Theo Báo cáo sơ bộ của UBND xã Cư Pui (huyện Krông Bông), ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, UBND xã Cư Pui (huyện Krông Bông) đã tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin về 1 số hộ dân ở xã Cư Elang (huyện Ea Kar) bán đất lâm nghiệp do xã quản lý tại Tiểu khu 1147, thuộc khu vực ven bờ hồ Ea Rớt cho 1 người ở TP Hồ Chí Minh và 1 người ở xã Ea Ô (huyện Ea Kar) với diện tích đất rất lớn và đang xây dựng công trình trái phép.
Kết quả kiểm tra cho thấy, vào tháng 2/2020, ông Lê Hồng Sơn (SN 1980, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) có mua đất của 3 hộ dân gồm ông Hoàng Văn Mý, Bùi Văn Điệp và Nông Văn Chiến (đều ngụ xã Cư Ea Lang, huyện Ea Kar) với tổng diện tích khoảng 30 ha với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, hiện trạng đất mà ông Sơn đứng tên mua lại, được giao trách nhiệm cho ông Lê Trần Tường Văn (SN 1991, ngụ huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) trực tiếp phụ trách về kỹ thuật cải tạo mặt bằng với tổng diện tích khoảng 450m2; trong đó nền dựng khung nhà gỗ ba gian, chưa lợp ngói với diện tích 90m2; xây dựng hoàn thiện một hầm rút dung tích 6,4m3; xây hai bờ kè chắn lở, bờ chắn thứ nhất bậc 1 đã hoàn thiện có chiều cao một mét, dài 25m; bờ chắn thứ hai bậc 2 đang tiến hành xây dựng có chiều cao 0,8m, dài 35m. Ngoài ra, tại hiện trường các vật liệu được tập kết gồm 25 bao xi-măng, 12 khối cát, 16 khối đá hộc, hai khối đá 1-2, 90 thùng ngói, 60 thùng gạch nền và khoảng 2 khối cây gỗ cùng máy móc, vật dụng san lấp mặt bằng…
Ở vị trí thứ hai: Tháng 10/2019, hộ ông Trần Quang Vinh (SN 1962, ngụ xã Ea Ô, huyện Ea Kar) có mua đất của 2 hộ dân gồm Nguyễn Văn Lương và Bùi Văn Thắng (không rõ địa chỉ cụ thể) diện tích khoảng 27,8 ha với số tiền khoảng 1 tỷ đồng, đây là diện tích phần đất thuộc đất lâm nghiệp tại tiểu khu 1147 và phần đất 5% của xã Cư Pui (huyện Krông Bông) quản lý, phần đất này đã được Nhà nước đền bù xây dựng hồ chứa nước Ea Rớt.
Thời điểm kiểm tra, hiện trạng đất mà ông Vinh đứng tên mua lại đã cải tạo, san lấp mặt bằng hai bậc với diện tích 70m2, một hố để chứa nước sâu khoảng 2m với diện tích 24m2; đã dựng một chuồng bò cột gỗ, nền đất, mái lợp tôn Prô xi-măng với diện tích 16m2; rào lưới B40 khoảng 90m, nhà gỗ hai gian, mái lợp ngói và tôn chưa hoàn thiện. Vật liệu tập kết tại hiện trường gồm 3.000 viên gạch nung, ba khối cát và 30 thùng gạch lát nền…
UBND xã Cư Pui xác định, các trường hợp trên tự ý mua, bán sang nhượng đất và xây dựng các công trình trên đất không thông qua chính quyền địa phương, trái quy định của pháp luật và lấn chiếm vào đất của địa phương đang quản lý.
Vì vậy, UBND xã Cư Pui đã lập biên bản tạm dừng các hoạt động tác động làm thay đổi hiện trạng đất và xây dựng các công trình trái phép trên đất đối với ông Sơn và Vinh. Đồng thời, báo cáo sự việc trên lên UBND huyện và các phòng, ban chức năng của huyện để có biện pháp xử lý.
Ngay sau đó, UBND huyện Ea Kar và huyện Krông Bông cùng đại diện Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp khẩn ngay tại một phân trường bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp (Công ty lâm nghiệp) Ea Kar để bàn biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng đang diễn ra ở khu vực giáp ranh giữa hai huyện.
Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, UBND xã Cư Pui và các ngành chức năng của huyện đã báo cáo sơ bộ tình hình có các cá nhân từ huyện Ea Kar và TP Hồ Chí Minh vào khu vực hồ thủy lợi Ea Rớt thâu tóm đất rừng làm dự án.
Hiện, vụ việc trên cũng đã được báo cáo lên Công an tỉnh Đắk Lắk xem xét, xử lý./.