Nhận thức đầy đủ sẽ tránh tính hình thức!

Luật PBGDPL (PBGDPL) đã chính thức qui định ngày 9/11 là “ngày pháp luật” để “thượng tôn pháp luật”. Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Duy Lãm – Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, “cần có nhận thức rõ ràng, thống nhất để “ngày pháp luật” được tổ chức thực hiện một cách thực chất”.

Luật PBGDPL (PBGDPL) đã chính thức qui định ngày 9/11 là “ngày pháp luật” để “thượng tôn pháp luật”. Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Duy Lãm – Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, “cần có nhận thức rõ ràng, thống nhất để “ngày pháp luật” được tổ chức thực hiện một cách thực chất”.

v
Ông Nguyễn Duy Lãm – Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp)

•    Với tư cách thành viên Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, ông đánh giá như thế nào về việc triển khai thực hiện mô hình “ngày pháp luật” thời “tiền” Luật PBGDPL?

- Có thể khẳng định ngay đây là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, hình thành thói quen học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Không chỉ được tổ chức ở cấp TƯ, tỉnh, mô hình “ngày pháp luật” đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai đến cấp cơ sở (cấp xã). Việc triển khai thực hiện mô hình “Ngày pháp luật” cũng phản ánh vai trò chủ động của cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, đoàn thể ở TƯ và địa phương thông qua việc tham mưu, đề xuất cách thức tổ chức, thực hiện mô hình này phù hợp điều kiện thực tiễn.

•    Ông có thể cho biết, nội dung và hình thức tổ chức “ngày pháp luật” phổ biến là gì?

- Đúng như tên gọi, “Ngày pháp luật” là ngày chủ yếu được dành để giới thiệu, phổ biến các qui định của pháp luật về nhiều lĩnh vực khác nhau, liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị và thiết thực với người dân thông qua các hình thức phong phú như tổ chức học tập, quán triệt văn bản pháp luật tập trung, tự nghiên cứu tài liệu pháp luật, tọa đàm, giao lưu, trao đổi, thảo luận về các nội dung pháp luật, tìm hiểu pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với các nội dung sinh hoạt khác của cơ quan, đơn vị, địa phương như sinh hoạt chi bộ, giao ban cơ quan, họp tổ dân phố…

Đặc biệt, một số địa phương đã linh hoạt, sáng tạo triển khai thực hiện thông qua việc kết hợp với phong trào, mô hình hoạt động xã hội tại địa phương như tỉnh ở Tiền Giang, lồng ghép sinh hoạt “Ngày pháp luật” với nội dung góp vốn xoay vòng (xã Hòa Định – huyện Chợ Gạo), sinh hoạt qua đò chèo trên sông nước xã Thới Sơn (TP.Mỹ Tho)…

•    Với ý nghĩa của “Ngày pháp luật”, hoạt động chính nào sẽ được thực hiện trong ngày này để công tác PBGDPL mang “màu sắc” riêng của “Ngày pháp luật”?

- Theo chúng tôi, trong “Ngày pháp luật”, cả nước sẽ tổ chức đợt cao điểm về PBGDPL với nhiều hình thức, hoạt động hiệu quả, thiết thực, tập trung khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội. Ngoài việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các nội dung pháp luật, “Ngày pháp luật” sẽ là ngày được dành để các cơ quan, đoàn thể tổ chức khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật, trong đó có các hiệp hội nghề nghiệp về pháp luật, tổ chức, cá nhân hành nghề pháp luật đã được xã hội hóa như luật sư, công chứng…

•    Hạn chế lớn nhất của công tác PBGDPL nói chung và việc thực hiện tổ chức “Ngày pháp luật” thời gian qua vẫn là tính hình thức. Theo ông, cách nào để “Ngày pháp luật” có tính thực chất?

- Quan trọng nhất là nhận thức của những người tổ chức và tham gia. Nhận thức rõ ràng ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của “Ngày pháp luật” thì việc tổ chức sẽ thực chất nên trước mắt cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân về “Ngày pháp luật”. Bên cạnh đó, cần thực hiện việc kiểm tra thường xuyên các buổi sinh hoạt “Ngày pháp luật” và nên đưa việc tham gia sinh hoạt “Ngày pháp luật” là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang. Và với những hoạt động mang tính “trừu tượng” như PBGDPL, thực hiện khen thưởng kịp thời cũng là một giải pháp để các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia, hưởng ứng “Ngày pháp luật”…

Chúng tôi hy vọng, với các qui định của Luật, Nghị định, các văn bản hướng dẫn, triển khai và nhận thức sâu sắc, nỗ lực của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị, “Ngày pháp luật” sẽ  được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

•    Trân trọng cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Đọc thêm