Nhân viên thú y cấp phường: Muốn làm việc tiếp, phải “thi đấu” giành suất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND Hà Nội, 177 viên chức làm nhân viên kỹ thuật chăn nuôi thú y ở 177 xã, phường trên địa bàn đã bị chấm dứt lao động. Nếu muốn có việc làm, sẽ phải vượt qua kỳ xét tuyển viên chức của Hội đồng tuyển dụng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 
Hà Nội xóa viên chức thú y cấp phường. (Ảnh minh họa)
Hà Nội xóa viên chức thú y cấp phường. (Ảnh minh họa)

Theo Quyết định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, kể từ ngày 1/1/2021, hàng trăm nhân viên kỹ thuật chăn nuôi thú y tại các phường, thị trấn (nhân viên thú y) trên địa bàn TP đã chính thức bị chấm dứt hợp đồng lao động. 

Trước đó, trên cơ sở tờ trình của UBND TP Hà Nội, thường trực HĐND TP đồng ý đề xuất cho điều chỉnh biên chế trong nội bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y; cho phép chuyển 177 chỉ tiêu biên chế viên chức đang là nhân viên thú y tại 177 phường thành 177 chỉ tiêu viên chức làm nhân viên kiểm soát giết mổ và giao số chỉ tiêu biên chế viên chức này về Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông và Chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị động vật, thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Trạm kiểm dịch).   

Theo kế hoạch tuyển dụng viên chức làm việc tại Trạm kiểm dịch do UBND TP ban hành ngày 26/3/2021, tổng chỉ tiêu được tuyển dụng làm việc tại đây là 174 người. Trong đó, 156 chỉ tiêu được tuyển dụng vào vị trí kiểm dịch - kiểm soát giết mổ; 13 làm nhiệm vụ chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị bệnh động vật; 5 vào vị trí kế hoạch tài chính, tổ chức nhân sự, hành chính tổng hợp và quản trị công sở.  

Tuy nhiên, theo các Quyết định của UBND TP, đây chỉ là điều chuyển chỉ tiêu biên chế nên số lao động đang làm công tác thú y tại phường, thị trấn không được phiên ngang. Nếu muốn có việc làm tại Trạm kiểm dịch, ngoài đủ điều kiện về bằng cấp, sức khỏe, tuổi tác để đăng ký dự tuyển, còn phải tham gia và vượt qua kỳ xét tuyển viên chức do Sở NN&PTNT tổ chức trong thời gian tới. 

Theo tìm hiểu, năm 2012, số lao động này được tuyển dụng theo Đề án của UBND TP về việc bố trí viên chức kỹ thuật chăn nuôi thú y, thú y viên thôn bản; viên chức kỹ thuật trồng trọt bảo vệ thực vật làm việc tại các xã, phường thị trấn thuộc Sở NN&PTNT quản lý.

Việc tuyển dụng này là sự cụ thể hóa 1 trong 6 nhiệm vụ của Chương trình phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới giai doạn 2011-2015 của Thành ủy Hà Nội.  

Số lao động này đa số có thời gian công tác trong lĩnh vực rất lâu năm, người nhiều nhất 26 năm, người ít nhất 7-8 năm. Theo đơn gửi các cơ quan,  dù được tuyển dụng vào vị trí việc làm theo Đề án trên, nhưng từ năm 2015 đến nay, Sở NN&PTNT không hề tổ chức thi (xét) tuyển viên chức theo đề án được duyệt; rồi thời gian gần đây Sở lại tham mưu cho TP điều chuyển 177 chỉ tiêu từ Đề án sang chỉ tiêu viên chức cho Trạm kiểm dịch. 

Người lao động phản ánh còn cảm thấy bất thường khi Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y đơn phương chấm dứt hợp đồng với 154 nhân viên thú y theo Đề án, trong khi không có động thái chấm dứt hợp đồng với 135 lao động do Chi cục Thú y tự ký hợp đồng (ngoài chỉ tiêu đề án giao) đang làm việc tại Trạm kiểm dịch. 

“Việc làm này là trái chủ trương, chính sách của TP. Chúng tôi đề nghị Sở NN&PTNT và Chi cục Thú y thực hiện xét tuyển đặc cách viên chức, bố trí việc làm cho chúng tôi theo đúng 177 chỉ tiêu chuyển sang làm việc tại Trạm kiểm dịch mà HĐND TP đã phê duyệt”, người lao động kiến nghị.  

Như vậy, chưa tính tới số người đủ điều kiện đăng ký tham gia ở kỳ tuyển dụng tới, 154 nhân viên thú y cấp phường vừa bị “điều chuyển”, cùng với 135 lao động đang làm việc tại Trạm kiểm dịch, tới đây sẽ phải “thi đấu” với nhau để giành 174 suất mà UBND TP đã duyệt. 

Bỗng dưng được tăng 2-4 bậc lương?

Theo đơn phản ánh của người lao động, trong thời gian làm việc, 154 lao động không được tăng lương theo quy định. Chi cục Thú y thực hiện chi trả lương sai với nội dung đề án nên đến nay không chốt được sổ bảo hiểm xã hội để trả cho người lao động. Sau 5 ngày chấm dứt hợp đồng lao động, Chi cục bất ngờ ra Quyết định điều chỉnh mức tiền công đối với số lao động này, nâng từ 2-4 bậc lương. Cũng theo phản ánh, nhiều năm người lao động không được nhận tiền Tết Dương lịch; nhưng năm rồi, khi chấm dứt hợp đồng lao động, nhiều lao động bỗng dưng nhận được tiền Tết Dương lịch (1 triệu đồng/người).

Đọc thêm