Nhạc sĩ Ngọc Đại: "Nói thật là tôi không thích bị chửi đâu"

Nhạc sĩ có nghệ danh Đại “điên” cho rằng hiện nay “quá nhiều người vớ vẩn đang viết nhạc và quá nhiều nhạc vớ vẩn đang được trình diễn khiến đời sống âm nhạc hỗn độn”. Anh làm nhạc thể nghiệm vì tình yêu với âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ có nghệ danh Đại “điên” cho rằng hiện nay “quá nhiều người vớ vẩn đang viết nhạc và quá nhiều nhạc vớ vẩn đang được trình diễn khiến đời sống âm nhạc hỗn độn”. Anh làm nhạc thể nghiệm vì tình yêu với âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Ngọc Đại cho rằng, may mắn của Đại-Lâm-Linh là lần trình diễn nào cũng được khán giả quan tâm, dù nhiều người “chửi”.- Anh có thể nói gì về chương trình Thực nghiệm nhạc hát đương đại Việt Nam - Đan Mạch 2010? - Một tháng nay tôi thấp thỏm, hồi hộp xem dự án này có được triển khai hay không và bây giờ thì rất vui vì nó đã thành hiện thực. Thực ra, tôi đã ấp ủ ý tưởng từ năm 2009, khi gặp nghệ sĩ Saxophone người Đan Mạch Lotta Anker và rất cảm động trước tiếng kèn của cô ấy. Tôi ngỏ lời mời cô ấy đến nhà tôi để nghe nhạc của tôi và hỏi: Liệu chúng ta có thể kết hợp với nhau để làm một chương trình được không? Lotta Anker trả lời ngay lập tức: Tại sao không? Từ đó, dự án Thực nghiệm nhạc hát đương đại Việt Nam - Đan Mạch 2010 ra đời. Lotta Anker là một người rất dũng cảm trong âm nhạc. Chính tôi cũng bất ngờ trước kết quả hợp tác này.
Nhóm Đại-Lâm-Linh
- Tiêu chí của anh khi thể nghiệm nhạc hát đương đại là gì? - Quá nhiều người vớ vẩn đang viết nhạc và quá nhiều nhạc vớ vẩn đang trình diễn. Nhạc hát của Việt Nam đang phát triển, nhưng tôi có cảm giác rất hỗn độn, vì vậy, mục tiêu của chúng tôi là phá vỡ được sự ổn định trong nhạc hát. Các ca khúc Việt Nam từ nhiều chục năm nay vẫn theo một lối cũ mòn, không văn minh, không vì người nghe. 10 năm nay, tôi luôn cố gắng làm cái mới. Từ Nhật thực với Hà Trần 2002 cho đến bốn năm sau, với Đại – Lâm – Linh đã hoàn toàn khác. Mọi người không thể tin nổi tôi làm được như vậy bởi sự kết hợp với Hà Trần đã được coi là một quả bom, được nhiều người nghe và bàn luận cho đến nhiều năm sau. Vậy mà tôi đã vượt qua được barier này và làm đảo lộn tình thế. Đến năm 2009, Đại – Lâm – Linh lại gây ra một cú sốc khủng khiếp khác. Lần này chúng tôi lại đổi mới để tìm một cấp độ cao hơn nữa. Ban đầu, tôi tạo ra một ý tưởng tương đối ổn định trong một tháng. Sau đó, chúng tôi “phá” sự ổn định ấy hàng ngày. 10 ngày đầu, mọi người lúng túng không biết phá kiểu gì vì cái ổn định đã khá hay rồi. Nhưng sau đó, chúng tôi đã phá được và ý tưởng này đậm đặc chất âm nhạc đương đại.- Phá cái ổn định để tạo ra cái mới, vậy thể nghiệm lần này của Đại-Lâm-Linh có gì khác với những thể nghiệm lần trước? - Âm nhạc Việt Nam quá cũ, tôi chỉ thích làm cái không cũ. Thực nghiệm lần này là phá vỡ sự thực nghiệm lần trước, cả chửi, cả điên… đều có cả. Ý tưởng của tôi: Cứ cái gì ổn định là tôi phá, kể cả tôi. Có người chắc sẽ bảo: Tại sao ông này lại điên vậy? Đơn giản là chúng tôi sử dụng các chất liệu rất bạo dạn. Việc hay – dở không bàn, mà chỉ quan tâm đến việc tạo ra năng lượng mới và các bạn sẽ bị thuyết phục. Nếu không bị thuyết phục thì phải nghĩ lại.
"Tôi theo dõi trên mạng, chỉ có 1.600 người thích tôi, còn lại 10.000 người ghét tôi. Phóng viên cũng vậy, 10 anh nhà báo thì có tới 9 anh ghét tôi"
- Cảm giác của anh thế nào khi Đại- Lâm- Linh bị phản đối khi biểu diễn trong chương trình Bài hát Việt vừa qua và anh có tin là dự án sắp tới cũng sẽ bị…chửi? - Thực tế chúng tôi hát trên sân khấu Bài hát Việt không tệ như trên truyền hình. Khi chúng tôi trình diễn, khán giả rất ổn, không có ai bỏ về, họ chỉ cười khúc khích, thậm chí họ còn vỗ tay nữa. Nhưng sau khi Đại -Lâm -Linh hát xong, khi những ca sĩ khác lên trình diễn, khán giả lại bỏ về. Tôi đã rất thành công khi tạo ra hai luồng ý kiến chửi nhau. Tôi theo dõi trên mạng, chỉ có 1.600 người thích tôi, còn lại 10.000 người ghét tôi. Phóng viên cũng vậy, 10 anh nhà báo thì có tới 9 anh ghét tôi. Nhưng có ai hiểu rằng, làm thể nghiệm đòi hỏi người làm nhạc phải hy sinh nhiều về cuộc sống, tiền bạc, thậm chí, còn mất mùa trắng. Tôi dám làm nhạc Việt và tôi trả giá 30 năm cho âm nhạc Việt Nam. Tôi tự hào về cách làm của tôi cho âm nhạc vì tôi quá yêu nhạc Việt. Nhưng nói thật là tôi không thích bị chửi đâu.
Theo Lê Thoa
Đất Việt

Đọc thêm