Cổ phiếu phòng vệ |
Cổ phiếu phòng vệ là những cổ phiếu có biến động thấp hơn so với biến động chung của toàn thị trường. Cổ phiếu phòng vệ (CPPV) không được ưa thích trong thời kỳ tăng trưởng của TTCK nhưng sẽ được chú ý nhiều trong giai đoạn khó khăn do tốc độ giảm giá chậm hơn và khả năng trụ giá cũng tốt hơn. Với TTCK Việt Nam, nhóm CPPV cũng đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng để tiếp cận và đầu tư là vấn đề không đơn giảnTừ nhóm ngành chính thống Những ngành có tính phòng vệ là những ngành không phải chịu nhiều ảnh hưởng trong chu kỳ của nền kinh tế, sức cầu đối với sản phẩm thường không có biến động lớn so với giá cả như: dịch vụ y tế, hàng tiêu dùng, năng lượng, công nghệ… Tuy nhiên cũng cần lưu ý không phải cứ DN nào thuộc ngành có tính phòng vệ thì cổ phiếu của DN đó cũng là CPPV. Các DN thuộc ngành này phải có thương hiệu, thị phần ổn định. Như trường hợp của CTCP Kinh Đô, một DN hàng đầu trong ngành sản xuất bánh kẹo, nhưng không thể nói cổ phiếu KDC là CPPV vì kết quả kinh doanh (KQKD) của KDC rất khó dự đoán. Báo cáo tài chính năm 2008 sau khi kiểm toán đã từ lãi chuyển sang lỗ; hoạt động đầu tư tài chính của DN này cũng phức tạp, dẫn đến nguồn thu không ổn định. Tương tự là PPC vốn là một cổ phiếu có biến động rất mạnh trong thời gian qua và phụ thuộc rất nhiều vào tỷ giá VNĐ/JPY hơn là những lợi thế kinh doanh của DN này. Tiêu biểu cho nhóm CPPV là cổ phiếu VNM của Vinamilk và DHG của Dược Hậu Giang. Trong quý II, khi VN-Index tăng gần 120%, nhiều cổ phiếu tăng giá 200% thì tỷ lệ tăng giá của VNM chỉ xấp xỉ 50%; DHG có khá hơn đôi chút khi đạt khoảng 55%. Sự ổn định trong KQKD của 2 DN này đã được thị trường nhìn nhận, kỳ vọng luôn được duy trì ở mức cao và khả năng trụ giá cổ phiếu đã được kiểm chứng trong quá khứ. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua việc thị giá của 2 blue chips này luôn ở mức cao nhất thị trường với mức giá trên 10.0. Đến các biến thể Trên thực tế việc cổ phiếu có thể trụ giá không chỉ do KQKD ổn định hay thuộc nhóm ngành có tính phòng vệ mà còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác, điều này cũng phần nào thể hiện qua cổ phiếu VNM và DHG. Đây là 2 blue chips có khối lượng giao dịch (KLGD) kém nếu so với những blue chips còn lại. Tính từ đầu tháng 7 đến phiên ngày 22/7 KLGD khớp lệnh mỗi phiên của DHG chưa vượt quá 100. 000 đơn vị, trong khi KLGD của VNM chỉ tăng mạnh khi có tin tốt xuất hiện. Tính thanh khoản có phần nghèo nàn bắt nguồn từ việc cổ đông của DHG và VNM đa phần là các cổ đông tổ chức và lượng CP trôi nổi trên thị trường khá thấp. Chính vì vậy việc giữ giá cho các cổ phiếu này rất thuận lợi nhưng ngược lại, nếu có động thái đánh lên cũng không thể kéo dài quá lâu vì sẽ gặp phải lực bán ra từ các tổ chức khác. Ngoài ra cũng có những cổ phiếu thậm chí không hội tụ những tiêu chí cơ bản của CPPV lại biểu hiện tính phòng vệ rất tốt. Tiêu biểu cho nhóm này chính là 2 cổ phiếu ngành bất động sản là KBC và VIC. KBC chính là một trong số ít những cổ phiếu trụ giá tốt nhất trên TTCK Việt Nam trong giai đoạn suy thoái nửa đầu năm 2008. Tính từ đầu tháng 7 thị giá của KBC chỉ quanh quẩn ở ngưỡng 3.0 trong khi thị giá của VIC tính từ tháng 8 đến nay cũng chỉ dao động từ 4.2 đến 5.0. Tương tự như VNM hay DHGI số cổ phiếu trôi nổi trên thị trường của KBC và VIC tương đối thấp. Chính vì vậy dù cho không thuộc ngành kinh doanh có sự ổn định cao thì KBC và VIC cũng có thể được xem là CPPV tại một số thời điểm. Tiếp cận CPPV CPPV thường chỉ thích hợp với những NĐT lựa chọn xu hướng an toàn, trong khi đa phần NĐT trên TTCK Việt Nam hiện nay vẫn chủ định lướt sóng và thu lợi từ chênh lệch giá. Chính vì vậy sức hút từ nhóm CPPV không lớn làm cho tính thanh khoản của nhóm này ở vào mức thấp. Việc chỉ biến động thị giá trong phạm vi hẹp, sẽ không quá khó khăn để phán đoán được xu hướng giá của nhóm CPPV. Chỉ cần thống kê các mức giá đỉnh và đáy của cổ phiếu trong một số khoảng thời gian từ 1 tháng đến 1 quý hoặc nửa năm là có thể phần nào tìm ra được các mức chặn trên và chặn dưới. Cách làm này cũng không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật phức tạp nhưng theo các chuyên gia thì hiệu quả đem lại không nhỏ, nhất là đối với các NĐT cá nhân. Với các mã DHG, VNM, NĐT có thể sử dụng chiến thuật mua và giữ trong thời gian dài mà không quá lo lắng. Với những CPPV có phần "biến thể" như KBC hay VIC thì khả năng thu lợi trong một số thời điểm cũng rất đáng kể, như VIC đã tăng từ 2.5 tại thời điểm đầu tháng 5 lên gần 5.0 trong nửa đầu tháng 6. Ngoài ra, sẽ có những thông tin hỗ trợ trong từng thời điểm để tạo nên tính phòng vệ cho cổ phiếu. Hay những CP có KQKD rất khả quan như NTP, BMP, HPG, NTP những ngày qua chỉ dao động quanh ngưỡng 7.01, HPG xoay quanh 5.5, BMP từ 8.0 đến 7.0. Với những đặc thù trên TTCK Việt Nam, việc xuất hiện nhiều CPPV để hạn chế rủi ro theo đúng nghĩa vẫn cần thêm nhiều thời gian. Mặc dù vậy việc lựa chọn sự an toàn khi thị trường chung khó khăn bằng cách giải ngân vào nhóm CPPV sẽ là một chiến thuật hợp lý, dù vẫn chưa được áp dụng rộng rãi.
Theo Sài Gòn Giải Phóng - Đầu tư tài chính