Nhạc xuân - vì sao nhiều màu sắc nhưng vẫn thiếu sức bền?

(PLVN) - Mỗi dịp gần Tết là lúc các ca sĩ ồ ạt ra ca khúc, MV về mùa xuân. Đủ các chủ đề, dòng nhạc, đa dạng cách tiếp cận, nhưng người nghe dường như vẫn cảm thấy “thiếu cái gì đó” để làm nên độ sâu lắng và sức sống bền bỉ như những ca khúc xuân xưa.
MV Tự giác đi là một trong những MV “độc lạ” dịp Tết, nhưng chỉ “hợp thời” trong một mùa.

MV Tết được đầu tư mạnh

Có thể thấy, trong những năm gần đây, các nghệ sĩ có sự đầu tư rất mạnh cho các MV nhạc xuân. Cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của mạng xã hội và lực lượng fan hâm mộ, các MV, ca khúc xuân ra đời có tốc độ lan tỏa nhanh, trở thành những bài hát “hot”, được chia sẻ rầm rộ.

Bích Phương là ca sĩ trẻ được mệnh danh “cô gái lắm chiêu”. Mỗi một MV của cô ra mắt đều có những “chiêu trò” mới được giới trẻ yêu thích. MV nhạc xuân của Bích Phương cũng thế. Năm 2017, MV Bao giờ lấy chồng của Bích Phương đánh đúng tâm lý phản ứng trước những “câu hỏi khó trả lời” mỗi dịp xuân về Tết đến. Lời bài hát mới lạ, kết hợp cùng giai điệu vui tai, rộn ràng, MV đã tạo ra một “cơn sốt” của thị trường nhạc xuân 2017.

Năm nay, Bích Phương tiếp tục khuấy đảo thị trường với ca khúc xuân mới toanh: Chuyện cũ bỏ qua. Đây là một bài hát được “đặt hàng” bởi một nhãn hàng, nhưng nhờ độ “hot” của Bích Phương, cộng với MV và lời bát hát vui tai, nên nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trẻ. Chỉ sau 1 tháng, MV đã có tới gần 400 ngàn lượt xem.

Cạnh đó, một MV cũng được đặt hàng khác của Bích Phương mang cái tên khá lạ: Tết này em không có gì để mặc cũng đang trở thành MV nhạc xuân được ưa chuộng năm 2019 khi đưa ra một đề tài khá hợp xu hướng giới trẻ.

Hương Giang Idol, ca sĩ chuyển giới cũng đang thu hút sự quan tâm của khán giả khi “chốt sổ” một năm đầy thành công của mình bằng hé lộ MV Tết sắp ra mắt. Chỉ một đoạn clip ngắn được đăng trên trang cá nhân, Hương Giang đã làm dấy lên đồn đoán về một MV Tết đặc sắc. Được biết, đây là một dự án âm nhạc xuân khá ý nghĩa của không chỉ Hương Giang mà có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ khác.

Trái với giai điệu vui nhộn trẻ trung được chuộng dịp Tết, nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ vừa cho ra mắt ca khúc Xuân của mẹ với giai điệu buồn, trầm lắng, gây xúc động với phần MV và giọng hát của nữ ca sĩ Thùy Chi.

MV dài hơn 5 phút kể lại nỗi niềm của người mẹ có con gái lấy chồng xa, mặc dù biết Tết con không về được nhưng vẫn luôn khắc khoải chờ mong. MV mới ra mắt nhưng được chia sẻ rộng rãi vì đánh đúng vào tâm lý của các “nàng dâu mới” xa quê dịp Tết.

Đến thời điểm này, MV Tết chưa được công bố nhiều như thời điểm năm ngoái. Tết 2018 được coi là “được mùa” với hàng loạt MV độc lạ như Tự giác đi (Bùi Công Nam) với chủ đề đòi nợ; Buồn lắm Tết ơi (Huỳnh Hiền Năng) về tâm sự của những bạn trẻ thiếu may mắn và thành công; Thế là Tết (Hòa Minzy, Đức Phúc) quanh chủ đề tranh cãi Tết truyền thống và hiện đại… 

Đầy màu sắc nhưng chưa xuất sắc?

Tuy được yêu thích, có lượt xem khủng và đem lại nhiều lợi nhuận cho nghệ sĩ, nhưng có một sự thật là những năm gần đây, các MV xuân chỉ có “tuổi thọ” một vài năm, thậm chí chỉ trong một mùa Tết.

Một sự thật khác là hầu hết các MV Tết hiện nay thu hút chính bởi phần dàn dựng đẹp, lạ, thú vị, thế nhưng khi tách ra khỏi phần “xem” thì phần “nghe” chưa đủ sức hút. Nghĩa là bài hát khó “sống thọ” nếu đứng một mình, tách ra khỏi nội dung MV.

Nếu làm một sự so sánh, có thể thấy các ca khúc nhạc xuân xưa có tuổi thọ rất lâu đời, có những ca khúc hàng nửa thế kỉ như Ly rượu mừng (Phạm Đình Chương), Xuân đã về (Minh Kỳ), “Đầu năm đi lễ” (Ngọc Sơn), “Câu chuyện đầu năm” (Hoài An), “Cánh thiệp đầu Xuân” (Lê Dinh - Minh Kỳ)… có sức sống đến tận nay.

Nếu không nói đến những ca khúc xuân bất hủ, có thể kể đến những tình khúc xuân của thập niên trước cho đến nay vẫn sống mãi trong lòng người yêu nhạc, được đông đảo người dân nghe vào dịp Tết đến Xuân về: Lắng nghe mùa xuân về (Dương Thụ), Khúc giao mùa (Huy Tuấn), Mùa xuân ơi (Nguyễn Ngọc Thiện), Điệp khúc mùa xuân (Quốc Dũng)… 

Như vậy, đâu là sự khác biết làm ra sức sống của mỗi một ca khúc xuân. Điều mấu chốt có lẽ không nằm ở sự “hợp thời”, vui mắt hay vui tai, mà nằm ở giá trị thật sự của ca khúc: Sự đầu tư về mặt âm nhạc, giai điệu, cảm xúc từ trái tim người nghệ sĩ.

Có lẽ các nhạc sĩ ngày nay cũng cần nhìn nhận lại, có sự đầu tư và tâm huyết để có những ca khúc có giá trị bền vững, lâu đời trong lòng khán giả chứ không chỉ những sản phẩm âm nhạc thị trường “theo thời” nở và tàn theo một mùa xuân đến xuân đi. 

Đọc thêm