Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng còn trẻ nhưng đã tạo được nhiều dấu ấn trong dòng nhạc giao hưởng Việt
- Được biết anh là người chuyển soạn nhạc phẩm “Người Hà Nội” của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi để biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trong chương trình hòa nhạc xuyên Việt năm 2010. Anh có suy nghĩ gì khi nhận công việc này?
- “Người Hà Nội” là một tác phẩm thanh nhạc viết về Hà Nội, có thể nói là xuất sắc nhất của thế kỷ 20. Trong không khí chào đón đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, được viết phần đệm cho tác phẩm này là niềm vinh dự và hạnh phúc của tôi.
- Việc chuyển soạn nhạc phẩm này có làm khó anh?
- Đây là một trường ca mang tính sử thi với nhiều trạng thái cảm xúc. Hơn nữa, người nghe, người hát và cả người chơi nhạc đã quá quen với tác phẩm này trong nhiều thập kỷ qua. Do vậy, viết phần đệm vừa giữ được phong cách truyền thống mà vẫn sáng tạo là công việc cần nhiều thời gian và sự lao động nghiêm túc. Thực ra, đây không phải lần đầu tôi viết phần đệm cho “Người Hà Nội”. Trong album No.1 của ca sĩ Hồng Vy, tôi đã chuyển soạn nhạc phẩm này và còn dùng thêm cả hợp xướng phụ họa nữa. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục chỉnh sửa lại tổng phổ cho tốt hơn.
- Hiện nhạc giao hưởng thính phòng còn khá xa lạ với số đông công chúng Việt
- Muốn đưa âm nhạc giao hưởng thính phòng đến gần hơn với công chúng, chắc chắn có rất nhiều việc phải làm. Tôi nghĩ, việc mở cửa và giao lưu, hòa nhập với nền âm nhạc thế giới sẽ giúp chắt lọc mọi sản phẩm âm nhạc. Vấn đề chỉ là thời gian. Tuy vậy, chừng nào chúng ta còn coi âm nhạc là một phương tiện giải trí thỏa mãn những nhu cầu đơn giản của một bộ phận khán giả, chừng nào chúng ta còn coi nhẹ những giá trị văn hoá đỉnh cao của nhân loại, chừng nào việc giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp và âm nhạc nhạc phổ thông còn lạc hậu, chừng nào chúng ta còn buông lỏng quản lý thị trường âm nhạc, để lọt lưới và tràn lan những thứ độc hại thì âm nhạc Việt Nam sẽ vẫn loanh quanh ở một khúc sông cạn và rất khó khăn để hướng công chúng tới những giá trị thật.
- Xin cảm ơn anh!
Như Vân thực hiện