 (trong đó có thành phố Hải Phòng, thời chống Mỹ kết nghĩa với thành phố Đà Nẵng). Trong chống Mỹ, sau khi đi du học tại Nhạc viện Bắc Kinh về, ông đã dấn thân vào cuộc chiến tranh như một người chiến sĩ thực thụ. Hết ở Bạch Long Vĩ, ông lại vào đường 9. Hết ở khu Bốn, ông lại vào Trường Sơn. Nhưng phải đến ngày 29-3-1975, khi Đà Nẵng được giải phóng, ông mới có duyên với thành phố miền Trung này.

Ngày Huy Du đến Đà Nẵng, sân bay còn tan hoang, chiếc máy bay cháy dở còn âm ỉ khói. Khu gia binh đồ đạc vứt ngổn ngang. Trong khi bộ đội tiếp tục tiến về Sài Gòn, Huy Du ở lại Đà Nẵng vài ngày cùng các nhà văn, nhà thơ khu Năm như Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Bùi Minh Quốc (tức Dương Hương Ly)... Hình ảnh Đà Nẵng giải phóng với bán đảo Sơn Trà trời mây bát ngát, bến Tiên Sa lộng gió cùng các em nữ sinh thướt tha tà áo trắng hát vang đón mừng ngày giải phóng đem đến cho Huy Du xúc cảm âm nhạc dạt dào. Chính lúc ấy, Huy Du bắt gặp bài thơ Đà Nẵng ơi mùa xuân của Bùi Minh Quốc với bút danh Dương Hương Ly. Thực ra bài thơ đã được viết từ cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, song Huy Du thấy ở đó sự khao khát hướng về tương lai. Khi viết bài “Đường chúng ta đi”, nhạc sĩ Huy Du cũng có chung niềm tâm trạng đó. Nhưng tới ngày ký hiệp định Paris 27-1-1973, bài hát mới thực sự đi vào đời sống. Đọc bài thơ của Bùi Minh Quốc, Huy Du kể lại rằng có cảm giác như mình đang đi trên máy bay bồng bềnh giữa mây xốp, bỗng thấy nắng bừng xung quanh. Máy bay dần hạ cánh, bay vòng quanh. Thấy bán đảo như hình con rùa nhô ra giữa biển xanh thẳm và bãi cát mịn trắng như làn da thiếu nữ thanh tân. Phía trong là những khu phố ngang dọc như bàn cờ. Đà Nẵng – Thành phố Thái Phiên – Cửa biển Tourrane – mảnh đất đi đầu diệt Mỹ cùng xứ Quảng đã dần hiện ra, Huy Du có cảm giác đã chạm đến phía sau từng con chữ trong thơ Bùi Minh Quốc. Và ngay trong đêm Đà Nẵng ngày đầu giải phóng, Huy Du đã hát lên giai điệu về Đà Nẵng của mình phỏng theo bài thơ:

Ôi biển xanh mây xanh

Ôi trời mây bát ngát

Đây bến Tiên Sa ta cúi hôn bờ cát

Phố phường ôi tiếng hát lại trong lành

Một tâm trạng lâng lâng trong lòng người chiến thắng. Và cánh bay vẫn bàng hoàng không gian:

Hỡi sông Hàn ánh mắt long lanh

Hỡi nắng sớm Sơn Trà hỡi mây chiều Non Nước

Đẹp làm sao nắng tỏa bên đường

Trên phố phường tràn ngập ánh sao bay

Yêu làm sao Đà Nẵng

Những giai điệu kỳ lạ chưa từng có trong Huy Du thời chiến tranh, thì giờ đây tuôn chảy như quá gần gũi, như chính con tim hổn hển yêu thương thốt nên. Ngay bản thân Huy Du không ngờ mình lại chợt mới mẻ giữa một hiện thực mới mẻ lần đầu tiên gặp gỡ và choáng ngợp. Đằng sau lưng là một quá vãng vừa đi qua. Còn trước mặt là rộng lớn những năm tháng thanh bình đang chờ đợi thay đổi.

Đi ta đi giữa đất trời tỏa nắng

Tà áo trắng tung bay như mùa xuân tỏa nắng

Đôi mắt em thơ in cánh sao vàng bay

Tiếng hát câu ca phơi phới trong lòng ta

Nhịp hành khúc đã được nhắc lại đầy đặn làm ra cây cầu nối giữa hai bờ cảm xúc như cây cầu bắc qua sông Hàn. Không hiểu sao nhìn sang quang cảnh bờ bên kia sông Hàn từ đường Bạch Đằng, Huy Du có cảm giác nhìn thấy một Đà Nẵng lớn lao trong viễn mộng:

Đà Nẵng ơi! Đà Nẵng ơi!

Yêu làm sao cuộc sống

Anh dẫn em đi giữa những ngày tươi nắng

Hôn chiếc hôn nồng lên mảnh đất yêu thương

Nghe sóng sông Hàn vang khúc hát quê hương

Ai đó từng nói người cộng sản khô cứng, sống theo ý chí chứ không theo tình cảm. Nếu vậy thì làm sao Huy Du có được “Hoa mộc miên”, “Tình em” (thơ Ngọc Sơn), “Bạch Long Vĩ đảo quê hương”, “Nổi lửa lên em”... và giờ đây là “Sông Hàn vang tiếng hát” vừa viết xong trong một đêm.

Sau khi bài hát ra đời, nó đã được thu thanh qua giọng hát ngọt ngào của Kiều Hưng và đã vang lên trên thành phố Đà Nẵng đến tận bây giờ. Âm nhạc của bài hát như tiên đoán trước về một hiện thực lớn vượt của Đà Nẵng hôm nay.

Năm 1997, sau 22 năm viết “Sông Hàn vang tiếng hát”, Huy Du trở lại Đà Nẵng khi đã qua tuổi “thất thập”. Lúc ấy, Đà Nẵng đã bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ. Nhưng có lẽ, ông vẫn còn mong ước một hiện thực vĩ đại hơn, bởi vậy, ông đã viết một bản Romance đầy tâm trạng mang tên “Có những đêm không ngủ”:

Có những đêm không ngủ

Chỉ vì lòng vấn vương

Thành phố quê hương Đà Nẵng yêu thương...

Như vậy từ sau “Sông Hàn vang tiếng hát”, Huy Du đã tự coi Đà Nẵng như quê hương mình. Năm 2000, trong các tác phẩm Huy Du đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh có cả “Sông Hàn vang tiếng hát”. Năm 2004, khi làm việc với tôi để tôi có điều kiện viết cuốn tiểu thuyết chân dung về ông, Huy Du vẫn ước ao có ngày trở lại nhìn Đà Nẵng lớn vượt hôm nay. Nhưng ước ao mãi chỉ là ước ao. Ông đã ra đi cuối năm 2007, thọ 82 tuổi.

Nguyễn Thụy Kha

N.T.K

Đọc thêm