Hẹn gặp anh đúng lúc trời Đà Nẵng mưa. Nhâm nhi tách café trong góc quán Violin, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những cung bậc thăng trầm của ca nhạc phòng trà ở thành phố này.
|
|||
|
Là một nhạc sĩ trẻ, Nguyễn Đức xem phòng trà là một “mảnh đất màu mỡ” để anh và những người đồng nghiệp, bạn diễn của mình luyện tay nghề. Nhiều ca sĩ trẻ ở Đà Nẵng dựa vào phòng trà để thể hiện lòng yêu mến nghệ thuật, họ là những người yêu ca hát, nhưng ít có cơ hội được hát trước khán giả trong những chương trình lớn.
Ở Đà Nẵng, quay đi, ngoảnh lại cũng chỉ có một vài phòng trà tạo được phong cách riêng như Hợp Phố, Trúc Lâm Viên chuyên biểu diễn dòng nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Phạm Duy; Tiếng Dương Cầm hát nhạc Ngô Thụy Miên, Phú Quang; Hawaii ngoài những dòng nhạc trữ tình còn xen lẫn những ca khúc đang được giới trẻ yêu thích…
“Ca nhạc phòng trà”, cụm từ này vốn rất quen thuộc với lớp khán giả hai thành phố lớn là Sài Gòn và Hà Nội, nhưng xem ra vẫn khá xa lạ với thị hiếu giải trí của người Đà Nẵng. Dù so với Hà Nội và Sài Gòn, phòng trà ở Đà Nẵng không hề kém cạnh. Dàn âm thanh tốt, ca sĩ có chọn lọc, chỗ ngồi đàng hoàng, tạo được không gian yên tĩnh để lắng nghe… nhưng vẫn không thu hút được khán giả. Điều này phải chăng có một nguyên nhân khác? Nguyễn Đức đã làm một phép thử “so sánh”. Anh cho biết, ngoài những ưu điểm trên, phòng trà ở Đà Nẵng lại mắc một “khuyết điểm” lớn hơn là giá cả. Vào phòng trà ở Sài Gòn, một ly nước giá thấp nhất từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng. Ở Đà Nẵng, giá thấp nhất trong một phòng trà cũng đã trên 50.000 đồng. Với mức giá này, một tầng lớp khán giả bình dân khá đông ở Đà Nẵng khó lòng đến được.
Đó cũng là một trong những lý do vì sao những phòng trà ở Đà Nẵng thường vắng khách trẻ, điều mà các chủ phòng trà hiện nay rất băn khoăn và đặt câu hỏi tại sao? Phong cách của phòng trà chưa thể thu hút hay khán giả ở đây thích “nhìn” nhiều hơn “nghe”? Nhiều phòng trà ở Đà Nẵng vẫn bị khán giả trẻ chê hát “nhạc già”, trong khi giới trẻ thường thích một không gian sôi động hơn là “nhốt mình” một góc để nghe nhạc.
Dù thế, ca nhạc phòng trà ở Đà Nẵng vẫn âm thầm phát triển, một số ca sĩ trẻ khi đến đây đã thể hiện được khả năng ca hát của mình, dù tiền thù lao trong một đêm diễn của họ chỉ vài chục ngàn đồng. Ca sĩ Hoàng Nhật Minh đã đi lên từ phong trào “đi hát phòng trà” ở Đà Nẵng. Anh sở hữu một chất giọng lạ, giọng nam cao lưỡng tính - androgyne tenor. Với giọng hát có quãng rộng, âm thanh sáng, Hoàng Nhật Minh hợp với những bài tình ca nhiều tâm trạng. Tốt nghiệp Trường ÐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội, là tiếng hát quen thuộc và được nhiều khán giả yêu mến tại các phòng trà ở Đà Nẵng, Nhật Minh vừa mới cho ra đời Album Hoàng Nhật Minh - Acoustic, tạo được chỗ đứng trong lòng khán giả.
Với chất giọng khàn khàn mà người nghe dễ nhầm tưởng là “Khánh Ly”, ca sĩ Ánh Hà vẫn được người yêu nhạc Đà Nẵng gọi là “người hát nhạc Trịnh khá hay”, dù cô thừa nhận mình không phải là dân âm nhạc và chưa từng học thanh nhạc ngày nào. Trước đây, cô từng ở Bar café ca nhạc Ánh Hà tại 275 Hoàng Diệu rồi chuyển đến địa điểm mới ở đường Hoàng Văn Thụ. Giờ đây, ngoài những giờ đi hát ở một số phòng trà tại Đà Nẵng, Ánh Hà thường xuất hiện trong một số chương trình ca nhạc lớn tại Sài Gòn và các thành phố khác.
HUỲNH LÊ