Sự khởi sắc đáng ghi nhận
Nếu như trước đây khoảng những năm 2000, nhạc phim Việt chỉ xuất hiện là những ca khúc đơn giản, không được đầu tư công phu và được cất lên ở đầu hoặc cuối phim, thì ngày nay, các nhà làm phim kỳ công hơn trong quá trình đầu tư khi ngoài lồng nhạc phim vào trailer, quảng cáo trên poster... gây chú ý cho người xem, các nhà làm phim còn đầu tư phần nhạc phim thành cả MV để quảng bá phim sau lẫn cả trong thời gian phim phát hành.
Sở dĩ việc nhạc phim ngày càng được chú ý bởi ngoài việc những hình ảnh trong MV sử dụng tư liệu chính trong phim để minh họa nên có sự liên quan, gần gũi với bản thể phim hơn là những MV độc lập. Điều đó đem đến những khuôn hình đậm chất điện ảnh thì nhạc phim hiện nay được các nhà sản xuất nhạy bén vận dụng như là một công cụ PR hữu hiệu cho phim, bằng chứng thuyết phục được chứng minh qua rất nhiều bộ phim. Có thể kể đến đầu tiên là nhạc phim của “Bệnh viện ma”, trong khi vẫn còn rất nhiều ý kiến khen – chê, bình phẩm về nội dung phim. Nhưng tuyệt nhiên nhạc phim của “Bệnh viện ma” lại làm thỏa lòng người xem và khiến nhiều người dù đã “bước” ra khỏi bộ phim vẫn thổn thức bởi những ca từ trong nhạc phim. “Mẹ ơi đừng bỏ con” được sáng tác bởi nhạc sĩ Dương Khắc Linh là lời tâm sự đầy xúc động của một thiên thần bé nhỏ gửi đến mẹ của mình được lồng ghép vào cuối bộ phim cùng sự phối hợp hết sức ăn ý của Trấn Thành đã khiến nhiều khán giả “nổi da gà” và rơi nước mắt vì cảm động. Nhạc phim cùng phân cảnh cuối được xem như là chi tiết đắt giá nhất mà bộ phim “Bệnh viện ma” có được.
Hay như gần đây nhất và ấn tượng nhất là ca khúc “Bống bống bang bang” (nhạc phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”) do Only C sáng tác với phần thể hiện của nhóm hát 365, đạt lượt người nghe - xem lên đến con số 113.234.363 trên YouTube. Ca khúc này trở thành bài hát được yêu thích nhất của giới trẻ là học sinh, sinh viên hiện nay. Và có thể sau này, người ta có thể không nhớ hết nội dung của “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” nhưng chắc chắn “Bống bống bang bang” cất lên sẽ vẫn còn rất nhiều người xao xuyến và bồi hồi bởi nó đã trở thành một hiện tượng trong đời sống tinh thần của khán giả Việt trong một thời gian dài.
Ngoài hai ví dụ kể trên, chúng ta có thể nhắc tới nhạc phim “Chờ người nơi ấy” sau khi xuất hiện trong “Mỹ nhân kế” thì một thời gian dài “làm mưa làm gió” trên các bảng xếp hàng âm nhạc và làm nên tên tuổi của ca sĩ Uyên Linh hiện nay. Hay như “Fan cuồng” cũng là một trường hợp thuộc về “phần nghe lấn phần xem”. Có nhiều ý kiến cho rằng, chính âm nhạc của “Fan cuồng” đã “cứu” cả bộ phim. Ngay sau khi ra mắt, nhạc phim “Fan cuồng” bao gồm các ca khúc điển hình kể đến như “Đi về yêu thương” do nhóm rock Fanatic Band… đã nhanh chóng được đông đảo khán giả, đặc biệt là fan Rock Việt đón nhận và yêu thích…
Đầu tư nhạc phim - một mũi tên trúng hai đích
Một mũi tên trúng hai đích ở đây nghĩa là ngoài việc nhạc phim sẽ giúp tác phẩm điện ảnh ghi điểm hơn trong lòng công chúng, dĩ nhiên một nhạc phim hay sẽ giúp bộ ở trong lòng khán giả lâu hơn một nhạc phim nhàn chán và không có dấu ấn. Nói một cách dễ hiểu hơn, một nhạc phim thành công, nhiều khán giả biết đến thì kể cả sau này bộ phim có thể bị khán giả quên lãng nhưng khi nhạc phim cất lên vẫn sẽ gợi nhắc và dần dần khiến người nghe, người xem hồi tưởng về bộ phim. Và đích đến thứ hai chính là đầu tư một nhạc phim hay thì sau khi bộ phim kết thúc nhà sản xuất phim và ekip đó đã “góp” sức mình cho nền âm nhạc Việt một sản phẩm chất lượng, đồng thời chiêu đãi người nghe một kiệt tác đầy giá trị nghệ thuật.
Nhiều nhạc sĩ cũng cho rằng viết nhạc phim không mất quá nhiều thời gian cho khâu tư duy đề tài vì kịch bản phim vốn đã là những đề tài tuyệt vời. Những ca khúc được viết dựa trên những nội dung câu chuyện có sẵn, việc của các nhạc sĩ là làm sao cảm nhận được để có những giai điệu hay nhất, phù hợp với nội dung phim. Tất nhiên, sự tinh tế của nhạc sĩ sẽ chuyển tải một cách cảm xúc nhất thông điệp của câu chuyện phim. Chỉ cần như vậy là đã có được một nhạc phim thành công rồi!
Vì vậy, việc đầu tư vào phần nhạc phim cũng được xem là điều hết sức quan trọng mà đáng mừng là chính các nhà làm phim Việt đã nhận ra thị hiếu này sớm và kịp thời đầu tư. Việc biết kết hợp giữa âm nhạc và điện ảnh để cùng nâng nhau lên có lẽ là một sáng kiến hay. Đương nhiên, điều mỗi nhà làm phim hướng tới phải là dấu ấn mà bộ phim để lại, không phải chỉ là âm nhạc trong phim bởi không phải nhạc phim nào cũng đủ sức nặng để “gánh” cả bộ phim hoặc có thể cứu cánh bộ phim thoát khỏi sự nhàm chán vốn dĩ “ăn sâu” và len lỏi trong xuyên suốt nội dung của phim.