[links()] Một chuyên viên cao cấp của Ngân hàng Quân đội chia sẻ, ngoài các ngân hàng kinh doanh ngoại hối tốt, kinh doanh vàng tốt…, thì nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng được coi là một trong những nguồn thu chính của một ngân hàng, là “máy in tiền”. Tuy nhiên, một nghiệp vụ đem lại lợi nhuận lớn cũng là một nghiệp vụ chứa đựng nhiều rủi ro, trong đó về phía ngân hàng, hai rủi ro lớn nhất là khả năng thẩm định của ngân hàng và rủi ro về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng.
|
Có những sự "hợp tác" không mang lại an toàn cho nhiều phía |
Vẫn còn “khoảng trống” đạo đức nghề nghiệp
Vụ việc vừa xảy ra ở Chi nhánh Agribank Hồng Hà đã khiến Giám đốc Đỗ Đức Hưng bị bắt và khởi tố về hành vi “lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Theo tài liệu điều tra, ông Hưng đã ký nhiều giấy bảo lãnh thanh toán không có hồ sơ, không hạch toán, không thu phí bảo lãnh cho một số doanh nghiệp, với tổng số tiền hơn 345 tỷ đồng.
Chia sẻ về câu chuyện chứng thư bảo lãnh, một chuyên viên cao cấp của Ngân hàng Quân đội chia sẻ, tuy là phương thức được ưa thích bởi vì các bên đều có lợi, nhưng đến nay, đây là nghiệp vụ chứa đựng nhiều rủi ro nhất trong các nghiệp vụ ngân hàng. “Đa phần chứng thư được phát hành cho những khách hàng quen biết, có lịch sử tín dụng với ngân hàng, vì thế, cũng giống như nghiệp vụ tín dụng, các khoản bảo lãnh có khoản được thế chấp bằng tài sản, có khoản không”. Điều đó tùy thuộc vào quan hệ của ngân hàng với từng khách hàng và vào khả năng thẩm định của chuyên viên.
Nhưng tại sao chứng thư bảo lãnh lại là một trong những nghiệp vụ chứa đựng nhiều “cám dỗ” đối với cán bộ ngân hàng? Khác với các nghiệp vụ khác, các quy trình bắt buộc phải nhập liệu, phải thông qua hệ thống nên được quản lý qua hệ thống, thì bảo lãnh ngân hàng là nghiệp vụ duy nhất có thể “qua mặt” hệ thống.
Tờ chứng thư có mẫu chung nhưng có thể được in ra như một văn bản từ bất kỳ máy tính nào. Chỉ cần có đủ con dấu và chữ ký của người có trách nhiệm là tờ chứng thư được phát hành ra hợp pháp. Vì thế, nếu người có trách nhiệm cố ý không đưa thông tin về chứng thư vào trong hệ thống để quản lý, thì những thu chi liên quan đến chứng thư sẽ không thể hiện trên hệ thống quản lý của ngân hàng.
Nếu rủi ro về thẩm định dự án là rủi ro về mặt nghiệp vụ và có thể khắc phục bằng cách nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ ngân hàng, thì rủi ro về mặt đạo đức là rủi ro “rất khó nói” – như lời một cán bộ thanh tra ngân hàng.
Trong khi đó, lại chưa có một hệ thống chuyên dùng cho chứng thư bảo lãnh, cũng chưa có quy định về việc bắt buộc lấy số (số văn bản) điện tử, nên việc kiểm soát chứng thư bảo lãnh càng khó khăn hơn. “Dù các ngân hàng có tăng cường giám sát kiểm tra chéo nhưng lượng chứng thư bảo lãnh phát hành mỗi năm không ít, và có nhiều cơ hội cho những người có ý đồ xấu trục lợi. Nếu như có một hệ thống chuyên dùng cho chứng thư bảo lãnh, hay có quy trình kỹ thuật nào đòi hỏi việc phát hành chứng thư bảo lãnh thông qua hệ thống, thì mới có thể phần nào hạn chế được rủi ro về đạo đức nói trên” – vị cán bộ thanh tra ngân hàng nói.
Nghiệp vụ bị lợi dụng
Chứng thư ngân hàng là một trong những loại văn bản ngân hàng bị làm giả. Còn nhớ, sau khi vụ việc làm giả chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng HSBC xảy ra năm 2010 và một số vụ việc khác, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải phát hành văn bản cảnh báo về vấn đề làm giả chứng thư ngân hàng. Theo nhận định của cơ quan công an và NHNN, đây là hình thức phạm tội mới, có sự câu kết giữa đối tượng ngoài ngân hàng với nhân viên ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Để phòng ngừa vụ việc tương tự có thể xảy ra, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát và ban hành đầy đủ quy trình quản lý, sử dụng và bảo quản con dấu tại đơn vị. Ngoài ra, các nhà băng cũng cần tăng cường công tác quản lý nhân sự, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý và sử dụng con dấu. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lừa đảo, tổ chức tín dụng cần khẩn trương báo cáo NHNN và cơ quan pháp luật để ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Trong vụ việc “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” mới phát hiện gần đây, đối tượng Ngô Quang Đạo (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty CP Dầu khí, chất đốt Miền Bắc) đã lập một số Cty để kinh doanh xăng dầu, nguồn cung cấp chủ yếu từ TCty Thương mại kỹ thuật và đầu tư - Cty CP PETEC.
Lợi dụng chủ trương của PETEC giao các chi nhánh tự tìm kiếm khách hàng ký hợp đồng đại lý bán xăng dầu với hình thức trả chậm có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng, Ngô Quang Đạo yêu cầu nhân viên dưới quyền giả chữ ký của giám đốc ngân hàng từ cuối năm 2011 đến tháng 4/2012. Ông Đạo sau đó dùng kỹ thuật máy tính scan mẫu dấu và dấu tên của giám đốc để tạo thành bản chứng thư hoàn chỉnh.
Tổng cộng, đã có 15 chứng thư mang danh Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Cẩm Giàng (Hải Dương) và Ngân hàng Công thương Việt Nam, Chi nhánh Lê Chân (Hải Phòng) bị làm giả. Việc làm giả trên nhằm mục đích đáo nợ, duy trì quan hệ mua bán với PETEC. Các DN của Đạo hiện còn nợ tiền hàng trên 495 tỷ đồng.
Những phương thức khác nhau chứng tỏ tình trạng làm giả chứng thư bảo lãnh đang tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Tuy nhiên, ngay cả để phát hiện chứng thư bảo lãnh có “thật” hay không thì không phải lúc nào bên nhận bảo lãnh cũng có thể thực hiện dễ dàng. Như đã nói ở trên, căn cứ trên Quy chế bảo lãnh ngân hàng mà NHNN ban hành, mỗi ngân hàng lại có hướng dẫn riêng cho hệ thống của mình, và văn bản bảo lãnh mỗi ngân hàng lại khác nhau.
Chính vì thế, bên nhận bảo lãnh không có tiêu chí “cứng” để nhận định chứng thư, trừ khi đến tận nơi để kiểm chứng. Chính lỗ hổng trong quy trình hoạt động, cả về hoạt động và kỹ thuật, đã khiến cho tội phạm làm giả bảo lãnh ngân hàng vẫn có “đất sống”…
Hoàng Thủy